Công tác dân nguyện ngày càng đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân
Sự kiện 17/03/2023 13:19
Công tác dân nguyện thể hiện quan điểm chính trị của Đảng và tinh thần của Hiến pháp về quyền lực nhân dân trong mối quan hệ Đảng lãnh đạo – Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ và nguyên tắc Dân biết – Dân bàn – Dân làm – Dân giám sát – Dân kiểm tra – Dân thụ hưởng.
Vai trò, ý nghĩa của dân nguyện
Quan điểm chính trị tôn trọng và thực hiện công tác lãnh đạo, công tác dân vận, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và xây dựng chính sách, pháp luật và tổ chức thực thi đường lối, chính sách, pháp luật phải dựa trên trên cơ sở chí nguyện vọng của Nhân dân. Đó là vấn đề cốt lõi đã được chuyển tải, hóa thân khá sâu sắc trong công tác dân vận của Đảng và công tác dân nguyện của Nhà nước, trực tiếp là ở Quốc hội, hội đồng nhân dân.
TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội |
Hoạt động dân nguyện được thực hiện ở cả cấp cao nhất (Quốc hội) và các cấp khác trong hệ thống cơ quan dân cử (Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã) tạo thành một mạng lưới và thang bậc của hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương tới địa phương. Vì vậy, có vai trò góp phần rất quan trọng bảo đảm thực hiện quyền lực và kiểm soát quyền lực nhà nước ở tất cả hệ thống các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước cũng như các chủ thể khác (Đảng, Mặt trận, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp…) khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý.
Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, công tác dân nguyện góp phần khẳng định bản chất Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, đồng thời thể hiện rõ nét tính chất dân chủ của sinh hoạt xã hội trong Nhà nước. Tính chất hai chiều trong quan hệ giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, cũng như của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, hội đồng nhân dân và các cơ quan của hội đồng nhân dân với cử tri và Nhân dân là bằng chứng về mối quan hệ gắn bó giữa cơ quan quyền lực nhà nước với người trao gửi quyền lực nhà nước.
Hoạt động dân nguyện góp phần tăng cường mối quan hệ của Quốc hội, hội đồng nhân dân nói riêng, hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung với cử tri và Nhân dân. Từ đó giúp giải quyết nhiều vấn đề tầm cao (chính sách, pháp luật) và những vấn đề cụ thể trong đời sống xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn các quan hệ kinh tế, xã hội, cũng cố khối đại đoàn kết toàn dân, hướng tới xây dựng một quốc gia hưng thịnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ về công tác dân nguyện
Đánh giá thực trạng nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội đối với công tác dân nguyện sau 20 thành lập, TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc thành lập Ban Dân nguyện đã đánh dấu sự thay đổi việc đánh giá tầm quan trọng của công tác dân nguyện của Quốc hội - rằng cần thiết phải có một cơ quan nhất định để đảm nhiệm một phần các công việc liên quan đến nguyện vọng của Nhân dân và coi đây cũng là bước thử nghiệm trên thực tế để tiến tới thành lập một uỷ ban độc lập.
Từ cuộc tổng tuyển cử năm 1946 để bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước ta đến nay đã có 13 khóa Quốc hội hoạt động, nhưng trước 2003, công tác dân nguyện được hiểu chỉ trong phạm vi tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội.
Trên thực tế, Quốc hội khoá I có Tiểu Ban Dân nguyện do Ban thường trực Quốc hội thành lập tồn tại từ kỳ họp thứ 6 (tháng 1/1957) đến sau kỳ họp thứ 11 (năm 1959) có trách nhiệm nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.
Từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá II đến khoá VIII, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư được giao cho Văn phòng- cơ quan giúp việc cho Quốc hội đảm nhiệm .
Từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX đến khoá XI Uỷ ban thường vụ Quốc hội phân công một uỷ viên phụ trách công tác dân nguyện. Tuy nhiên đây chỉ là sự phân công trong nội bộ Uỷ ban thường vụ Quốc hội, còn về cơ sở pháp lý thì chưa có văn bản pháp luật nào qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của uỷ viên thường vụ trong lĩnh vực công tác dân nguyện.
Năm 2003, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định thành lập Ban Dân nguyện, là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, có trách nhiệm giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện.
Theo Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban Dân nguyện thì Ban Dân nguyện có nhiệm vụ:
- Tiếp công dân và tổ chức tiếp công dân thường xuyên; Tiếp nhận, phân loại và chuyển đơn thư của công dân gửi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đến Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội theo lĩnh vực được phân công. Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Tổng hợp tình hình đơn thư và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội .
- Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, tổng hợp báo cáo kết quả việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, kết quả thực hiện những vấn đề mà người bị chất vấn đã hứa xem xét, giải quyết
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan hướng dẫn đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân về công tác dân nguyện.
