Đắk Lắk: “Ý Đảng – Lòng Dân” thành quả và định hướng trong nhiệm kỳ mới 2020-2025
Tin tức - Sự kiện 14/10/2020 17:03
Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Đắk Lắk muốn thực sự là thủ phủ Tây Nguyên mọi thứ phải vượt trội so với các địa phương trong vùng. |
Phóng viên. Thưa đồng chí Bùi Văn Cường , Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, được xác định là thủ phủ của Tây Nguyên Đắk Lắk đã có những chiến lược phát triển như thế nào để xứng tầm với tên gọi thủ phủ vùng?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Muốn trở thành trung tâm vùng thì kinh tế xã hội phải phát triển hơn, đời sống người dân phải cao hơn, đô thị phải khang trang, hiện đại hơn và cơ sở hạ tầng phải tốt, kết nối các địa phương trong vùng và cả nước, các dịch vụ (y tế, giáo dục, văn hoá, thể dục thể thao ...) phải vượt trội so với các địa phương khác trong vùng. Điều này, đặt ra vấn đề chúng tôi phải cố gắng nỗ lực hơn. Phải tập trung phát huy tiềm năng lợi thế: đất đai, khí hậu thổ nhưỡng, văn hoá; năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến; du lịch để phát triển kinh tế - xã hội. Tháo gỡ các điểm nghẽn: về hạ tầng giao thông; thông tin; cải cách hành chính; môi trường đầu tư kinh doanh...Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng đội ngũ cán bộ mẫn cán, tận tụy phục vụ người dân và doanh nghiệp. Phát huy giá trị văn hoá và bản sắc các dân tộc.
Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược trên các lĩnh vực, cụ thể như:
-Về phát triển kinh tế:
Một là tập trung vào ba nội dung chủ yếu: Tái cơ cấu ngành kinh tế, tái cơ cấu vùng (trong đó phát triển Buôn Ma Thuột là trung tâm vùng và các tiểu vùng của tỉnh) và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, bền vững, giảm khoảng cách giữa các vùng, lấy dân cư nông thôn làm chủ thể, lấy sản xuất và thu nhập gia tăng, cải thiện đời sống của người dân làm nền tảng; thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, buôn.
Ba là, phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ tín dụng - ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh.
Bốn là, phát triển hợp lý các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ, có tỉ trọng giá trị gia tăng cao như: Điện năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối tại địa bàn có tiềm năng. Khuyến khích, kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng công nghệ - thông tin; xây dựng, hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước.
Năm là, thực hiện các giải pháp cải cách tổ chức bộ máy nhà nước gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...
Thành phố Buôn Ma Thuột rực rỡ về đêm. |
- Về quốc phòng-an ninh: Giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt công tác tư pháp, đối ngoại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh Quốc gia, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng Quốc gia; các nghị quyết, chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác tình báo, về bảo đảm an ninh kinh tế… Thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng; giải quyết kịp thời các phát sinh phức tạp trong dân tộc, tôn giáo, nông thôn, đô thị theo phương châm “04 tại chỗ”, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh, trật tự.- Về văn hóa-xã hội: Tập trung đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo; phát triển khoa học - công nghệ, văn hóa, thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe cho Nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội, làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo và bảo vệ môi trường, sinh thái. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, xây dựng xã hội học tập. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chăm lo đến giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
- Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; tập trung xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và hệ thống chính trị; thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; củng cố vững chắc mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh để phát triển. |
Phóng viên : Đồng chí đánh giá thế nào về kết quả phát triển của Đắk Lắk, nhiệm kỳ 2015-2020?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Thực hiện Nghi quyết Đại hội lần thứ XVI, trong nhiệm kỳ 2015-2020 Đắk Lắk đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Đến nay, về phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng trên địa bàn tỉnh đạt mức khá, bình quân đạt 8,75%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, dịch vụ tăng nhanh,. Quy mô nền kinh tế tăng cao, năm 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,52 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ ở 02 khu vực: dịch vụ và nông - lâm - thủy sản; ngành công nghiệp - xây dựng tăng đều qua các năm, từ 15,6% lên 16,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản chiếm 2,24%. GRDP bình quân đầu người đạt 54,55 triệu đồng gấp 1,67 lần năm 2015.
