Đồng muối cổ giữa lưng chừng đá
Xã hội 06/08/2024 16:50
Nắng gió và trảng đá muối
Ngày 24/3/2023, dân làng Gò Cỏ (Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cùng với những cư dân xung quanh Sa Huỳnh đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt về văn hóa Sa Huỳnh của Thủ tướng Chính phủ. Và ở đó, bây giờ còn phát lộ ra nghề làm muối của cư dân Sa Huỳnh cổ cách đây gần 2.000 năm trên những phiến đá bằng phẳng sát mép biển.
Vẫn biết Sa Huỳnh là một trong những vùng làm muối lớn và nổi tiếng nhất Việt Nam, nhưng chỉ đến khi phát lộ những trảng muối trên đá này, nhiều người mới giật mình, bởi những ẩn chứa ngàn năm của di sản văn hóa. Theo TS. Đoàn Ngọc Khôi, trảng muối chính là nơi sản xuất muối biển phơi nước trên đá của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh khoảng hơn 2.000 năm trước. Cư dân làng Gò Cỏ hiện nay vẫn còn bảo tồn cách làm muối trên trảng đá xưa. Trong quá trình tìm kiếm các di tích khảo cổ của nền văn hóa Sa Huỳnh ở thị xã Đức Phổ, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện ra trảng muối nơi người Sa Huỳnh cổ làm muối, có niên đại khoảng 2.000 năm.
Hiện một số người dân ở Gò Cỏ vẫn sử dụng cách làm muối của tổ tiên. |
Theo nghiên cứu, cư dân Sa Huỳnh có 3 cách làm muối, thứ nhất là phơi nước biển trên đá tạo muối kết tinh, thứ hai nấu nước biển làm muối trong các nồi gốm và thứ ba làm muối bằng ánh sáng mặt trời trên các cánh đồng. Kĩ thuật làm muối trên đá ở Gò Cỏ rất độc đáo tương đồng với phương pháp làm muối (phơi nước biển trên đá) ở đồng muối cổ Dương Phố (Hải Nam, Trung Quốc) có niên đại khoảng hơn 1.200 năm trước. “Các nhà nghiên cứu tiếp tục thu thập mẫu hiện vật sử dụng phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm để tìm niên đại chuẩn của nghề làm muối. Việc khảo cổ nơi làm muối, con đường cổ, nơi sinh sống, chôn cất... của người Sa Huỳnh cổ là bổ sung quan trọng cho hồ sơ đề nghị công nhận di sản thế giới đối với di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh”, TS. Đoàn Ngọc Khôi cho biết.
Việc phát hiện đồng muối cổ có ý nghĩa lớn, là căn cứ quan trọng để so sánh khu vực làm muối của cư dân tiền sử Sa Huỳnh và các vùng muối ở khu vực Đông Nam Á, châu Á. Người Sa Huỳnh cổ đã tận dụng nền đá bằng phẳng, cứng chắc cùng nguồn nước biển sẵn có để tự làm ra muối sử dụng trong cuộc sống hằng ngày và trở thành sản vật trao đổi. Trong lịch sử vẫn ghi lại, Sa Huỳnh là vùng đất giàu có, với thương cảng Sa Huỳnh một thời giao thương phồn thịnh. Đây cũng là nơi sản xuất, và là điểm xuất phát con đường muối từ vùng muối Sa Huỳnh lên Tây Nguyên và đi các nơi khác theo đường biển. Muối gắn liền với cư dân Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt hàng ngàn năm qua, đem lại sự giàu có và quyền lực.
Ngày nay, vẫn còn một số người ở Gò Cỏ vẫn sử dụng cách làm muối của tổ tiên. Khu vực này cách nơi cư trú của người Sa Huỳnh cổ khoảng 800m và cách nơi có mộ táng 500m. Bà Bùi Thị Vân (70 tuổi, làng Gò Cỏ) bảo, bà được cha và ông nội truyền lại cách làm muối trên trảng đá, đó là lợi dụng nước thủy triều dâng lên qua các ghềnh đá chảy đầy các khoảng trũng trên đá. Những phần nước biển này được phơi nắng để tăng độ mặn. Sau đó, múc nước từ những ô chứa tự nhiên này đổ lên các ruộng muối trên đá và liên tục thêm nước để tăng độ dày cho muối. Mỗi ruộng muối như thế có thể được 2-3kg muối tự nhiên rất sạch sẽ.
Trong vọng âm của di sản
Người Sa Huỳnh bây giờ vẫn làm muối, sinh sống bằng nghề muối dù những thăng trầm của thị trường ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân. Nhiều năm về trước khi muối mất giá, người làng muối Sa Huỳnh chỉ biết đăm đắm nhìn con nước, nhìn ruộng muối kết tinh trắng xóa từng ngày, muốn bỏ muối bỏ ruộng nhưng rồi họ lại tặc lưỡi, lại vác cào ra đồng, rồi trên khuôn mặt mặn chát chẳng biết là vì nước mắt hay vì hơi muối bay lên. Họ túc tắc, cần mẫn, cam chịu, lặng lẽ giữ nghề như thế, từng vụ, từng năm, từng đời người. Như một di sản của cha ông để lại, người làm muối Sa Huỳnh vẫn ngày ngày vùi mình trong màu trắng của muối giữa nắng rực lửa và trời xanh ngắt không mây mùa Hạ.
Muối Sa Huỳnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2011. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 3 công ty chế biến muối, với công suất từ 4.000 đến 5.000 tấn sản phẩm/năm. Các công ty được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối đầy đủ, bảo đảm các điều kiện sản xuất kinh doanh. Mới đây, dự án Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối Sa Huỳnh với kinh phí 60 tỉ đồng đã được Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ hội để muối Sa Huỳnh nâng tầm giá trị. Theo kế hoạch của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, phấn đấu đến năm 2025 sản lượng muối đạt 12.000 tấn và năm 2030 đạt trên 20.000 tấn, 100% diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp.
Bên cạnh đó, để phát triển ngành muối hiệu quả, bền vững, ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương đã nỗ lực hỗ trợ, hướng dẫn diêm dân ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất gắn với thúc đẩy các hoạt động trải nghiệm du lịch trên các đồng muối, quảng bá những giá trị, nét đẹp riêng của đồng muối, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như thương hiệu muối Sa Huỳnh. Đưa Sa Huỳnh trở thành điểm đến trải nghiệm nghề muối, điểm du lịch học tập cộng đồng kết nối văn hóa Sa Huỳnh và các hệ sinh thái. Việc khai thác du lịch trên đồng muối là chìa khóa thúc đẩy du lịch phát triển gắn liền với sinh kế bền vững của người dân Sa Huỳnh, quảng bá du lịch cộng đồng Sa Huỳnh.
Sa Huỳnh bây giờ là cả một nền văn hóa hơn 2.000 năm tưởng chừng ngủ im trong lòng đá đã được đánh thức. Cái tên địa danh ấy đã được định danh cho nền văn hóa khảo cổ này là Văn hóa Sa Huỳnh, sánh ngang với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc và văn hóa Óc Eo ở phía Nam, tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam từ khởi thủy.
Biển cho muối mặn, biển cho cá tôm khoang đầy, biển nuôi sống từng người con sinh ra nơi đất Sa Huỳnh, và miền di sản cũng đang sống dậy những thì thầm từ những trảng muối trên đá.