Chế độ sinh hoạt hợp lí người mắc bệnh trĩ cần biết
Sức khỏe 21/02/2020 11:48
Nguyên nhân
Chế độ làm việc căng thẳng, cường độ cao, thức khuya và áp lực công việc lớn khiến chế độ sinh hoạt bị đảo lộn, ăn uống không đúng giờ, ít hoạt động, ngồi nhiều chính là những tác nhân khiến dân văn phòng tưởng như là một trong những đối tượng lao động “nhàn thân” trong xã hội lại dễ bị bệnh trĩ tấn công gây không ít phiền toái cho người bệnh.
Không chỉ dân văn phòng, những người lao động chân tay hay phải khuân vác nặng, bê vác nhiều cũng chính là đối tượng dễ bị bệnh trĩ tấn công.
Các chuyên gia cho biết: Bệnh trĩ thường tiến triển lâu dài, nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể nặng gây biến chứng tắc mạch, nhiễm trùng, chảy máu,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Những triệu chứng thường gặp của bệnh trĩ
Bệnh trĩ gây ra rất nhiều biểu hiện khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân
- Chảy máu: Ban đầu có thể thấy một lượng nhỏ máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu. Chảy máu là triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất. Về sau khi rặn nhiều thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Nặng hơn là khi ngồi xổm cũng chảy máu.
- Ngứa hoặc kích thích ở vùng hậu môn do dịch nhầy từ sự bài tiết của niêm mạc ống hậu môn.
- Đau hoặc khó chịu, dao động từ không đau, đau ít đến rất đau do nứt hậu môn, tắc hoặc nghẹt.
- Sưng vùng quanh hậu môn
- Huyết khối búi trĩ
- Sa búi trĩ
- Trĩ ngoại gây khó chịu nhất, bởi vì vùng da trên búi trĩ bị kích thích và bị loét. Nếu cục máu đông hình thành bên trong búi trĩ ngoại, cơn đau có thể xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể cảm thấy hoặc nhìn thấy một khối nhô lên quanh hậu môn. Cục máu đông có thể bị hấp thu để lại vùng da nhăn nheo gây ngứa và rát.
Tâm lí ngại ngùng - lí do khiến bệnh trĩ nặng lên
Nhiều bệnh nhân dù đã biết mình mắc bệnh trĩ hoặc xuất hiện một số dấu hiệu bệnh trĩ như ngứa rát, đau nhức, chảy máu hậu môn, xuất hiện búi trĩ nhỏ… nhưng vì tâm lí e ngại nên không đi thăm khám. Đến khi bệnh gây ra nhiều đau đớn và phiền toái mới thăm khám thì bệnh đã ở giai đoạn nặng khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Việc gạt bỏ tâm lí e ngại chính là điều đầu tiên người bệnh cần thay đổi trong tư duy khi muốn điều trị bệnh trĩ. Đừng coi bệnh trĩ là một loại bệnh “quái dị” và đáng xấu hổ, hãy nhìn nhận nó như những loại bệnh bình thường khác và cần phải chữa trị để thoát khỏi nó càng sớm càng tốt. Bởi nếu không được điều trị kịp thời, bệnh trĩ có thể gây ra rất nhiều những biến chứng nguy hiểm.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh trĩ
- Thiếu máu do mất máu mạn tính qua búi trĩ, lúc này cơ thể sẽ không có đủ số lượng hồng cầu cần thiết để thực hiện trao đổi oxy cho tế bào.
- Nghẹt búi trĩ nếu búi trĩ sa và bị mắc kẹt làm cho mạch máu cung cấp cho búi trĩ bị tắc. Lúc này triệu chứng đau sẽ rất rõ ràng. Khi ấn nhẹ vào sẽ cảm giác lộm cộm do có cục máu đông.
- Tắc mạch: Là tình trạng hình thành cục máu đông bên trong mạch máu của búi trĩ. Khi mạch máu bị giãn phồng và ứ máu sẽ tạo điều kiện thuận lợi hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Tắc mạch trĩ ngoại thì vùng rìa hậu môn sẽ thấy khối phồng nhỏ màu xanh, đi kèm cảm giác đau rát khi sờ.
- Viêm da quanh hậu môn, viêm nhú và viêm khe khi da giữa các búi trĩ bị loét gây triệu chứng ngứa ngáy, nóng rát.
