Các doanh nghiệp bất động sản: Cần giảm giá bán nhà ở
Bất động sản 10/01/2024 12:03
Năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021 - 2025. Do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này...
Kéo giảm giá nhà ở vì lợi ích hài hòa
Nhìn lại thị trường BĐS năm 2023 đến nay, để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế đối phó hiệu quả với “cơn gió ngược” do tác động của từ đại dịch Covid-19 và các xung đột địa chính trị, đứt gẫy chuỗi cung ứng, lạm phát cao, giảm tổng cầu trên phạm vi toàn cầu, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, có các chủ trương, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Dự án nhà ở xã hội thị xã Từ Sơn |
Đáng chú ý, về phía Nhà nước đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn giải quyết các kiến nghị, đề xuất thì hầu như tất cả các kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội, và cộng đồng doanh nghiệp BĐS đều đã được các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe, xem xét, giải quyết ở cả ba cấp: (i) tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định của luật nhằm xây dựng thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững và tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng; (ii) Sửa đổi, bổ sung một số quy định của các văn bản dưới luật; (iii) đã bước đầu tháo gỡ được một số vướng mắc, khó khăn trong công tác thực thi pháp luật của các địa phương, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để thực hiện Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2023 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp BĐS tiếp thu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu “phải cơ cấu lại phân khúc và giảm giá bán sản phẩm”, các doanh nghiệp BĐS “đến nay chưa được triển khai tích cực” như nhận xét của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của doanh nghiệp BĐS là: Trong tình hình thị trường BĐS hiện nay còn “khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi “một chiều” thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa? ”.
Chính vì vậy, cộng đồng các doanh nghiệp BĐS cần có quyết tâm cao thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải cơ cấu lại phân khúc thị trường và giảm giá bán sản phẩm nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Giải pháp đi đôi với hành động
Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp BĐS cần hành động một cách cụ thể là xem xét đa dạng hóa và cơ cấu lại sản phẩm nhà ở, chuyển hướng mạnh sang phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền; nhà ở thương mại giá thấp; nhà ở xã hội và tham gia các dự án xây dựng lại chung cư hư hỏng; các dự án di dời, chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch; các dự án chỉnh trang các khu dân cư lụp xụp. Đây là các lĩnh vực kinh doanh BĐS vừa có hiệu quả kinh tế, vừa có ý nghĩa xã hội. Tuy có tỉ suất lợi nhuận thấp, nhưng ít rủi ro, đồng thời có lợi cho việc xây dựng uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, góp phần thiết thực để kéo giảm giá nhà ở thương mại.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2025 Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kì họp thứ 6 Quốc hội khóa XV chính thức có hiệu lực, tạo niềm tin cho các chủ thể liên quan trên thị trường BĐS.
Không phải ngẫu nhiên các tổ chức trong nước cũng như quốc tế đều dự báo năm 2024 Việt Nam sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2023. Bởi Việt Nam đang có đà và niềm tin của doanh nghiệp về môi trường đầu tư. Kinh tế Việt Nam vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế. Các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, từ đó tạo thêm động lực thúc đẩy thị trường BĐS.