Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH chia sẻ bài học xương máu để giải quyết bài toán liên kết theo chuỗi
Doanh nghiệp - Doanh nhân 03/05/2019 15:07
Ông Ngô Minh Hải chia sẻ bài học "xương máu" để giải quyết bài toán khó về liên kết theo chuỗi tại phiên Hiến kế về nông nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, sáng 2/5. |
Chìa khoá cho thành công của Tập đoàn TH trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Hải là nằm ở việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa. Từ đó, thương hiệu có tầm ảnh hưởng, tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng.
Tiếp theo giai đoạn này, TH đang chuyển sang giai đoạn mới, làm thế nào để đưa ngành chăn nuôi lên quy mô rộng hơn, cụ thể là ở cấp nông hộ - phát triển mạnh trong tương lai. Ông Hải cho biết thời gian qua TH đã tổ chức nông hộ ở Lâm Đồng, là công ty Đà Lạt Milk với hợp tác xã (HTX) bò sữa.
HTX được ông Hải nhận định là mô hình liên kết chuỗi nhằm phát triển bền vững. Nhưng tương tự các doanh nghiệp khác cũng như các cơ quan chức năng, ông Hải nói rằng bản chất của chuỗi liên kết rất lỏng lẻo, dễ đổ vỡ vì nhiều yếu tố. Nó có thể là khách quan như mùa vụ, thời tiết, cũng có thể là chủ quan, do người nông dân thay đổi, phá vỡ hợp đồng…
Câu hỏi làm thế nào để khiến chuỗi này bền vững vốn không dễ trả lời.
Qua quá trình triển khai ở Lâm Đồng, ông Hải cho biết TH đã rút ra những kinh nghiệm quan trọng. Thứ nhất, điểm mấu chốt là phải có sự chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các thành viên trong chuỗi, đơn cử như giá cả của hàng hoá.
Thứ hai là xây dựng quy chuẩn về sản phẩm, dựa trên đó doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng với nông hộ. Điều này giúp cho người dân giao sản phẩm đảm bảo chất lượng. "Nếu không có quy chuẩn, chất lượng sản phẩm trồi sụt bấp bênh, người nông dân cũng không biết cung cấp sản phẩm như thế nào!", ông nói.
Thứ 3 là phải thay đổi được tư duy của người dân. Bản chất nông hộ là quy mô nhỏ, không có tính chuyên nghiệp, do vậy, cần phải giải thích, làm mẫu, đưa công nghệ cao vào cùng làm với người dân.
"Không thể bỏ qua tính chuyên nghiệp, không thể không áp dụng công nghệ cao. Nếu không có những thứ này sẽ không tăng trưởng được. Lấy công làm lãi thì không thể thúc đẩy tăng trưởng", ông Hải nhấn mạnh.
"Khi chúng tôi gắn chip vào cổ bò, nhiều người nghi ngờ rằng liệu bà con có đồng ý không. Nhưng thực tế họ rất phấn khởi, dù chưa biết hiệu quả như thế nào, nhưng thấy công nghệ cao là thích. Cũng như mình dung smartphone thôi, ban đầu là thích vì công nghệ cao, sau dùng nhiều sẽ nghiện, không bỏ được. Đây là thành công trong chuỗi liên kết", ông nói thêm.
Cánh tay tưới công nghệ cao trên cánh đồng cỏ của trang trại TH. Công nghệ cao được TH xác định là “chìa khóa vàng” cho nông nghiệp. |
Bên cạnh những vấn đề này, muốn phát triển chuỗi liên kết cần phải đào tạo được nhân lực. Bởi lẽ bà con vẫn có thói quen, tập quán cũ trong khi đó, yêu cầu của chăn nuôi mới không chỉ cần kỹ năng mới mà còn cả kiến thức quản trị. Nông hộ, ngoài ra cũng cần cả vốn để phát triển trong sản xuất…
Ông Hải cũng đề xuất việc cần có doanh nghiệp đầu tàu để dẫn dắt trong nông nghiệp. "3 người công nhân làm việc còn cần 1 người lãnh đạo huống gì cả chuỗi liên kết phức tạp như vậy", ông nói và cho biết doanh nghiệp đầu tàu cần đảm bảo các điều kiện gồm: tiềm lực tài chính, tính chuyên nghiệp, thương hiệu mạnh và tính chính trực, minh bạch.
"Nhà nước nên đặt ra các quy chuẩn đạo đức cho doanh nghiệp, đạo đức của doanh nhân là cống hiến, phụng sự đất nước", ông Ngô Minh Hải nói thêm.