Công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tin tức - Sự kiện 07/03/2024 07:51
Toàn cảnh Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); lãnh đạo 11 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng; đại biểu Đại sứ quán, cơ quan, tổ chức nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Úc, Ấn Độ, Israel, Mỹ, Pháp, Ý) và Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc; cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội, tổ chức nước ngoài.
Khai mạc hội nghị đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: Quy hoạch phát triển tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của các qui hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đ/c Phạm Đình Nghị, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đọc diễn văn khai mạc. |
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và là tỉnh phát triển khá của cả nước. Để đạt mục tiêu này, Quy hoạch đề ra nhiều chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 - Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 9,5%/năm; Tỉ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 12%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 50%; dịch vụ chiếm khoảng 38%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 160-180 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hàng năm khoảng 16% trở lên; kim ngạch xuất khẩu năm 2030 đạt trên 7 tỉ USD; thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn năm 2030 đạt trên 18.000 tỉ đồng; Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đến năm 2030 đạt khoảng 50%; Kinh tế số chiếm khoảng 30% trong GRDP; Kinh tế biển, ven biển trở thành động lực phát triển của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh không có hộ nghèo; tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45-50%; Có 100% số xã, 80% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 35% số xã và 3 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa vùng, cả nước và khu vực. Xây dựng hoàn chỉnh kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng, có môi trường đầu tư năng động, thông thoáng, minh bạch, thân thiện. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. An ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Nam Định trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. |
Theo qui hoạch Nam Định tập trung thực hiện 5 đột phá: Phát triển 04 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và 05 hành lang kinh tế. Phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh; Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội trên toàn tỉnh để tạo điều kiện thu hút đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và khu vực đô thị, nông thôn; Quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nhân lực chất lượng cao. Giữ gìn, bảo tồn và phát huy hiệu quả các di tích văn hóa lịch sử, di tích văn hóa phi vật thể, các giá trị truyền thống lâu đời của Nam Định; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và người dân. Nâng cao kĩ năng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền hành chính hiện đại.
Bản đồ các Khu kinh tế và Khu công nghiệp của tỉnh Nam Định |
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Về tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định xác định theo mô hình tổ chức không gian “ba vùng động lực, bốn cực tăng trưởng, năm hành lang kinh tế” nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, bổ sung cho nhau cùng phát triển. Ba vùng kinh tế động lực gồm: Vùng đô thị TP Nam Định mở rộng; Vùng nông nghiệp, nông thôn (các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh); Vùng kinh tế biển (các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường). Bốn trung tâm đô thị động lực: Đô thị trung tâm với TP Nam Định mở rộng là hạt nhân và các đô thị đối trọng, vệ tinh (thị trấn Nam Giang và đô thị Cao Bồ; Trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông (thị trấn Rạng Đông, Quỹ Nhất, Thịnh Long và Khu kinh tế Ninh Cơ); Trung tâm đô thị Cao Bồ (gồm thị trấn Lâm, đô thị 4 xã và thị trấn Bo thuộc huyện Ý Yên); Trung tâm đô thị Giao Thủy (thị trấn Quất Lâm, Giao Thủy và đô thị Đại Đồng). Năm hành lang kinh tế: Hành lang Quốc lộ 10 (TP Nam Định - Cao Bồ); Hành lang cao tốc Băc Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông); Hành lang kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng - Hải Hậu - Giao Thủy); Hành lang Quốc lộ 21 và tuyến đường từ TP Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy; Hành lang tuyến cao tốc CT.08 (Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng).
Quy hoạch cũng đã đề ra các nhóm giải pháp: Huy động vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ, giải pháp về thực hiện chính sách liên kết phát triển vùng, quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn, giải pháp về đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển; giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị |
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trao Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Nam Định. Phát biểu với hội nghị Phó Thủ tướng đã đánh giá cao nỗ lực của Nam Định trong công tác quy hoạch và nhấn mạnh: Nam Định có thể phát huy lợi thế lớn nhất của tỉnh chính là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực ấy đang ở Nam Định, đang ở Trung ương, đang ở các địa phương và đang ở khắp nơi trên thế giới. Nguồn nhân lực ấy đang được chăm lo và đào tạo với chất lượng cao, Nam Định phải có phương án thu hút được họ trở về cùng xây dựng các ngành sản xuất, ngành kinh tế công nghệ cao, năng lượng xanh, kinh tế xanh, tuần hoàn…để có những sản phẩm trong tương lai mà thế giới hiện đang lựa chọn. Và từ những con người đó, từ những ngành công nghiệp đó lựa chọn các nhà đầu tư cam kết chuyển giao công nghệ, cam kết làm ăn lâu dài và bền vững ở mảnh đất Nam Định. Chỉ có như vậy, Nam Định mới có thể tạo ra cung cầu, thành lập được những trung tâm đào tạo lớn tại Nam Định. Đồng chí cũng mong muốn, Nam Định tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với yêu cầu phát triển của tỉnh, tạo cơ hội nghề nghiệp…Đồng thời, thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ kể cả chính sách nhà ở xã hội nhưng phải hết sức sáng tạo để thu hút nhân tài, góp phần để Nam Định phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và là tỉnh phát triển khá của cả nước, xứng đáng là trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.
PTT Trần Hồng Hà chứng kiến tỉnh Nam Định trao Quyết định chủ trương, chấp thuận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số doanh nghiệp, dự án đầu tư vào Nam Định. |
Nhân dịp này, tỉnh Nam Định cũng đã tổ chức trao Quyết định chủ trương, chấp thuận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư cho một số doanh nghiệp, dự án có quy mô lớn đầu tư vào Nam Định. Thông qua đó giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Nam Định để mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án trọng điểm của tỉnh.