Cần giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm phục hồi
Thông tin doanh nghiệp 08/10/2021 07:35
Khó khăn trăm bề
Khảo sát do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện vào giữa tháng 8/2021 vừa qua, với sự tham gia của 21.517 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho thấy, có 69% (tương đương 14.890 doanh nghiệp) phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh. Hầu hết trong số này là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có không ít doanh nghiệp do NCT làm chủ và là người lao động.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp cũng xây dựng kế hoạch trở lại hoạt động, nhưng việc cân chỉnh lại bộ máy sản xuất tương đối khó khăn. Dòng tiền hoạt động cạn dần, chi phí xét nghiệm đội lên cao, lao động thiếu hụt trầm trọng, chuỗi cung ứng đứt gãy… Đa phần các doanh nghiệp thừa nhận đã “đuối sức”, nếu không được hỗ trợ trong thời gian tới thì sẽ khó vào guồng sản xuất trở lại.
Chi phí xét nghiệm là một trong những khoản phải giải quyết đầu tiên khi doanh nghiệp hoạt động trở lại. Ông Lê Vũ Đài (là người cao tuổi), Giám đốc một công ty sản xuất đồ nội thất tại quận 12, TP Hồ Chí Minh cho biết, công ty hiện duy trì chế độ cho 150 nhân viên để bảo đảm đủ nhân lực khi hoạt động trở lại. Nếu tổ chức xét nghiệm hằng tuần thì mất 50 triệu đồng/tháng, trong khi đơn hàng chưa ổn định, thì khoản chi phí này đang là gánh nặng.
Thiếu nhân lực cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều địa phương tổ chức đưa người lao động về quê, một số lớn tự về bằng đủ các phương tiện. Ngoài vướng mắc các quy định phòng dịch, người lao động về quê chưa được tiêm vaccine và cũng chỉ vài tháng nữa hết năm nên họ không mặn mà với việc quay trở lại sản xuất.
Theo khảo sát của Ban IV, hơn một nửa số các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì sản xuất - kinh doanh cho biết, dòng tiền hiện tại chỉ có thể giúp họ duy trì hoạt động từ 1 - 3 tháng. Doanh nghiệp không thu được công nợ nên không đủ chi phí trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và những khoản vay đến hạn chưa có khả năng đáo hạn, ngân hàng siết chặt các khoản vay. Hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa đang “khát” vốn để mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách, khi xuất khẩu giảm thêm 6% thời gian gần đây và giảm mạnh 60 - 70% kể từ khi bùng phát dịch Covid-19.
Doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ gánh nặng tăng thêm chi phí. |
Gần đây, cước vận chuyển tăng đột biến, nhiều đơn bị hủy, chậm, khách hàng không chấp nhận tăng giá… khiến chi phí giao mỗi chuyến hàng tăng thêm cả trăm triệu đồng là những khó khăn trăm bề của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo ông Trần Văn Hiển, Phó Trưởng ban Đào tạo và hội viên, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông tin, chưa bao giờ việc hỗ trợ doanh nghiệp lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Đa phần doanh nghiệp đều cần được hỗ trợ, từ tiêm vaccine tới việc giảm thuế, từ tiếp cận vốn ngân hàng tới nguyện vọng được giảm lãi suất thấp... Ngay cả việc cấp giấy đi đường các doanh nghiệp cũng rất mong muốn được chính quyền sở tại hỗ trợ sớm.
Hiện nay, để vận hành trở lại, vấn đề đầu tiên “tiền đâu” là nỗi lo của phần lớn các doanh nghiệp. Khảo sát của Ban IV cho thấy tiền là nguồn sống của doanh nghiệp, nhưng phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu. Hơn 40% doanh nghiệp phản ánh chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng. Tỉ lệ này ở công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phần là 39,5%, nếu không có hỗ trợ thì khả năng giải thể là rất cao.
Trong khi đó, việc vay vốn từ ngân hàng rất khó khăn. Các ngân hàng cho rằng phần nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có thông tin tài chính kế toán không bảo đảm tính minh bạch, khó thẩm định hồ sơ cho vay vốn. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp nhỏ không còn tài sản thế chấp để vay khoản mới và không bảo đảm nguồn thu để trả nợ nên cho vay sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn. Còn với những doanh nghiệp đã “chết lâm sàng” thì gần như không có cơ hội được vay vốn.
Vì vậy, để doanh nghiệp có được nguồn vốn tái sản xuất - kinh doanh, 3 nhóm giải pháp đến từ Chính phủ, các ngân hàng thương mại và nội tại của doanh nghiệp phải được triển khai cùng lúc.
Hiện Chính phủ đang có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về chính sách thuế, có chính sách giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT… Về lao động tiền lương, có chính sách giảm, giãn bảo hiểm xã hội hoặc có thể cho vay ứng lương (vay tín chấp để doanh nghiệp trả cho người lao động) từ Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương. Ngoài ra, còn có các chính sách giảm, giãn tiền thuê đất, điện... và nhiều chính sách theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động. Qua đó giúp doanh nghiệp từng bước củng cố, cấu trúc lại “sức khoẻ tài chính” để tiếp tục hoạt động sản xuất - kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Các ngân hàng thương mại cũng đang có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực. Ngân hàng Bản Việt ngay từ năm 2020 triển khai nhiều chương trình giảm lãi suất từ 0,5 - 2% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và được thực hiện cho đến nay. Điều này giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm ngay áp lực tài chính, tập trung nguồn vốn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, giảm sự đứt gãy chuỗi cung ứng chung cho nền kinh tế.
