“Cánh chim đầu đàn” của ngành Lâm nghiệp kinh doanh ra sao trong bối cảnh khó khăn?
Kinh tế 22/06/2024 09:36
Theo chương trình dự kiến, ĐHĐCĐ sẽ thông qua Tờ trình Chiến lược phát triển Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035, Kế hoạch sản xuất kinh doanh đầu tư phát triển 5 năm đến 2025; Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; Báo cáo kết quả hoạt động của HĐQT năm 2023 và kế hoạch hoạt động năm 2024; Báo cáo của Ban kiểm soát về tình hình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn năm 2023 và định hướng nhiệm vụ năm 2024; Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất đã được kiểm toán năm 2023; Phương án phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2023; thông qua tiền lương, thù lao của Hội đồng quản trị; thông qua nội dung các báo cáo, tờ trình và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị.
Duy trì tăng trưởng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn
Năm 2023, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột chiến tranh kéo dài; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; lạm phát vẫn giữ ở mức cao; nhiều nước duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; nợ công toàn cầu tăng mạnh; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gặp nhiều thách thức; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù vậy, Vinafor vẫn đạt được một số kết quả khả quan, chỉ tiêu lợi nhuận của Công ty mẹ hoàn thành và vượt kế hoạch năm đề ra.
Cụ thể, về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư, phát triển năm 2023, tổng doanh thu Công ty mẹ ước đạt 1.407 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ ước đạt 350 tỉ đồng, tăng 4% so với kế hoạch năm và tăng 6% so với năm 2022. Tổng Công ty đã và đang tiếp tục triển khai các dự án đầu tư - phát triển theo kế hoạch. Giá trị thực hiện năm 2023 ước đạt khoảng 172 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kì.
Vinafor phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh rừng trồng và cây giống lâm nghiệp. |
Năm 2023, Vinafor xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm để ưu tiên thực hiện, đặc biệt đối với nhiệm vụ về quản lí, sử dụng đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; công tác lâm nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tái cơ cấu; Kiểm soát nội bộ... Việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện đồng bộ, linh hoạt và thống nhất từ Văn phòng Tổng công ty đến các đơn vị thành viên.
Về hoạt động sản xuất lâm nghiệp, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống, ước thực hiện sản xuất và tiêu thụ cây giống năm 2023 là 37,43 triệu cây giống các loại. Hiện nay, một số đơn vị lâm nghiệp đã và đang triển khai cải tạo mở rộng, nâng cấp vườn ươm với công nghệ hiện đại để tăng công suất sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường đẩy mạnh tiêu thụ cây giống chất lượng cao theo định hướng chiến lược phát triển.
Trong công tác trồng, chăm sóc, quản lí bảo vệ và khai thác rừng, thực hiện tạo mới được 2.890 ha rừng; khai thác được 2.613 ha. Vinafor đã thường xuyên, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lí sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng diện tích trồng các giống mới; trồng rừng tập trung, thâm canh cao, nuôi dưỡng rừng gỗ lớn, đưa một số loài cây bản địa trồng vùng đệm, bờ lô, ven khe… để tăng diện tích rừng trồng.
Trong công tác thị trường, Vinafor đã chủ động trong việc nắm bắt diễn biến thị trường, kịp thời điều chỉnh các hoạt động, phương án kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế. Công tác xúc tiến thương mại đã được tăng cường thông qua việc trao đổi, làm việc với nhiều đối tác tại Nhật, châu Âu, châu Mỹ để đa dạng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và mở rộng thị trường, tìm kiếm các sản phẩm mới có tiềm năng liên quan đến lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp và chế biến gỗ.
Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 dự kiến sẽ được ĐHĐCĐ thông qua tới đây, năm 2024, trên cơ sở nhận định tình hình trong nước và quốc tế có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó khó khăn thách thức sẽ nhiều hơn, Vinafor đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 1.991 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 317 tỉ đồng. Riêng công ty mẹ, mục doanh thu đạt 1.189 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 202 tỉ đồng.
Về đầu tư phát triển, Vinafor dự kiến sẽ tham gia 5 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 743 tỉ đồng, trong đó giá trị đầu tư dự kiến của Vinafor là khoảng 505 tỉ đồng. Giá trị dự kiến giải ngân của Tổng Công ty trong năm 2024 ước đạt 122 tỉ đồng.
Trong quý I/2024, theo báo cáo tài chính hợp nhất, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 352 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 118,5 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kì năm ngoái. Riêng công ty mẹ đạt lợi nhuận 116,8 tỷ đồng.
Lí giải về mức tăng lợi nhuận, Vinafor cho biết do một số công ty có vốn góp của Tổng Công ty có lợi nhuận khai thác sản phẩm tốt hơn so với cùng kì năm ngoái và tiết giảm chi phí hoạt động. Như vậy, sau khi đi được một phần tư chặng đường năm 2024, Vinafor đã hoàn thành trên 37% mục tiêu doanh thu năm.
Vinafor gia nhập thị trường carbon
Theo Chiến lược phát triển Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 dự kiến sẽ được ĐHĐCĐ thông qua tới đây, Vinafor xác định mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó đứng vị trí số 1 về giống cây lâm nghiệp; trồng rừng thâm canh. Trở thành đơn vị tiên phong trong ngành lâm nghiệp về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng rừng, khai thác rừng và sản xuất giống lâm nghiệp. Nâng cao giá trị rừng trong tất cả các mặt từ sản xuất kinh doanh gỗ, dịch vụ môi trường rừng và tín chỉ carbon rừng.
Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26, việc tìm được lời giải cho bài toán hướng tới một nền kinh tế carbon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc, ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, việc phát triển thị trường carbon là một chính sách chiến lược của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính, đồng thời khuyến khích các hoạt động giảm phát thải tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, ngành Lâm nghiệp đóng vai trò duy nhất trong việc hấp thụ khí nhà kính thông qua các giải pháp bền vững trong sản xuất lâm nghiệp và phát triển rừng. Tuy nhiên, tín chỉ carbon rừng vẫn là một khái niệm rất mới mẻ tại Việt Nam. Với vai trò tiên phong, Vinafor sẽ thúc đẩy phát triển các dự án tín chỉ carbon từ rừng, góp phần khuyến khích các tổ chức và cá nhân khác hướng tới mô hình sản xuất lâm nghiệp hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm các yếu tố bền vững.
Mục tiêu của Vinafor trong năm 2024 là hoàn thành Đề án kinh doanh tín chỉ carbon nhằm phát huy lợi thế của mình. Đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn để sớm có tín chỉ carbon từ hoạt động lâm nghiệp thể hiện vai trò của Doanh nghiệp nhà nước với 3 mục tiêu chính: (1) Nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh doanh rừng trồng thông qua nguồn thu từ tín chỉ carbon; (2) Trở thành nhà đầu tư sâu rộng vào thị trường (ngoài các diện tích rừng của Tổng công ty) và mua bán, kinh doanh tín chỉ carbon; (3) Phát huy vai trò của Tổng công ty nhà nước- doanh nghiệp lớn trong ngành; Xây dựng thương hiệu Vinafor đi đầu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon.
Năm 2024, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại, tuy nhiên, với các giải pháp sắp xếp mô hình hoạt động, bộ máy điều hành cùng với sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cao của tập thể Ban lãnh đạo, cùng toàn thể người lao động, Vinafor sẽ tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đã đề ra, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 theo đề án cơ cấu lại được Đại hội đồng cổ đông thông qua.