- Thực hiện những nhiệm vụ khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.
Theo Nghị quyết nêu trên thì lĩnh vực công tác dân nguyện của Quốc hội đã được mở rộng thêm không chỉ bó hẹp trong phạm vi tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Điều này làm cho công tác dân nguyện của Quốc hội tiến gần hơn đến khái niệm dân nguyện với nội hàm là nguyện vọng của Nhân dân- Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Sau hơn 5 năm hoạt động, kết quả là sau khi tổng kết công tác của Ban Dân nguyện trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đã dẫn đến kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của Ban này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 695/2008/NQ-UBTVQH12 Ngày 15 tháng 10 năm 2008, sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 Điều 2, về chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện.
So với Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 thì Nghị quyết số 695/2008/NQ-UBTVQH12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung cho Ban Dân nguyện nhiệm vụ mới, đó là, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên nhiệm vụ này chưa phải đã được thực hiện ngay. Trước nguyện vọng chính đáng của cử tri cùng với yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Dân nguyện trong việc giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện. Ban Dân nguyện đã đề xuất và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận giao cho Ban Dân nguyện tổ chức và tiến hành hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Từ kết quả hoạt động của Ban Dân nguyện mà tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa 12 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã báo cáo trước Quốc hội kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền. Đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo trước Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, nêu rõ những kiến nghị đã được giải quyết, những kiến nghị chậm được xem xét, nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ này, và tại các kỳ họp thứ 7, 8 của Quốc hội khóa XII và kỳ họp thứ 2,3,4 của Quốc hội khóa 13 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện hoạt động giám sát này.
Tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã báo cáo trước Quốc hội về kết quả giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Từ Quốc hội khóa 14 đến nay, công tác dân nguyện càng ngày càng trở nên là hoạt động thường xuyên, đặc biệt báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri do Ban dân nguyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp, phân tích, xây dựng để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại các kỳ họp đã là “phần cứng” không thể thiếu trong mỗi kỳ họp thường xuyên hằng năm của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp tục giao Ban Dân nguyện xây dựng báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng trình Ủy ban xem xét, kết luận, kiến nghị thực hiện và giám sát thực hiện các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đáp ứng tốt hơn sự mong đợi của cử tri và nhân dân
Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, trong hai mươi năm hoạt động, Ban Dân nguyện từ chỗ là cơ quan chuyên môn, thực hiện những nhiệm vụ của một cơ quan hành chính đã chuyển dần sang những hoạt động mang tính giám sát, mang lại kết quả tốt được dư luận xã hội và cử tri đồng tình và hoan nghênh.
Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cùng đại diện Ban tiếp công dân Trung ương tiếp đoàn cán bộ cựu chiến binh đứng ra đấu tranh đòi lại căn nhà số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP Hồ Chí Minh cho nhà cách mạng Trịnh Đình Thảo bị thu hồi trái pháp luật từ năm 1975 (nay thuộc sở hữu của tập đoàn Vạn Thịnh Phát). |
Những hoạt động ban hành, sửa đổi bổ sung các nghị quyết nêu trên của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan tâm và nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân; đồng thời góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đáp ứng tốt hơn sự mong đợi của cử tri và Nhân dân.
Điều đó thể hiện sự thay đổi liên tục và có tính bước ngoặt trong tư duy và nhận thức về công tác dân nguyện.
Từ chỗ không có Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban Dân nguyện, với tư cách là cơ quan chuyên môn.
Từ chỗ được giao thực hiện một số việc về dân nguyện, dần dần Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung thêm các nhiệm vụ vốn là thuộc về công tác dân nguyện cho Ban Dân nguyện theo đúng vị trí, vai trò, năng lực, hiệu quả của các hoạt động.
Từ chỗ chọn riêng nội dung giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là nội dung báo cáo trước các kỳ họp quốc hội. Nay Ban Dân nguyện vừa trực tiếp báo cáo Quốc hội về công tác giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, vừa gửi báo cáo về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giám sát việc tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo tới Quốc hội phục vụ giám sát, vừa thực hiện xây dựng báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng để phục vụ các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, Ban Dân nguyện còn giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát một số các vụ việc tại các bộ ngành, địa phương. Để làm tốt công tác dân nguyện, Ban Dân nguyện đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan. Kết quả hoạt động dân nguyện rõ ràng có những đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả, làm thay đổi cả cách nhìn của xã hội đối với Quốc hội, đồng thời góp phần đổi mới các hoạt động cơ bản của Quốc hội.
Sự thay đổi nhận thức về công tác dân nguyện chính là “chìa khóa” chính trị – pháp lý – xã hội làm thay đổi thể chế và đổi mới hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của các cơ quan trong công tác dân nguyện - TS Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.