Cử tri và người cao tuổi cả nước quan tâm, theo dõi Kì họp thứ 7, Quốc hội Khoá XV
Tin tức - Sự kiện 31/05/2024 13:59
TS. Trương Xuân Cừ, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam cho biết: Về công tác lập pháp, tại Kì họp thứ 7, QH sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật.
TS. Trương Xuân Cừ, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội |
Nước ta đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, cho nên rất cần có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, toàn diện, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam; đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, tạo cơ sở pháp lí vững chắc, là công cụ kiểm soát quyền lực Nhà nước. Thông qua pháp luật, Nhà nước quản lí mọi mặt đời sống xã hội, từ đối nội, đối ngoại phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá của đất nước.
Muốn xây dựng một xã hội văn minh, tất yếu phải có hệ thống pháp luật chặt chẽ, hoàn chỉnh, là cương thường đạo lí giáo dục đạo đức con người theo các chuẩn mực hệ giá trị con người Việt Nam trong thời đại mới. Pháp luật có vai trò điều phối tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Hằng ngày, do cá nhân, cộng đồng theo đuổi lợi ích khác nhau, có nhận thức và hành vi không đồng nhất, nên thường phát sinh các mâu thuẫn vì xung đột lợi ích là điều không tránh khỏi, muốn tránh bùng phát xung đột xã hội, giữ sự ổn định xã hội thì nhất thiết cần đến luật pháp, cần phải có căn cứ để các bên dựa vào đó giải quyết các mâu thuẫn. Như vậy, pháp luật chính là vị “trọng tài” vô hình trước tiên mà con người và xã hội cần đến trong cuộc sống hằng ngày. Khi đó, hệ thống pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất để giải quyết. Có thể nói, pháp luật góp phần rất lớn trong việc hình thành ý thức tôn trọng và chấp hành những quy phạm chung, giúp con người có những hành vi ứng xử văn minh, phù hợp với chiều hướng phát triển tiến bộ của thời đại.
Tuy nhiên, thực tiễn không đứng im, cuộc sống không bất định, nên qua mỗi thời kì, hệ thống pháp luật sẽ có những điều bất cập, những lỗ hổng pháp lí cần phải điều chỉnh, bổ sung, phát triển. Do vậy, QH cần phải có những điều chỉnh, bổ sung sao cho phù hợp. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phép Nhà nước tiến hành hoạt động quản lí, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Nhân dân, đấu tranh phòng và chống các vi phạm và tội phạm trong khuôn khổ và trên cơ sở pháp luật....
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV |
Tại Kì họp này, các ĐBQH đều phát biểu sôi nổi, tập trung, cụ thể, sâu sắc, khách quan, toàn diện thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm cao và thiết thực cả về nội dung các điều khoản cụ thể và kĩ thuật lập pháp, với đầy đủ các căn cứ chính trị, pháp lí, thực tiễn làm cơ sở để các cơ quan tiếp thu, chỉnh lí, hoàn thiện các dự thảo luật. Qua theo dõi thông tin trên báo đài, đông đảo cử tri, NCT thấy rằng, các ý kiến của ĐBQH phát biểu đóng góp vào sửa, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống luật của Việt Nam ngày càng được nâng cao chất lượng.
Ông Lương Anh Tế, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Hải Dương cho rằng:
Ông Lương Anh Tế, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Hải Dương |
Về các vấn đề kinh tế, xã hội, việc điều chỉnh chỉnh chủ trương đầu tư của Chương trình phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, có tác động lớn đến an sinh xã hội ở các vùng khó khăn, và tác động trực tiếp đến NCT.
Cụ thể, mục tiêu của chương trình, như: Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi đối tượng đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;...., đều là những chỉ tiêu tác động trực tiếp bảo đảm an sinh xã hội cho người dân miền núi, đặc biệt là nhóm NCT yếu thế.
Trước mắt cần tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, bảo đảm cho người dân "an cư, lạc nghiệp", bảo đảm một số nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống. Quy hoạch, xắp xếp, bố trí, ổn định dân cư, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do; giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền, nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; tăng cường công tác y tế cơ sở để khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh.
Theo tôi, lần này QH sẽ tăng mức đầu tư cho các dự án thuộc chương trình quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi; cũng có thể điều chỉnh cả một số chỉ tiêu để tạo chuyển biến rõ nét diện mạo, đời sống người dân, trong đó có NCT, thể hiện tính ưu việt chế độ.
Cụ Trần Nhương (83 tuổi) cử tri quận Đống Đa, TP Hà Nội |
Cụ Trần Nhương (83 tuổi) cử tri quận Đống Đa, TP Hà Nội chia sẻ: Liên quan đến công tác nhân sự, trong ngày 20/5, sau khi QH thảo luận, biểu quyết, ông Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch QH và ngày 22/5 Đại tướng Tô Lâm được bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tôi, cử tri và Nhân dân cả nước vô cùng phấn khởi, vui mừng, lắng nghe lời tuyên thệ, lời hứa của Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn và Đại tướng Tô Lâm “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.
Việc kiện toàn các vị trí lãnh đạo cấp cao, trụ cột của đất nước được cử tri, Nhân dân và NCT cả nước đồng tình ủng hộ, thống nhất “ý Đảng, lòng dân” đưa đất nước bước vào giai đoạn hào hùng, phát triển mới. Để đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường, toàn dân phải đoàn kết, các ĐBQH đã lựa chọn những người “hiền tài”, “cần, kiệm, liêm, chính” suốt đời vì nước vì dân.
Nhân dân và cử tri cả nước không chỉ hi vọng mà kì vọng, trên cương vị mới Chủ tịch nước Tô Lâm, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn không ngừng rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, đề cao trách nhiệm nêu gương sáng, ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt trọng trách với nước, với dân, đưa đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh, Nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, dân tộc ta ngày càng cường thịnh, trường tồn, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội...