Đời nghệ nhân không có tuổi nghỉ hưu
Tuổi cao gương sáng 04/08/2018 10:29
“Lấy công nuôi nghề, lấy nghề làm nghiệp. Đó là điều tôi xác định và theo đuổi từ năm 1980 đến nay… Cuộc đời nghệ nhân không có tuổi nghỉ hưu. Còn khỏe là còn lao động cống hiến”, ông Tiếp mở đầu câu chuyện. Sản phẩm của cơ sở chủ yếu dùng trang trí như hoành phi câu đối, tủ thờ, trang trí không gian thờ, chùa, đình làng…
Không chỉ bó hẹp nghề chạm khắc gỗ trong gia đình ông còn nhân rộng ra bên ngoài, sau khi đã ổn định đầu ra của sản phẩm, bằng việc mở các đợt dạy nghề chạm trổ trên gỗ miễn phí cho con em nông dân nghèo, người khuyết tật trong và ngoài địa phương. Ông nhiệt tình truyền dạy và tạo nhiều điều kiện tốt nhất cho học viên từ dạy miễn phí đến tạo chỗ ở, cơm ăn, hỗ trợ đồ nghề… Cái khó nhất là truyền dạy học viên tính cần cù, chịu khó, tỉ mỉ để thổi hồn vào gỗ tạo ra một sản phẩm nghệ thuật. Người thầy nếu thiếu đức, ít tâm, yếu nghề sẽ rất khó đào tạo được học trò thạo việc, yêu nghề ra đời thành đạt…
Ông Nguyễn Văn Tiếp với một nhóm thợ học việc
Không phụ công lao chỉ dạy của ông Tiếp, nhiều học trò trở thành chủ cơ sở chạm khắc gỗ nghệ thuật ở các thành phố lớn Đà Lạt, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... như các em Thanh Bảy, Quang Nguyên, Lương Hùng, Viên Hùng, Lê Tú, Lê Vinh… Mỗi cơ sở của các em giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.
Từ năm 2001, việc khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn được chú trọng nên ông Tiếp được tạo điều kiện hoàn thành nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn góp phần đắc lực xóa đói giảm nghèo. Hằng năm còn đào tạo miễn phí cho vài chục em là con nông dân địa phương. UBND xã Điện Phương trân trọng ghi nhận ông đã có nhiều đóng góp, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…
Mộ số sản phẩm mộc mĩ nghệ của công ty
Năm 2010, ông Tiếp được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. 6 năm sau được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Để xứng đáng với danh hiệu được trao, ông Tiếp xúc tiến việc mở rộng sản xuất gắn với du lịch làng nghề; lập dự án thuê đất ở Cụm làng nghề thủ công mĩ nghệ Đông Khương do UBND tỉnh Quảng Nam quy hoạch, xây dựng nhà trưng bày sản phẩm. Dự tính cuối năm 2018 ông sẽ đưa vào sử dụng, giới thiệu những sản phẩm về chạm khắc gỗ giá trị của cha ông để du khách đến tham quan.
Quyết không để nghề mai một, 3 người con của ông học xong đại học đều trở về tiếp tục giữ nghề, phụ với ông phát triển doanh nghiệp... Đến nay trong làng nghề 12 cơ sở của ông hoạt động giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Riêng Công ty TNHH Mộc mĩ nghệ Nguyễn Văn Tiếp đã giải quyết việc làm cho 50 lao động và đào tạo cho 20 em học nghề, lương bình quân từ 3,5 đến 5,5 triệu đồng/ người/ tháng.
15 năm trở lại đây, ông Tiếp với những thành tích nổi bật trong việc bảo tồn, đào tạo nghề hiệu quả được bộ, tỉnh, sở, thị xã, hiệp hội… tặng Cúp, Giấy khen, Bằng khen. Hiện ông là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kì 2014-2019; Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nhiệm kì 2018-2023
Bài và ảnh Lê Kung Diễm