Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư: Còn khoảng trống về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt
Đầu tư - Tài chính 20/11/2020 14:35
Tại Hội thảo "Lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đầu tư” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 19/11, bà Trần Thị Thanh Huyền, đại diện Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự cho rằng tại Điều 20 Luật Đầu tư có quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt và giao "Chính phủ quy định chi tiết điều này" tuy nhiên nội dung trên lại chưa được hướng dẫn chi tiết tại dự thảo nghị định mới. Trong khi đó, đây là nội dung rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn FDI đang có xu hướng chuyển dịch và mở rộng theo hướng có lợi cho Việt Nam.
Trước đó, theo Nghị quyết số 50/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã nêu rõ cần phải xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam....
“Việc chậm trễ ban hành quy định như vừa nêu có thể làm giảm khả năng thu hút dòng đầu tư từ những tập đoàn lớn, dòng vốn có hàm lượng tri thức cao”, luật sư Huyền nói.
Toàn cảnh hội thảo "Lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Đầu tư" |
Ngoài ra, dự thảo hiện cũng chưa quy định về trách nhiệm, vai trò của Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng và ban hành cơ chế phối hợp để giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư và phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế. Đồng thời, dự thảo cũng chưa có bất kỳ điều khoản nào hướng dẫn cụ thể về cơ chế giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư và phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư. Việc không quy định nội dung này tại dự thảo sẽ làm chậm lại quá trình xây dựng cơ chế phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế trong khi nguy cơ về xảy ra các tranh chấp đầu tư quốc tế ngày một gia tăng.
Đối với quy định tại điều 34 về trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký trực tuyến trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư, luật sư cho rằng cần quy định thời gian cụ thể thực hiện thủ tục tại cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư để làm căn cứ thực hiện trên thực tế.
Đồng thời, tại điều 46 quy định về việc điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp nhận chuyển nhượng dự án đầu tư là khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, tại khoản 3 có quy định: "Cơ quan đăng ký đầu tư đánh giá các điều kiện xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan để điều chỉnh dự án đầu tư." Đại diện Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự cho rằng quy định yêu cầu cơ quan đăng ký đầu tư phải đánh giá điều kiện xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật có liên quan là thách thức đối với cơ quan đăng ký đầu tư bởi trước đó, tại khoản 1 điều 46, nhà đầu tư đã thực hiện xong thủ tục: đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản, quyền sử dụng đất gắn liền với dự án đầu tư sau khi nhận chuyển nhượng dự án đầu tư từ tổ chức xử lý nợ xấu tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; thực hiện nghĩa vụ thuế phát sinh (nếu có) và họ được kế thừa quyền và nghĩa vụ. Bởi vấn đề đặt ra, nếu cơ quan đăng ký đầu tư phát hiện có vấn đề phát sinh trong quá trình xử lý nợ xấu thì sẽ giải quyết như thế nào? Trường hợp giữ nguyên quy định yêu cầu cơ quan đăng ký đầu tư phải đánh giá các điều kiện xử lý nợ xấu thì phải có thêm quy định về cách thức giải quyết/ xử lý trong trường hợp cơ quan đăng ký đầu tư phát hiện những nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật.
Cần quy định hướng dẫn chi tiết về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt trong nghị định mới |
Luật sư Trần Thị Thanh Huyền mong rằng, dự thảo nghị định mới cần đưa ra những hướng dẫn chi tiết hơn về những vấn đề cấp thiết đối với hoạt động đầu tư để tạo ra một môi trường đầu tư có tính cạnh tranh, ổn định, công bằng và an toàn cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Hồng Mai, Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế xây dựng Việt Nam cho rằng, việc dự thảo quy định “dự án sản xuất công nghiệp có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên và thời hạn thu hồi vốn đầu tư, khấu hao tài sản trên 10 năm” là không có cơ sở. Thời gian khấu hao tài sản cố định cần tuân thủ chế độ khấu hao của Nhà nước. Ở thời giai đoạn làm thủ tục đăng ký đầu tư, chưa thể xác định được loại, tính chất tài sản cố định nên không thể xác định được chính xác thời gian khấu hao để quy định thời gian hoạt động dự án trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, theo Điều 40 Luật Đầu tư 2020. Hơn nữa, đối với dự án sản xuất công nghiệp không nên ưu đãi về thời gian hoạt động trên 50 năm.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ KH&ĐT đã được Chính phủ giao tổ chức xây dựng Nghị định theo hình thức rút gọn. Dự thảo Nghị định có 7 Chương, 93 Điều và 3 Phụ lục.
Một trong những mục tiêu của dự thảo là cụ thể hóa một số quy định về bảo đảm đầu tư và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với một số ngành, nghề, địa bàn nhằm tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ chế bảo hộ và khuyến khích đầu tư phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam. Đồng thời, nâng cao hiệu quả và bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng theo các định hướng tại Nghị quyết số 50. Dự kiến Nghị định nếu được ban hành sẽ tác động đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.