Chống dịch như chống giặc - Người cao tuổi hãy chung tay
Xã hội 07/03/2020 17:18
Hà Nội họp khẩn cấp đêm 6/3 về trường hợp nhiễm Covid-19 thứ 17. Ảnh Bộ Y tế |
Trong khi mọi biện pháp cách li đang áp dụng với bệnh nhân N. H. N, ở phố Trúc Bạch cùng những người tiếp xúc gần, 15 giờ ngày 7/3, Viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thông báo kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 đối với bệnh nhân N.V.T, 27 tuổi, quê Ninh Bình, đến Daegu ngày 17/2/2020, trở về Việt Nam trên chuyến bay VJ981 từ Busan đến Vân Đồn ngày 4/3/2020. Sau khi nhập cảnh Việt Nam, bệnh nhân đã được cách li tập trung, được lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện dương tính với SARS-COV-2. Hiện nay, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 sáng 7/3. Ảnh TTXVN |
Hơn lúc nào hết chúng ta phải bình tĩnh, đoàn kết và cao hơn cả là ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng của mỗi cá nhân, trong từng gia đình. Chúng ta cần sự chung tay của toàn xã hội.
Người cao tuổi dễ bị nhiễm bệnh do tuổi cao, sức đề kháng giảm, nhiều người còn “sống chung”với nhiều loại bệnh khác. Song, mỗi cán bộ, hội viên người cao tuổi cần tự giác, gương mẫu thực hiện và nhắc nhở, bảo ban con cháu cập nhật thông tin về dịch bệnh để có biện pháp phòng ngừa; chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch của Chính phủ, ngành y tế và các cơ quan chức năng. Hạn chế tới nơi đông người, khi đi ra ngoài cần đeo khẩu trang. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và cồn; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Tự chăm sóc nâng cao sức đề kháng của bản thân và gia đình.
Cách li 22 hộ dân phường Trúc Bạch ở gần bệnh nhân N. H. N. Ảnh Thanh Niên |
Đặc biệt, cập nhật thông tin chính thống để tránh luồng tin thất thiệt gây hoang mang không đáng có trong cộng đồng. Khi có thông tin dịch bệnh khu vực đang sinh sống và được cách li, cần tập trung cao độ cùng chính quyền địa phương khử trùng, cách li theo hướng dẫn để hạn chế sự lây lan của vi rút. Tuyệt đối không chạy trốn hoặc đổ xô đi mua đồ tích trữ tạo thành những tụ điểm đông người là cơ hội để dịch bệnh bùng phát. Rút kinh nghiệm từ Trung Quốc, số ca nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt trong thời gian đầu, một phần bởi vì tâm lí tích trữ lương thực thực phẩm nên đổ xô ra siêu thị, chạy trốn khỏi cách li. Mãi về sau khi tất cả ở yên trong nhà, mọi thứ mới bắt đầu chậm dần, nhưng cũng đã quá muộn.
Vì vậy, mọi người, mọi nhà cần bình tĩnh, ở tại nhà; chỉ mua thực phẩm ở gần nhà và mua đủ dùng, thì tất cả sẽ có đủ đồ, không ai bị thiếu, có thể gọi online mang đến. Những nhà bị cách li sẽ được hỗ trợ. Vì thế, đừng cố tìm cách thoát cách li, dẫn tới tình cảnh mất kiểm soát, ảnh hưởng đến toàn cục.
Tiêu độc khử trùng khu phố Trúc Bạch. Ảnh TTXVN |
Hội Người cao tuổi các địa phương cũng cần có giải pháp, động viên cán bộ, hội viên cùng con cháu trong gia đình tự giác khai báo y tế khi di chuyển từ vùng dịch về, tiếp xúc với người đến từ nơi có dịch hoặc có triệu chứng sốt, ho, khó thở. Đồng thời, theo dõi phát hiện và báo cho chính quyền địa phương khi có người nghi nhiễm hoặc đến từ vùng dịch để có biện pháp xử lí phù hợp, kịp thời.
Hơn lúc nào hết, vắc xin hiệu quả nhất lúc này là ý thực trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình.