Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ ở Quảng Ngãi
Xã hội 04/09/2024 08:30
Đài Tiếng nói Nam Bộ được đặt tại đình Thọ Lộc (nay là thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Đây là đài phát thanh thứ hai của nước Việt Nam độc lập trong kháng chiến chống thực dân Pháp, sau Đài Tiếng nói Việt Nam đặt tại Hà Nội.
Năm 1946, cả nước ta đã bước vào cuộc kháng Pháp trường kì. Lúc này, ông Phạm Văn Đồng đang là đại diện Chính phủ tại Nam Trung Bộ đã ra quyết định thành lập Đài Tiếng nói Nam Bộ, để phục vụ kháng chiến, động viên quân và dân miền Nam đánh Pháp.
Vị trí được chọn để đặt Đài là đình làng Thọ Lộc. Đây là ngôi đình đã bị bỏ hoang phế, nằm giữa một vùng cây cối rậm rạp, xung quanh là ruộng tranh đồng lau, lại ở bờ bắc sông Trà Khúc nên an toàn, dễ dàng thoát hiểm. Đặc biệt, người dân vùng Thọ Lộc vốn trung hậu, giàu tinh thần cách mạng đã cưu mang Đài trong suốt thời gian hoạt động.
Sau một thời gian chuẩn bị thiết bị, Đài Tiếng nói Nam Bộ phát sóng thử vào ngày 1/6/1946. Đến cuối tháng 7/1946, chính thức phát sóng buổi đầu tiên với sự có mặt của ông Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Tại buổi phát sóng này, ông Bạch đã đọc lời kêu gọi đồng bào miền Nam vùng lên chiến đấu, báo cáo với đồng bào cả nước về sự ra đời của Đài.
Giám đốc đầu tiên của Đài là nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn, người hai lần bị thực dân Phát đày ra Côn Đảo, trước 1945 từng làm Thư kí tòa soạn tờ LAvant garde, cộng tác với nhiều tờ báo lớn như La Lutte, Dân Quyền, Mai…
Phụ trách kĩ thuật là kĩ sư Cao Văn Hóa, tốt nghiệp kĩ sư tại Pháp. Ông Vũ Văn Thơ làm tổ trưởng tổ máy. Các ông Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Văn Thơm, Nguyễn Văn Liêng phụ trách tổ điện báo. Biên tập viên của Đài có Lương Hưng, Trần Châu, Dương Đức Khôi, Nguyễn Văn Giỏi. Phát thanh viên có Tuyết Minh, Minh Lý, Cẩm Ba. Ca sĩ của Đài có Hồng Lan, Minh Nguyệt. Nhạc công có Võ Bài, Phan Huỳnh Tấn, Quách Vĩnh Chương,…
Đài phát đi chương trình trên làn sóng điện 14, 16 giờ mỗi ngày hai buổi sáng và tối. Mở đầu là lời xưng: “Đây là Đài Tiếng nói Nam Bộ. Tiếng nói đau đớn. Tiếng nói căm hờn. Tiếng nói chiến đấu”. Tiếp theo là bản nhạc “Thanh niên hành khúc”, tấu bằng đàn mandolin làm nhạc hiệu.
Mỗi chương trình phát sóng của Đài gồm bản tin trong nước đọc trước, tin quốc tế đọc sau rồi đến mục bình luận, câu chuyện thời sự. Ngoài chương trình phát thanh bằng tiếng Việt, Đài còn phát thêm chương trình bằng tiếng Pháp, tiếng Thái và tiếng Anh.
Đặc biệt, từ đầu năm 1947, ông Phạm Văn Đồng mời ông Paul Mettel (người Pháp, nguyên Giám đốc mỏ vàng Bồng Miêu, chạy trốn trong rừng thời điểm Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, ra cộng tác với chính quyền cách mạng) đến làm việc, hằng đêm lên sóng phát thanh kêu gọi binh sĩ Pháp ở Đông Dương phản chiến, kêu gọi thế giới ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam.
Cuối năm 1946, để bảo đảm an toàn, Đài Tiếng nói Nam Bộ được dời lên vùng miền núi thuộc huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) hiện nay. Đầu năm 1948, Đài được chuyển vào tỉnh Bình Định, đổi tên thành Đài Tiếng nói miền Nam, mật danh “Ban Tây Sơn”.
Trong 6 tháng hoạt động tại Thọ Lộc, Đài Tiếng nói Nam Bộ đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc kháng chiến tại miền Nam. Năm 1994, Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Đây là một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng quan trọng của Quảng Ngãi.