Ngân hàng cũng miễn giảm các loại phí giao dịch tại quầy, miễn phí giao dịch trên các kênh điện tử. Năm 2021, nhiều ngân hàng tiếp tục đưa thêm các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có các hoạt động liên quan đến bảo lãnh, xây dựng, xây lắp và các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu. Hệ thống ngân hàng còn hỗ trợ các doanh nghiệp tái cấu trúc tài chính, dòng tiền để họ nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn kinh doanh khi hoạt động trở lại. Nhiều ngân hàng áp dụng giải pháp cho vay thêm, cho vay mới, kéo dài thời gian vay… với hạn mức nới rộng thêm 10% và tăng tỉ lệ cho vay lên đến 100% trên hạn mức có sẵn của doanh nghiệp. Nỗ lực trên giúp doanh nghiệp có ngay nguồn vốn kinh doanh bổ sung mà không phải mất nhiều thời gian cho các thủ tục và loay hoay tìm thêm tài sản bảo đảm. Ngân hàng cũng bổ sung các sản phẩm, nghiệp vụ gia tăng dòng tiền cho doanh nghiệp như thẻ tín dụng, thấu chi tài khoản doanh nghiệp và áp dụng Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước một cách linh hoạt, chủ động tư vấn sâu về các giải pháp cơ cấu nợ bao gồm gốc, lãi.
Các doanh nghiệp phải nỗ lực vươn lên
Để có nguồn vốn, dòng tiền tái sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp phải hướng tới việc phát triển trong tương lai, chủ động rà soát, đánh giá lại nguồn nhân lực, tinh gọn bộ máy. Trong điều kiện dịch bệnh, tâm lí người lao động thường không ổn định, nên phải có chính sách, chương trình phù hợp giữ chân người tài. Đặc biệt, doanh nghiệp có chủ là NCT với kinh nghiệm từng trải trong cơ chế thị trường, cần kiên định đường lối kinh doanh, khắc phục khó khăn, động viên người lao động và các chuyên gia là NCT trụ lại và nỗ lực vươn lên.
Doanh nghiệp nên đánh giá lại lĩnh vực kinh doanh nội tại về mức độ phù hợp trong hiện tại, bổ sung thêm ngành hàng, lĩnh vực mới nếu cần, nỗ lực tìm kiếm, tận dụng thị trường; nên ứng dụng công nghệ, số hóa để giảm chi phí vận hành, chuyên môn hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều giải pháp số, tạo điều kiện giao dịch thuận tiện, không cần phải đến ngân hàng và được miễn giảm 100% phí giao dịch.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải cập nhật thường xuyên các chỉ đạo của Chính phủ, địa phương để có giải pháp kinh doanh linh hoạt trong và sau dịch. Với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, như du lịch, khách sạn, rạp chiếu phim, xuất - nhập khẩu…, nên rà soát chi phí, nhân sự, tìm kiếm phương thức hoạt động mới, đối tượng khách hàng mới… Thậm chí, có thể chuyển dần sang các ngành nghề kinh doanh mới nhưng có nhu cầu khá tốt trong và sau dịch như ngành tiêu dùng thiết yếu (cung cấp thực phẩm qua kênh online). Các doanh nghiệp cũng phải bảo đảm an toàn, duy trì hoạt động phù hợp và triển khai sản xuất, kinh doanh lại chậm mà chắc theo từng bước giảm giãn cách của Chính phủ và địa phương.
Các doanh nghiệp do NCT làm chủ và có người lao động là NCT tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm cần tăng cường công tác phòng chống dịch và quan hệ chặt chẽ với địa phương trong việc ưu tiên tiêm vaccine, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ khó khăn… để NCT có thể làm việc trong môi trường an toàn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp NCT quảng bá, tiêu thụ sản phầm trên các kênh thông tin của địa phương…. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần yêu cầu người lao động, nhất là lao động là NCT tuân thủ các quy định phòng chống dịch, thực hiện 5K, “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc bảo vệ, giữ vững “vùng xanh, cung đường xanh” trong quá trình sản xuất, kinh doanh và cư trú tại địa phương. Căn cứ vào ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cụ thể và cấp độ dịch ở từng địa bàn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có kế hoạch chuyển đổi phương thức sản xuất từ tập trung sang phân tán theo hộ gia đình, phát huy vai trò của NCT trong các nhóm, hộ sản xuất, kinh doanh như làm hàng thủ công mĩ nghệ, mây tre đan xuất khẩu, du lịch homestay… Trong thực tế có nhiều nơi đã thực hiện tốt phương thức này như ở Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Hợp tác xã Mây tre đan Thanh Tân (Kiến Xương, Thái Bình)…
Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm phục hồi, chính là giúp cho chủ doanh nghiệp, người lao động, trong đó có không ít NCT vượt qua khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển sản xuất, kinh doanh trong và sau đại dịch Covid-19.