Về văn hóa - xã hội; khoa học công nghệ: Giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ đạt nhiều tiến bộ; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng cao; chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm giải quyết; công tác quản lý tài nguyên môi trường có chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng lên; giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ nhập học mẫu giáo đúng độ tuổi đạt 86,5%, tiểu học đạt 99,8%.Toàn tỉnh có 504/1007 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ trên 50% (tăng 17,8% so với giai đoạn trước). Hệ thống các trường đại học, phân hiệu học viện, phân hiệu đại học... từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, khu vực Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia.
Hiệu quả của nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được nâng lên. Việc hình thành một số khu nông nghiệp công nghệ cao bước đầu thu hút được sự quan tâm, đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực về công nghệ. Đã xây dựng và đưa vào vận hành 01 không gian làm việc chung về khởi nghiệp.
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá được triển khai tích cực, rộng khắp, hoạt động tổ chức lễ hội đi vào nề nếp; một số lễ hội truyền thống của dân tộc thiểu số tại chỗ được phục dựng. Duy trì, tổ chức tốt các lễ hội văn hóa, định kỳ 02 năm/lần tổ chức thành công Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.
Diễn xuất cồng chiêng trong ngày lễ thi ủ rượu cần, nét văn hoá của đồng bào Tây Nguyên |
Công tác giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách xã hội được quan tâm triển khai và đạt kết quả tốt, góp phần giảm nghèo, ổn định xã hội. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được duy trì thực hiện. Năm 2019, Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên với quy mô trên 1.000 giường hoàn thành, đi vào hoạt động đã góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh trong khu vực.
Về quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, đối ngoại có nhiều chuyển biến tích cực; đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp theo đúng nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Công tác tôn giáo và chính sách tôn giáo được thực hiện theo đúng pháp luật, đáp ứng nhu cầu tâm linh của tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Hoạt động đối ngoại có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng mở rộng. Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành và đoàn thể đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị và Chương trình số 29-CTr/TU của Tỉnh ủy về hội nhập quốc tế.
Về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội: Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, công tác cán bộ có nhiều đổi mới: Việc triển khai Chỉ thị số 03-CT/TW và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, từng bước đi vào nề nếp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, địa phương, đơn vị. Đến nay, 100% thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có chi bộ. Toàn tỉnh đã kết nạp 17.738 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của đảng bộ tỉnh lên 80.834 đồng chí. Các cấp ủy, chính quyền đã phát huy vai trò lãnh đạo và trí tuệ tập thể, chủ động, linh hoạt, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu một số địa phương, đơn vị cơ bản đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, mạnh dạn đổi mới tư duy và phong cách lãnh đạo, dám nghĩ, dám làm.
Đời sống người dân khu vực nông thôn đổi mới từ phong trào xây dựng nông thôn mới. |
Phóng viên. Cho dù chính sách có tốt đến đâu mà cách thực hiện không tốt thì cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Vậy Đắk Lắk đã làm gì để giải quyết vấn đề này?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Vấn đề hoạch định chính sách và đảm bảo thực hiện nghiêm túc mang lại hiệu quả luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Thực tiễn cho thấy cho dù chính sách có tốt đến đâu mà cách thực hiện không tốt thì cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn, đơn cử như câu chuyện “dê nhầm nhà, gà nhầm chuồng, xe nhầm đường” trong chính sách đầu tư cho khu vực miền núi; những sai sót trong việc chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 ở xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk hay câu chuyện về chậm tiến độ trong đền bù, giải phóng mặt bằng, chậm giải ngân vốn đầu tư công của một số chủ đầu tư các công trình sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh…
Đối với Đắk Lắk, một khi có chính sách mới ban hành, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo lộ trình, thời gian, nguồn lực và con người thực hiện cụ thể. Ví dụ như việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020, khi Nghị quyết được thông qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình toàn khóa thực hiện Nghị quyết, hằng năm đều ban hành Nghị quyết nhiệm vụ; chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền để Nghị quyết đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trong quá trình thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và uốn nắn các trường hợp chưa phát huy hết trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Định kỳ 6 tháng, 1 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều sơ kết, tổng kết đánh giá nghiêm túc những ưu điểm, hạn chế cũng như đưa ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, kịp thời động viên, khen thưởng những mô hình hay, cách làm sáng tạo; các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc nghiên cứu, ban hành, triển khai, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá hiệu quả chính sách.
