Cả đời dấn thân đi theo cách mạng
Tuổi cao gương sáng 31/08/2018 12:30
Một hôm ông Nguyễn Chánh, Trưởng ban Quân sự Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Chính trị viên Đội du kích Ba Tơ ở đồng bằng lên. Ông Chánh cho biết, Nhật đã đầu hàng Đồng Minh và đã có lệnh tổng khởi nghĩa, đại đội Phan Đình Phùng phải đánh chiếm các châu lị Sơn Hà, Ghi Lăng, Trà Bồng và phát triển về đồng bằng. Ông Phạm Kiệt phân công ông Trần Kiên và một đồng chí tên Thắng bổ sung vào trung đội Cao Thắng đi đánh Ghi Lăng, dưới sự chỉ huy của ông Kiệt và ông Chánh.
Đến ngã ba Hà Thành, ông Nguyễn Chánh lệnh cho ông Trần Kiên vào tước súng của Chánh Lải. Lúc ấy, Chánh Lải đang ngồi trên ván gỗ vuông đánh bài với người hàng xóm thì ông Trần Kiên bước vào dí súng vào cổ giằn giọng:
- Chúng tôi là du kích Việt Minh vùng lên đánh Nhật và bọn tay sai. Yêu cầu ông nộp vũ khí!
Ông Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đón nhận cuốn Tiểu thuyết “Dấn thân”
do tác giả trao tặng
Chánh Lải run như cầy sấy liền giao ngay khẩu Mút-cơ-tông. Thu súng của Chánh Lải xong, ông cùng Trung đội tiếp tục tiến đánh Ghi Lăng. Vượt qua đèo Cà Đáo, trời đổ mưa lớn. Ông Phạm Kiệt từ hướng Ghi Lăng xuống nói rõ tình hình địch trong đồn và phổ biến cách đánh cụ thể. Bộ đội men theo đường bí mật tiến vào gần đồn nằm chờ. Vào đến gần cổng, đã thấy ông Kiệt, ông Chánh và mấy người nữa đứng ở bót gác. Một phát súng lục bắn chỉ thiên. Cửa đồn mở. Ông Trần Kiên dẫn đầu bộ đội xông vào. Bọn lính khố xanh đang ngủ vùng dậy định với súng trên giá, nhưng không kịp. Chiếm xong đồn Ghi Lăng, bộ đội ta giật lá cờ của chính quyền thân Nhật vứt xuống đất rồi lấy cờ đỏ sao vàng treo lên. Số vũ khí thu được chia cho 2 trung đội mỗi chiến sĩ một khẩu nhưng kiếm của người nào người ấy phải giữ.
Bộ đội đi ngay trong đêm, mờ sáng hôm sau đã đến Hà Thành. Cánh quân do ông Phan Phong và ông Phan Điệt (tên thường gọi là Thủy) chỉ huy cũng có mặt. Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Đồng bào đem cơm đến tiếp tế. Đang ăn, ông Nguyễn Chánh xuất hiện ra lệnh: Chia quân thành hai cánh tiến về đồng bằng. Đến Phước Lâm, trời quá trưa, đồng bào chuẩn bị cơm, thịt sẵn sàng. Đang ăn, lại có lệnh của ông Nguyễn Chánh điều đơn vị lên đường ngay. Anh em theo ven sông Trà Khúc kéo về Xuân Phổ sẵn sàng đánh bọn Nhật đi càn.
Về đến Xuân Phổ, ông Chánh hỏi ông Trần Kiên: "Đồng chí là người địa phương, thử đoán bọn Nhật sẽ đi đường nào?". Ông Trần Kiên suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Chúng có thể đi đường cổng Tổng Phúc ra Bầu Sắc.
- Vậy ta nên phục kích chỗ nào?
- Nên phục kích ở đoạn giữa cống Bầu Sắc đến ngõ Tổng Phúc, trước ngõ Chánh Ấm, vì phía Tây là hàng tre và ruộng mía, phía Đông đều là ruộng lầy. Từ phía Tây ta xông vào đánh xáp lá cà, nhất định bọn Nhật sẽ bị bất ngờ và thất bại.
Thấy có lí, ông Nguyễn Chánh ra lệnh cho ông Phan Phong đến vị trí ông Trần Kiên vừa đề xuất để phục kích. Đúng lúc ấy, quân Nhật từ thị xã Quảng Ngãi kéo lên. Chúng đi đến đâu, tiếng mõ, tiếng tù và của Nhân dân ở các làng dọc đường báo động vang động đến đấy. Ông Trần Kiên được bố trí ở đoạn đầu gần ngõ nhà Chánh Ấm. Súng đã lên nòng, kiếm tuốt khỏi bao, sẵn sàng xung phong. Trời nhá nhem tối, bọn Nhật đi vào ổ phục kích. Lập tức, ông Phan Phong đứng thẳng dậy, vung kiếm ra lệnh: "Xung phong!". Tiếng hô vừa dứt thì “đoàng” một phát, ông Phan Điệt bắn tên sĩ quan Nhật đi đầu ngã nhào như cây chuối đổ. Anh em xông lên đánh xáp lá cà. Tiếng gươm chém vào nhau chan chát, loảng xoảng. Ông Trần Kiên tả xung, hữu đột với thanh kiếm trong tay. Một tên Nhật bị ông đánh văng kiếm và chém trúng bả vai, cắm đầu chạy thục mạng. Một tên khác từ phía sau bất ngờ nhảy tới bị ông dùng một thế võ đá trúng bộ hạ khiến nó ngã vật xuống. Trong lúc đó, ông Phong và ông Thủy cũng chém gục hết tên này đến tên khác. Sau một hồi lâu, ta hoàn toàn làm chủ chiến trường. Bọn Nhật bắn loạn xạ và đưa xác đồng bọn rút chạy trong đêm tối. Ông Phong hỏi:
- Đồng chí Tuấn (một tên gọi khác của ông Trần Kiên) đâu?
- Có tôi!
- Đồng chí Phan Điệt đâu?
Không có tiếng trả lời. Ông Trần Kiên chạy lại, thấy ông Phan Điệt nằm bên vệ đường, người ướt đầm máu, tay còn nắm chặt đốc kiếm. Sau khi ông Phan Điệt hi sinh, ông Nguyễn Chánh chỉ định ông Trần Kiên làm Trung đội trưởng Trung đội Ấm Loan.
Sau đó, ông Trần Kiên tiếp tục cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh từ Ba Tơ về thị xã Quảng Ngãi hợp với nhiều cánh quân khác. Ngày tỉnh Quảng Ngãi thoát khỏi ách phát xít Nhật là một ngày hội lớn. Khắp các ngả đường, từng đoàn người giương cao băng, cờ, khẩu hiệu từ các huyện nô nức kéo về sân vận động thị xã dự mít tinh. Già, trẻ, gái, trai tay cầm cờ đỏ sao vàng, hừng hực khí thế cách mạng, hô vang khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập muôn năm! Muôn năm!"
Lê Văn Thiềng