Đắk Lắk: Rừng nguyên sinh tiếp tục bị hủy diệt, đốt phá lấn chiếm.
Xã hội 27/05/2020 13:45
Rừng nguyên sinh bị tàn phá.
Theo người tình trạng phá rừng diễn ra công khai tại địa bàn, thôn Sông Chò, xã Cư San, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. Phía sau những cánh rừng keo lá tràm xanh mướt trồng do người dân trồng, thì những diện tích rừng nguyên sinh lại đang bị lâm tặc chặt phá lấy gỗ, người dân “tàn sát” lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Hàng ngàn cây gỗ có đường kính lớn, nhỏ, một diện tích rộng lớn gần cả trăm ha rừng bị triệt hạ đang bén lửa cháy đen nhẻm, khói bụi bay nghi ngút trên những quả đồi bị đốn hạ, san phẳng. Hiện trường sót lại là những xác cây gỗ lớn nhỏ đã bị cháy thành nằm chồng chéo lên nhau bị cháy xém. Sau nhiều giờ đi rừng leo núi vừa mệt nhoài, ngột ngạt giữa cái nóng của trời lại vừa đau xót trước cảnh tượng hàng cây rừng, gần cả trăm héc ta rừng nguyên sinh bị tận diệt, tàn phá khiến cho tâm lý và tinh thần thêm mệt.
Nhiều quả đồi, rừng nguyên sinh bị cạo trọc |
Một người dân đi cùng chia sẻ: “Các anh chứng kiến rồi đấy, không phải tôi nói dối đâu nhé. Rừng nguyên sinh ở đây vẫn đang bị tàn phá, vẫn bị cưa hạ, không chỉ lấy gỗ, mà người dân còn cố tình vác máy cưa lóc vào rừng cưa hạ hàng chục héc-ta, thậm chí cả trăm héc-ta để lấn chiếm làm nương làm rẫy. Đa số họ là dân di cư tới đâu, làm rẫy tới đâu là những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá tới đó thế nhưng người địa phương không có biện pháp nào để xử lý”.
Nhiều ha rừng nguyên sinh bị tàn phá. |
Cũng theo người dẫn đường, quy trình phá rừng được thực hiện rất đơn giản, bên cạnh những rẫy cây keo lá tràm của người dân là những cánh rừng nguyên sinh. Vì vậy, họ sẽ vác cưa lóc vào những cánh rừng lân cận, cưa hạ, lấn chiếm. Cứ thế những quả đồi sẽ bị cạo trọc, rừng nguyên sinh thay vào đó là những rẫy keo tràm mọc lên những quả đồi kia. Để minh chứng cho những điều mình nói, người này dẫn chúng tôi vào những rẫy keo tràm 2 năm tuổi gần đó để chứng kiến. Tại đây, bên dưới tán lá xanh, mọc chi chít của cây keo tràm được người dân trồng là hàng loạt xác những cây gỗ lớn nhỏ bị đốt cháy, đen ngòm vẫn nằm phơi “xác” trên những quả đồi, nhường chỗ cho keo rừng trồng. thực trạng này đang diễn ra rầm rộ trên địa bàn xã Cư San nói riêng, huyện M’Đrắk nói chung.
Trách nhiệm thuộc về ai!?
Trước những tài liệu thu thập được, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Phạm Đăng Đảng, Chủ tịch UBND xã Cư San. Ông Đảng cho biết, mới đây chúng tôi có nhận được phản ánh về việc người dân phá 3,5 héc ta rừng sản xuất tại thôn Sông Chò (xã Cư San) UBND xã đã kết hợp với các đơn vị liên quan đến hiện trường lập biên bản, đo đạc hiện trường và đang được các cơ quan chức năng xử lý.
Cây rừng nguyên sinh bị chặt hạ đốt cháy nằm ngổn ngang, |
Khi được PV hỏi về việc có nắm bắt được vụ việc phá gần 40-50 héc ta rừng cũng tại địa bàn thôn Sông Chò hay không thì ông Đảng cho biết, đã nắm bắt được, thậm chí đã đến tận nơi, chứng kiến. “Tôi đã chỉ đạo, Công an xã phối hợp Công an huyện, kiểm lâm địa bàn đang làm hiện trường điểm phá rừng, để báo cáo diễn biến và có biện pháp bảo vệ diện tích bị phá, chứ không vài bữa họ trồng ngay”.
M'Đrắc rừng nguyên sinh đang bị tàn phá nghiêm trọng. |
Cũng theo ông Đảng, hiện nay vẫn có tình trạng người dân phá rừng nhưng không nhiều như trước đây, khâu phát hiện và xử lý rất là khó. “Từ trước tới nay chưa bắt được đối tượng phá rừng, chỉ phát hiện điểm phá rừng rồi lập biên bản. Có những cái mà tôi đang rất trăn trở, hiện nay các đối tượng phá rừng dường như được dàn xếp rất là kĩ lưỡng. Xã chỉ cần tổ chức lực lượng đi làm, mới ra khỏi Ủy ban là người ta biết” ông Đảng thông tin.
Ai cứu rừng nguyên sinh M'Đrắc trước nguy cơ bị xóa sổ. |
Trước câu hỏi chính quyền xã (chủ rừng) có “bất lực” trước thực trạng phá rừng quy mô trên địa bàn? ông Đảng cho biết. “Thực tế là chúng tôi hiện nay muốn làm cũng không biết phải làm thế nào. Nếu với cơ chế hiện tại thì Ủy ban xã không thể quản lý triệt để được. Chắc chắn không quản lý được. Bởi xã không có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, mà chỉ có một kiểm lâm địa bàn. Trong khi đó diện tích rừng quản lý lại quá rộng”.