Cuộc sống thương hồ miền sông nước Nam Bộ
Xã hội 19/04/2023 09:49
Ông Nguyễn Thanh Phú, chủ sở hữu một số bè nuôi cá ở đầu cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vừa kết hợp tổ chức du lịch trải nghiệm sông nước cho biết: “Tàu du lịch cập luôn vào làng bè, khách được trải nghiệm cho cá ăn trong bè, câu cá, dỡ lọp tôm bên ngoài bè, tắm sông… Trên bè có tổ chức nấu ăn, đổ bánh xèo cho khách tham quan. Nếu chúng tôi có nhu cầu ở qua đêm thì được trải nghiệm ngủ homestay trên nhà sàn gỗ, sáng sớm hoặc chiều mát đạp xe quanh cù lao Ông Hổ, tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, dạo chơi trong các vườn cây ăn trái, tự tay hái trái thưởng thức, trải nghiệm tát mương bắt cá, ốc, cua…”.
Tham quan không gian sông nước miền Tây. |
Qua tổ chức kiểu du lịch “cây nhà lá vườn” những năm qua, ông Phú nhận thấy, khách trong nước và quốc tế đều thích kiểu du lịch sông nước này. “Nếu kết nối tốt với các đơn vị lữ hành của TP Hồ Chí Minh, tổ chức du thuyền dọc sông Tiền, sông Hậu, ghé qua khám phá đặc thù của các tỉnh miền Tây thì tiềm năng khai thác và giá trị mang lại cao hơn. Tại mỗi điểm, hình thành làng du lịch sông nước, liên kết các hộ dân để phục vụ khách chuyên nghiệp hơn, nhiều dịch vụ đa dạng hơn, sẵn sàng đón cùng lúc lượng du khách lớn” - ông Phú kì vọng.
Cũng tận dụng sông nước, vườn cây, ao cá, ông Nguyễn Phước Thiện thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiện Mekong Travel, tại ấp An Thuận, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, xây dựng thương hiệu “Thiện Mekong”. Ngoài tổ chức các tour du lịch khắp cả nước, ông Thiện còn chuyên phục vụ và cung ứng các loại đặc sản khai thác tự nhiên ở vùng sông nước An Giang. Du khách đến đây được khám phá vườn cây ăn trái, câu cá, đặt lọp, giăng lưới, được phục vụ các món ăn đồng quê.
Gần đây, “Thiện Mekong” còn khai thác dịch vụ chèo SUP khám phá sông nước. Với chiếc SUP được trang bị đầy đủ thiết bị an toàn, du khách có thể tự mình lênh đênh khám phá sông nước. Từ trụ sở “Thiện Mekong”, khách tổ chức thành đoàn chèo SUP vượt sông Hậu, ghé khám phá chợ nổi Long Xuyên, đón bình minh và ăn sáng, uống cà-phê ngay trên mặt sông, thưởng thức những loại trái cây đặc sản. Sau đó, băng ngang cồn Phó Quế, chèo SUP qua Mỹ Hòa Hưng viếng Bác Tôn (bằng đường cầu tàu), trước khi trở về Chợ Mới thưởng thức bữa trưa đặc trưng miền sông nước…
Ông Thiện cho rằng: “Kĩ thuật chèo SUP khá đơn giản, tập một chút là quen. Lợi thế của SUP là khách có thể tự mình khám phá sông nước, mang lại những trải nghiệm rất thú vị. Nếu có sự liên kết tốt giữa các đơn vị lữ hành và địa phương để mở thêm nhiều dịch vụ du lịch, tiềm năng khai thác rất lớn”.
Những cách làm du lịch kể trên chỉ là phần nhỏ trong lợi thế khai thác du lịch rất lớn của vùng ĐBSCL - một trong những vùng đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu nhất thế giới. Với diện tích tự nhiên khoảng 40.000km2, ĐBSCL có khoảng 2.500km sông rạch tự nhiên, 3.000km kênh đào và hơn 1 triệu ha bề mặt ngập nước theo mùa. Dòng Mekong khi chảy vào Việt Nam chia thành 2 dòng chính (sông Tiền và sông Hậu), tiếp nối với hàng trăm sông, rạch lớn nhỏ rồi đổ ra 9 cửa sông (Cửu Long), từ lâu tạo nên một nền văn minh sông nước, văn minh kênh rạch, văn minh miệt vườn đặc sắc.
Từ sông nước, các vườn cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản, các làng nghề độc đáo được hình thành, đặc biệt là các chợ nổi ra đời, tạo thành nét đẹp riêng của ĐBSCL. Từ văn hóa sông nước, nhiều lễ hội dân gian đặc sắc được duy trì, tổ chức đều đặn hằng năm. Tính bồng bềnh của sông nước miền Tây cũng tạo cảm hứng để loại hình đờn ca tài tử Nam Bộ ra đời, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chính văn minh sông nước và những gì hình thành từ sông nước chứa đựng giá trị khai thác du lịch rất lớn. Theo quy hoạch của Chính phủ, không gian phát triển du lịch vùng ĐBSCL được chia thành 2 khu vực. Đối với không gian du lịch phía Tây Nam Bộ được định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm: Tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển đảo; sinh thái; trải nghiệm đời sống sông nước, chợ nổi; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội. Đối với không gian du lịch ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh, định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm: Nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn; tham quan làng nghề, các di tích lịch sử, cách mạng; lưu trú tại nhà dân (homestay).
Để “đánh thức” lợi thế du lịch của vùng, nhiều chương trình liên kết, hợp tác đã được kí kết, triển khai, như: Liên kết xúc tiến, đầu tư và du lịch An Giang - Hà Nội; liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL... Những liên kết này đang giúp du lịch vùng ĐBSCL khởi sắc.
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tốt hơn, từng tỉnh, thành phố trong vùng cần phải ưu tiên phát triển bền vững các sản phẩm, mô hình du lịch đặc thù trên sông nước theo hướng chuyên môn, phù hợp với điều kiện từng địa phương, tránh rập khuôn, bắt chước nhau. Đồng thời, tận dụng tối đa công nghệ số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách dựa trên nền tảng công nghệ thực tế ảo, hình ảnh 360 độ…
Du lịch trải nghiệm “từ sông nước đến bàn ăn” đang là mô hình thu hút khách. Theo đó, du khách được tự mình khám phá sông nước, làng quê, vườn cây, được trải nghiệm đánh bắt thủy sản, thu hoạch rau, củ, trái cây rồi tham gia chế biến, thưởng thức; trải nghiệm tạo ra các sản phẩm truyền thống ở làng nghề. Khi có sự liên kết và tổ chức tốt những dịch vụ này, du khách sẽ rất thích thú khi được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận giá trị truyền thống địa phương một cách chân thực nhất.
***
Loạt phóng sự về cuộc sống thương hồ miền sông nước Nam Bộ không chỉ có những câu chuyện hay mà đằm sâu còn là một cách để ghi nhận và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở ÐBSCL. Việc khai thác sâu vào văn hóa làm nghề, cách thức bán mua, giao tiếp, ứng xử, tín ngưỡng... của thương hồ đã giúp chúng tôi hiểu hơn về bản sắc văn hóa sông nước này.