Xây dựng Buôn Ma Thuột văn minh hiện đại. |
Phóng viên. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó ngàn lần dân liệu cũng xong”. Vậy Đắk Lắk đã phát huy tinh thần này như thế nào để “Ý Đảng - Lòng dân” luôn thống nhất để xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp, văn minh.
Đồng chí Bùi Văn Cường: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đối với Đắk Lắk, việc phát huy dân chủ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn được Đảng bộ và chính quyền các cấp hết sức quan tâm.
Thực tế cho thấy tỉnh luôn xác định phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” trong tất cả các chính sách. Để phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân thì trước hết việc hoạch định chính sách phải lấy dân làm trung tâm, phải vì dân, phải làm cho dân hiểu, tạo được sự đồng thuận và thống nhất hành động mới thực sự đem lại hiệu quả. Trong nững năm qua, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm tổ chức các cuộc đối thoại với Nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyên vọng, giải quyết các vấn đề mà người dân quan tâm, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Từ đối thoại, cấp ủy, chính quyền gần dân, sát dân, hiểu được người dân cần gì từ đó đồng hành cùng bà con. Những năm gần đây hiệu quả trong việc phát huy sức mạnh toàn dân được thể hiện trên nhiều lĩnh vực như phong trào xây dựng nông thôn mới, công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng công trình giao thông…
Hoàn thiện hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển KT-XH và liên kết vùng. |
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đắk Lắk có những định hướng, chiến lược gì để thực hiện khát khao xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Trong nhiệm kỳ 2020-2025, bám sát định hướng của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược để xây dựng tỉnh ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.
Thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm đó là:
1. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… theo hướng chất lượng cao, bền vững; ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp.
2. Ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ: Giáo dục, y tế, khoa học, kỹ thuật, tài chính, logistics...; tập trung phát triển các loại hình du lịch, hướng đến du lịch chất lượng cao. Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch. Quan tâm phát triển du lịch, gắn với nông nghiệp, lâm nghiệp, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hợp tác du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế.
3. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như năng lượng tái tạo, cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp phần mềm; gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, tự động hóa... Quan tâm hỗ trợ, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nhất là chế biến các loại sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của Đắk Lắk, Tây Nguyên như cây công nghiệp, cây ăn quả.
4. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người và phát triển kinh tế, xã hội. Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
5. Chăm lo công tác an sinh xã hội, nhất là chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các dân tộc anh em và cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
6. Kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; kịp thời khen thưởng, động viên, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt.
Thực hiện tốt cải cách hành chính để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cũng đã đề ra 3 khâu đột phá của tỉnh sẽ thực hiện trong thời gian tới, đó là:
1. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải cách tài chính công, tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách, đi đôi với hoàn thiện các quy định, quy chế làm việc; cải thiện môi trường đầu tư, phát triển khoa học công nghệ; đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động.
2. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ.
3. Quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm để thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là Trung tâm Thể thao khu vực Tây Nguyên, Đường vành đai phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, Đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, Đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột; phát triển Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng Hàng không quốc tế, xây dựng Cửa khẩu Đắk Ruê - Chi Miết… Phối hợp với các tỉnh trong khu vực xem xét, đề nghị Trung ương cho chủ trương xây dựng tuyến cao tốc qua các tỉnh Tây Nguyên đến Thành phố Hồ Chí Minh…
Phóng viên: Cảm ơn đồng chí.