- Không chỉ có thế, việc tác động ngoại lực để đẩy búi trĩ trở lại bên trong còn khiến búi trĩ dễ bị trầy xước gây viêm nhiễm, nếu kích thước búi trĩ quá to có thể làm tổn thương niêm mạc (nơi các nếp gấp) gây nứt kẽ hậu môn, kèm theo hiện tượng rỉ dịch nhờn. Một số trường hợp bệnh nặng thì các búi trĩ có thể bị hoại tử, gây viêm nhiễm toàn bộ hậu môn; chảy máu dai dẳng gây mất máu nhiều.
Chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh cho người bị trĩ
Chế độ ăn uống và tập thể dục tác động rất lớn đến bệnh trĩ. Vì vậy, đừng bỏ qua chế độ ăn uống và những bài tập thể dục rất đơn giản:
Uống nhiều nước
Trước tiên, người bệnh trĩ cần uống nhiều nước trong mọi trường hợp (nước giải khát, bữa ăn có nhiều canh…) vì nước khá đắc lợi trong việc làm mềm phân.
Nên uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày, uống nhiều nước trái cây, nước rau quả, súp rau…
Ăn thức ăn có nhiều chất xơ
Bệnh nhân mắc bệnh trĩ nên tăng cường chất xơ trong chế độ ăn vì chất xơ tham gia trữ nước đáng kể trong ruột, làm phân dễ bở ra nên dễ dàng khi di chuyển.
Các loại rau quả, ngũ cốc là ứng cử viên số một cung cấp chất xơ như đậu phụ, ngũ cốc xay, cà rốt, chuối măng, quả mơ, súp lơ, cam, quýt, dâu tây…
Sử dụng thực phẩm nhuận tràng
Một số loại rau nhuận tràng tốt như rau lang, rau mồng tơi, rau đay, rau diếp cá, rau dền nên dùng nấu canh ăn thường xuyên rất tốt cho người bệnh trĩ.
Chuối cũng là loại quả có giá trị nhuận tràng tốt, sau mỗi bữa ăn nên dùng một quả chuối, hoặc ăn ít dưa hấu.
Ăn thức ăn nhiều chất sắt
Người bệnh trĩ dễ bị thiếu máu do đại tiện ra máu, vì vậy nên chế độ ăn cho bệnh nhân trĩ cần bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất sắt như: Gan gà, cua hấp, cá ngừ, mận, mơ khô, nho khô, hạt hướng dương, hạt điều, hạnh nhân, mè, khoai tây luộc, rau bó xôi, bông cải xanh nấu chín, dưa đỏ, rau cần, mộc nhĩ đen (nấm mèo đen), vừng (mè đen), ...
Các loại dầu tốt cho bệnh trĩ
Dùng dầu ô liu, dầu lanh và giấm táo trong món rau trộn. Thay thế dầu ăn thông thường bằng dầu oliu và dầu lanh. Vào cuối mỗi bữa ăn nên uống bổ sung dầu cá, đây là một trong những loại dầu quan trọng nhất cần dùng thường xuyên.
Bài tập nâng hậu môn (có thể tập ngay tại nơi làm việc vào lúc rảnh rỗi)
Ngồi lên ghế vắt chéo chân và hai tay chống eo, sau đó đứng lên và thực hiện thót hậu môn. Đợi khoảng 5 giây sau thì thả lỏng cơ thể. Những lần kế tiếp làm tương tự.
Tác dụng: Bài tập giúp cơ thể tự có phản ứng co thắt hậu môn khi di chuyển.
Bài tập đi bộ
Đứng thẳng người, hai tay thả lỏng, bàn tay và hàm hơi khép lại. Khi một chân bước lên thì đồng thời thót hậu môn, sau đó bước tiếp chân còn lại. Khi mới thực hiện lần đầu thì sẽ thấy khó nhưng chỉ sau vài lần làm quen thì động tác sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Phẫu thuật có khỏi hẳn bệnh trĩ?
Phương pháp phẫu thuật được bác sĩ chỉ định khi người bệnh đã bị trĩ ở giai đoạn nặng, chảy máu nhiều ở hậu môn, đau nhức, sưng viêm, búi trĩ lớn, lòi ra ngoài hậu môn và không tự co hoặc nhét lên được (cấp độ 3 - 4). Tuy nhiên, phẫu thuật cắt trĩ là biện pháp điều trị có chi phí cao, gây đau đớn và thời gian hồi phục khá lâu. Vì vậy, sau khi phẫu thuật cắt trĩ người bệnh cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lí kết hợp với sử dụng các sản phẩm hỗ trợ làm tăng sức bền thành mạch, bảo tồn cũng như khôi phục tổn thương của lớp đệm hậu môn, phòng ngừa bệnh tái phát trở lại.