Chung tay giữ lửa làng nghề
Tuổi cao gương sáng 21/08/2018 10:20
Sau năm 1975, ông Thắng làm Chủ nhiệm HTX Nhôm, đồng Điện Phương cho đến năm 2000 thì giải thể vì không thích nghi với cơ chế thị trường. Làng nghề buồn thiu... Sản phẩm ứ đọng. Không rời làng bươn ra buôn bán kiếm sống như một số người khác, ông Thắng trụ lại cùng với những người yêu nghề, tâm huyết gây dựng lại thương hiệu. Quy tụ thợ giỏi, vét hết vốn liếng, ông Thắng thành lập công ty vào thời điểm hoạt động du lịch nở rộ… “Sạch túi vì phải tập trung cho ra đời những sản phẩm mới mang đi chào hàng. Gần như tặng không cho đối tác. Trong khi những sản phẩm trang trí bằng đồng của Thái Lan, Indonesia nhập vào khuynh loát sản phẩm làm từ đồng trong nước”, ông Thắng kể.
Không chịu thua trên sân nhà! Cùng một loại sản phẩm nhưng mình chào hàng mẫu giá xuống còn một nửa. Chỉ với cách ấy mới kéo khách hàng về với mình. Thật vậy, sau khi so sánh, đánh giá sản phẩm, nhiều nơi đã kí ngay hợp đồng với Công ty TNHH Làng nghề Phước Kiều của ông cung cấp sản phẩm. Nhiều khách sạn, resort nổi tiếng từ Hội An đến Đà Nẵng, Huế, vào tận Phú Quốc, ra đến Sa Pa… đều có sản phẩm trang trí bằng đồng của làng nghề đúc đồng Phước Kiều như đèn ốp tường, ghế ngồi, lọ đựng hoa, tô đựng đèn cầy… Tùy thời cơ, có lúc phải bán thấp giá để tồn tại rồi tìm cách xoay xở là giải pháp “thoát hiểm” của giám đốc Dương Ngọc Thắng.
Công ty của ông đã tự tin bước vào thương trường, cùng với anh em địa phương đoàn kết cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo, chất lượng cao, khẳng định danh tiếng của làng nghề tồn tại hơn 400 năm nay. Với 20 lao động, thu nhập thấp nhất 6 triệu đồng/ người/ tháng; cao nhất nếu làm tăng ca, hơn 12 triệu đồng/ người/ tháng. Các chế độ BHXH, BHYT được công ty thực hiện đầy đủ. Lễ tết đều được thưởng. “Có quan tâm như vậy anh em mới hết lòng gắn bó, chung tay góp sức bảo tồn nghề truyền thống và cũng vì sự tồn tại và phát triển của công ty”, ông Thắng chân tình nói và cho biết sắp tới sẽ đầu tư thiết bị mới như máy tiện, máy phay, máy làm khuôn… với chi phí từ 4 đến 5 tỉ đồng để có sản phẩm mới. Ông bày tỏ sự lạc quan khi không phải nợ ngân hàng, nợ thuế. Được hỏi khi nào thì “nhường sân” cho con cháu kế tục, ông cho biết các con đều ăn học tới nơi tới chốn, có việc làm ổn định. Chừng ba bốn năm nữa sẽ truyền nghề lại cho một người con trai sau khi cháu xong đại học.
Về hoạt động xã hội, ông tập trung giúp đỡ cho học sinh nghèo hiếu học từ áo quần, xe đạp đến học bổng ở nhiều trường học trong thị xã và bà con nghèo khó ở địa phương nhân dịp lễ, tết hàng trăm suất quà. Ông được công nhận Nghệ nhân Ưu tú năm 2016 và được tặng các danh hiệu Bàn tay vàng, Doanh nhân tiêu biểu của tỉnh cùng rất nhiều bằng khen. Mới đây, Trung ương Hội NCT Việt Nam tặng Bằng khen cho đơn vị về thành tích làm kinh tế giỏi giai đoạn 2012 - 2017. Công ty từng được trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thị xã Điện Bàn … về thành tích xuất sắc trong bảo tồn và phát triển làng nghề, đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bài và ảnh Lê Kim Dũng