Đề xuất cán bộ bị đánh giá tín nhiệm thấp trong vòng 10 ngày phải từ chức
Tin tức 12/05/2023 17:01
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: TTXVN |
Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Đồng thời, bảo đảm tính kế thừa, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong các văn bản về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết số 85/2014/QH13 tập trung sửa đổi, bổ sung, làm rõ hơn những điều, khoản chưa phù hợp, rõ ràng, chặt chẽ.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, Nghị quyết số 85/2014/QH13 chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn thực hiện, dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước.
Do đó, Ban Công tác đại biểu đã bổ sung quy định về thời hạn và thời điểm tại Điều 10, Điều 15 và khoản 4 Điều 18 của dự thảo Nghị quyết mới.
Cụ thể, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức.
Trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà không từ chức thì Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, thị xã, phường ở nơi không có HĐND thì kể từ thời điểm có đề nghị của HĐND quận, thị xã, Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định trong thời gian tối đa không quá 30 ngày.
Bên cạnh nội dung trên, dự thảo Nghị quyết còn có một số điểm mới khác như bổ sung quy định về số lượng tối thiểu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tham dự phiên họp lấy phiếu tín nhiệm; quy định về công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ khi có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Quy định số 96-QĐ/TW.
Tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã nghe ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có báo cáo tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu nêu.
Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình rút gọn để tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp cuối năm 2023.
Việc lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm với các mức độ "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".
Dự thảo Nghị quyết quy định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND. Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, cụ thể: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: - Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; - Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; - Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; - Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: - Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND; - Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các Ủy viên UBND. HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. |
Gợi ý đáp án tất cả các đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 NMO - Sáng 1/3, Bộ GD&ĐT chính thức công bố đề thi tham khảo các môn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. |
Bắt giữ đối tượng đâm 3 người thương vong tại đám cưới ở Hà Nội Tối 10/5, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01) Công an TP. Hà Nội xác nhận vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra ... |
Ngày của Mẹ là ngày nào? Ngày của Mẹ tiếng Anh là Mother’s Day. Đây là ngày dành để tôn vinh người mẹ, tình mẹ, tôn vinh vai trò gắn kết ... |