Điểm sáng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở TP Uông Bí – Quảng Ninh
Thông tin doanh nghiệp 16/06/2021 13:01
Sau những chuyến đi tìm hiểu thực tế, mắt thấy, tai nghe, anh Tình đã làm văn bản đề nghị với UBND thành phố Uông Bí xin được cho phép được thực hiện phương án nuôi trồng thủy sản tôm thẻ chân trắng ao nổi, kết hợp với trồng trọt và chăn nuôi, mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế thủy sản ở vùng đất giàu tiềm năng này.
Một góc cơ sở nuôi tôm công nghiệp của hộ gia đình anh Nguyễn Chí Tình. |
Theo Quyết định số 6374/QĐ-UB ngày 6/8/2019 của UBND thành phố Uông Bí về việc phê duyệt phương án đầu tư nuôi trồng thủy sản và trồng trọt, chăn nuôi kết hợp của hộ gia đình ông Vũ Chí Tình tại khu vực tổ 32, khu Phú Thanh Tây, phường Yên Thanh với diện tích 32.545,2 m2, gồm khu nuôi trồng thủy sản; 23.582 m2( trong đó có 8.582 m2 nuôi tôm ao nổi bằng mái tôn vách kính). Khu trồng cây kết hợp với chăn nuôi 8.700 m2… Phương thức sản xuất; Nuôi trồng thủy sản và trồng trọt, chăn nuôi kết hợp được áp dụng những biện pháp khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm và góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tổng mức đầu tư 9,9 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 7 năm, từ năm 2019 đến năm 2025. Qua trao đổi với chị Nguyễn Thị Lương, một trong những người quản lý của cơ sở cho biết; Sau khi có quyết định của UBND thành phố, cơ sở tổ chức thi công ngay và hơn 5 tháng xây dựng đã cơ bản hoàn thành các công trình theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó gồm 3.500 m2 ao nuôi nổi bằng mái tôn vách kính, và hệ thống ao chứa, ao lắng, ao xử lý nước trước khi đưa con giống vào ương nuôi, hệ thống bể xử lý nước thải được xây dựng theo quy chuẩn tuần hoàn khép kín không thải nước đã qua sử dụng ra ngoài, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đầu năm 2020 cơ sở đi vào sản xuất ương nuôi tôm đạt kết quả.
Ao nổi được xây dựng trong nhà mái tôn kính vách |
Theo chị Nguyễn Thị Lương do hệ thống bể ương nuôi được xây dựng trong nhà mái tôn vách kính nên thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, hệ thống nước được xử lý lắng, lọc một cách triệt để, tôm giống được nhập về ương nuôi từ Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam là một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam về sản xuất tôm giống, được các cơ quan chức năng kiểm dịch chặt chẽ nên cơ sở rất yên tâm. Theo đó mỗi năm trung bình cơ sở nuôi được 5 vụ, năng suất từ 5 đến 7 tấn/vụ, tôm sản xuất ra đến đâu, xuất bán hết đến đó . Tuy nhiên, hơn một năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên giá bán tôm cũng bị giảm so với những năm trước, về mùa đông giá một kg từ 220 đến 250 ngàn đồng, mùa hè từ 160 đến 180 nghìn đồng 1kg (loại 40con/1kg). Cũng theo chị Lương giá bán như hiện nay trừ chi phí giống vốn, vật tư sản xuất, chi trả nhân công và các khoản chế độ cho người lao động lợi nhuận thu được của cơ sở cũng tạm ổn gấp 5 đến 7 lần so với sản xuất ương nuôi bán thâm canh. Hiện cơ sở đang hợp đồng trên 10 lao động, thu nhập của người lao động trung bình từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Khi chúng tôi đến tham quan mô hình cũng là thời điểm cơ sở sản xuất của anh Tình đang hoàn thiện ao lắng cuối cùng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Xây dựng ao lắng ở cơ sở nuôi tôm |
Trao đổi với chúng tôi ông Trần Quang Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Thanh cho biết; hiện phường Yên Thanh có 215,7 ha đất ao đầm, thùng bãi nằm trong đê Vành Kiệu, thuộc các khu Phú Thanh Đông, Phú Thanh Tây, Bí Giàng, Núi Gạc, Lạc Thanh… được giao cho 119 hộ dân nhận quai đắp để làm kinh tế trang trại, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên hiện mới có duy nhất cơ sở anh Nguyễn Chí Tình đầu tư, đưa vào ương nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao, hiện đang là điểm đến tham quan học tập của nhiều hộ dân trong vùng, đặc biệt có ý nghĩa hơn khi cơ sở vẫn duy trì được sản xuất trong khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhiều ngành sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề. Từ hiệu quả mô hình nuôi tôm ao nổi trong nhà mái tôn kính vách của hộ gia đình anh Nguyễn Chí Tình, thời gian tới chúng tôi sẽ báo cáo với UBND thành phố tổ chức hội nghị đầu bờ với mục đích nhân rộng mô hình trên địa bàn.
Mô hình nuôi tôm công nghiệp của hộ gia đình anh Nguyễn Chí Tình hiện đang là điểm sáng trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình ở thành phố Uông Bí, góp phần tích cực thực hiện quyết định số 1396/QĐ-UB ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 -2020 và định hướng đến năm 2030