“Cánh chim Chơ rao” giữa đại ngàn Tây Nguyên
Tuổi cao gương sáng 30/04/2018 10:26
Lớn lên, bà được vào học tại Trường học sinh miền Nam. Tháng 10/1964, bà được các ông Y Brơm, Nay Pha tuyển vào Đoàn Ca múa Nhân dân Tây Nguyên. Ba năm bà vừa học văn hóa, học múa và tham gia biểu diễn. Đặc biệt, thầy Y Brơm (sau này là NSND) dành rất nhiều công sức và thời gian hướng dẫn từng động tác, khích lệ từng tiến bộ, giúp bà trưởng thành. Ngày ấy, nhiều người ví bà đẹp như bông hoa Pơ Lang. Bà cùng Đoàn đi biểu diễn cho bộ đội và Nhân dân từ đỉnh Tây Côn Lĩnh (tỉnh Hà Giang) đến đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh). Đến đâu, Đoàn cũng được bộ đội, Nhân dân cổ vũ nồng nhiệt. Năm 1973, Đoàn đi biểu diễn phục vụ các bộ tộc Lào, lúc này, các tỉnh Nam Lào mới được giải phóng nhưng bọn phỉ Vàng Pao vẫn còn lén lút hoạt động và phá hoại.
NSND Xuân La |
Sau ngày giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975), Đoàn tổ chức các đợt biểu diễn mừng chiến thắng cho các đơn vị quân đội ở Tây Nguyên. Thời gian này, Đoàn vừa dàn dựng chương trình, vừa đi biểu diễn khắp địa bàn tỉnh phục vụ cho bà con các dân tộc. Thường từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch hằng năm, khi các buôn làng bước vào mùa lễ hội, trong nhịp điệu cồng chiêng quyến rũ và các điệu soang mê say, cũng là lúc bà đi nghiên cứu các làn điệu múa của các dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao, cách điệu, phát triển và sáng tạo thành các tiết mục múa của Đoàn.
Do có năng khiếu, lại say mê nên bà luôn được lãnh đạo phân công là diễn viên solo (múa chính). Các điệu múa bà thể hiện lột tả bản sắc của các dân tộc, cái mạnh mẽ, huyền bí của đời sống hoang dã trên đại ngàn Tây Nguyên. Bà cùng Đoàn lặn lội tới mọi buôn làng, nơi nào có văn công tới đều được bà con xem rất đông. Có buổi biểu diễn gặp mưa nhưng bà con vẫn đứng xem, không chịu về. Mỗi buổi diễn làm cho bà thêm yêu quê hương thứ hai: Gia Lai; thêm thương cảm những người Jrai, Bahnar hiền hòa, chất phác mà cuộc sống của họ còn nhiều gian nan, vất vả.
Lấy nghiệp múa làm hạnh phúc, nguồn vui lẽ sống của mình nên có những lúc bị ốm đau nhưng do yêu cầu bà vẫn phải bật dậy để lên sàn diễn. Sau ngày mới giải phóng, mặc cho bọn Fulro tìm cách phá hoại nhưng Đoàn vẫn không bỏ buổi biểu diễn nào. Vừa biểu diễn, Đoàn kết hợp tuyên truyền cho người dân không mắc mưu, không nghe lời lừa mị của kẻ xấu, không tham gia các tổ chức phản động, không để người trong gia đình, dòng họ, làng trốn ra rừng. Đoàn còn đi biểu diễn ở các nước bạn như Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Thái Lan, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni, Mông Cổ, Pakistan, Campuchia, Lào...
Năm 1990, bà được đi học biên đạo múa 3 năm. Về Đoàn, bà vừa làm nhiệm vụ biểu diễn, vừa sáng tác. Hàng chục điệu múa mà bà là tác giả, trong đó có nhiều tiết mục đoạt giải cao tại các kì hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, được khán giả trong và ngoài nước yêu thích như múa solo nữ và tốp nam năm 1977 biểu diễn tại Bun-ga-ri; Múa Sar (biên đạo Trần Hạnh, âm nhạc Nguyễn Đình Dũng); cô gái Ê Đê và tiết mục múa "Greng neng”, biên đạo Y Brơm, âm nhạc Nhật Lai do bà biểu diễn đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Ngoài ra, bà còn sáng tác cho cho các đoàn văn nghệ không chuyên trong tỉnh hàng chục điệu múa được đánh giá cao.
Bà còn có công đào tạo hàng chục diễn viên múa chuyên nghiệp cho Đoàn, tiêu biểu như diễn viên múa Quang Tâm nay trở thành NSƯT. Hoài Liễu - cô cháu ruột được bà nuôi nấng và dạy dỗ từ nhỏ trở thành diễn viên múa solo của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Diễn viên múa Đặng Công Hưng do bà kèm cặp, chỉ bảo tận tình đã trở thành đạo diễn múa xuất sắc. Năm 1984, bà vinh dự được trao tặng danh hiệu NSƯT và năm 1997, bà được tặng danh hiệu NSND. Từ năm 1978 bà là Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Năm 2003, bà được đề bạt là Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho đến tháng 10/2005 nghỉ hưu.
Dù ở cương vị nào bà cũng dồn hết tâm huyết cho múa; hi sinh cả chuyện sinh con vì quá yêu múa. Nỗi khao khát, giằng xé về quyền được làm mẹ đã bao lần nước mắt hòa lẫn mồ hôi, nhưng vì tình yêu nghề múa bà vẫn gắn bó với nó như hơi thở. Bù lại các cháu ruột: Hoài Liễu, Đinh Ngọc Linh, hiện là diễn viên múa của Nhà hát Đam San đã đắp đổi phần nào cho bà. Ngoài bộ môn múa, bà còn là đại biểu HĐND tỉnh 5 nhiệm kì; thành viên UBMTTQ tỉnh 5 nhiệm kì; tham gia diễn xuất 2 bộ phim: “Chiếc vòng bạc” của Hãng phim Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và “Mùa hoa cúc quỳ” do Xưởng phim III (Hãng phim truyện Việt Nam) sản xuất.
51 năm gắn bó với nghề múa và công tác quản lí văn hóa, bằng nhiệt huyết, trí tuệ, mồ hôi công sức và sự sáng tạo của mình, NSND Đinh Xuân La cống hiến hết mình trên sàn diễn, được khán giả ví như con chim Chơ Rao giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.
Văn Thư