Bộ Xây dựng công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2023
Kinh tế 25/04/2023 15:06
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (thành lập theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ) cùng các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Một số cơ chế, chính sách mới được Chính phủ ban hành, các Bộ, ngành tổ chức triển khai về chào bán, giao dịch trái phiếu; chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030 đã có nhiều tác động đến thị trường bất động sản.
t |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh và đại diện các cơ quan của Bộ Xây dựng trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí. |
Nhìn chung, thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành. Theo đó, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu tích cực, niềm tin của nhà đầu tư được phục hồi, một số dự án bất động sản được tiếp tục triển khai sau một thời gian phải tạm dừng, lượng tìm kiếm và giao dịch bất động sản đã dần tăng lên, đặc biệt vào thời điểm cuối quý. Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại
Hoàn thành có 14 dự án, với 5.909 căn, số lượng dự án bằng khoảng 50% so với quý IV/2022 và bằng khoảng 63,64% so với quý I/2022, cụ thể: tại miền Bắc có 9 dự án với 5.679 căn; tại miền Trung có 3 dự án với 137 căn; tại miền Nam có 2 dự án với 93 căn.
Đang triển khai xây dựng có 698 dự án, với 398.592 căn, số lượng dự án đạt 149,79% so với quý IV/2022 và bằng khoảng 57,4% so với với quý I/2022, cụ thể: tại miền Bắc có 435 2 dự án, với 287.096 căn, tại miền Trung có 157 3 dự án, với 61.565 căn, tại miền Nam có 106 4 dự án, với 49.931 căn.
Được cấp phép mới: có 17 dự án, với 7.187 căn, số lượng dự án được cấp phép mới bằng khoảng 77,27% so với quý IV/2022 và bằng khoảng 43,59% so với quý I/2022, cụ thể: tại miền Bắc có 95 dự án, tại miền Trung có 56 dự án, tại miền Nam có 37 dự án.
Đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai: có 52 dự án, với 23.690 căn, số lượng dự án bằng khoảng 88,14% so với quý IV/2022 và bằng khoảng 92,86% so với quý I/2022.
Qua số liệu tổng hợp của các địa phương có báo cáo cho thấy, nguồn cung về nhà ở thương mại trong Quý I/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022.
Toàn cảnh buổi họp báo |
Theo đó, số lượng dự án được cấp phép mới trong quý là 17 dự án so với 22 dự án của Quý IV/2022 và 39 dự án của quý I/2022; số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 52 dự án so với 59 dự án của Quý IV/2022 và 56 dự án của Quý I/2022; số lượng dự án hoàn thành trong quý là 14 dự án so với 28 dự án của quý IV/2022 và 22 dự án của quý I/2022.
Đối với dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân
Trong quý I, cả nước có 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ, được cấp phép mới 8 ; có 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; có 4 dự án, với quy mô 934 căn hộ đã hoàn thành xây dựng. Có 397 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô 453.426 căn trong đó: đang triển khai xây dựng 152 dự án với quy mô 153.426 căn; đang thực hiện thủ tục đầu tư 245 dự án với quy mô 300.000 căn…
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản
Các doanh nghiệp bất động sản trong quý I năm 2023 hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý giảm (Quý I/2023 là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022), bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước (số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Một khó khăn lớn hiện nay như: Hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.
Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có Tập đoàn giảm 30% đến 50% lực lượng lao động).
Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản
Trong quý I năm 2023, theo khảo sát thì có thêm khoảng 30%-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước, đồng thời ước lượng số Môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30% - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.
Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể sau: Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương để rà soát, tháo gỡ từng vấn đề vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; tiếp tục tổng hợp các vướng mắc của các doanh nghiệp, các hiệp hội gửi trực tiếp đến Tổ công tác để kịp thời báo cáo Chính phủ và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền.
Các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời phối hợp đồng bộ hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Theo đó, nhóm các khó khăn vướng mắc đã có quy định pháp luật nhưng việc thực thi ở địa phương chưa hiệu quả thì yêu cầu các Bộ có văn bản hướng dẫn cụ thể; đối với khó khăn vướng mắc do các quy định của pháp luật cần chỉ rõ các điều khoản của thông tư, Nghị định và các Luật.
Bộ Xây dựng chủ trì xác định điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023; đồng thời làm cơ sở để các địa phương xác định, công bố các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Ban hành Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiêu chí đánh giá năng lực khách hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, góp phần phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại căn cứ vào danh mục dự án, đối tượng, điều kiện tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 để áp dụng điều kiện cho vay và lập quỹ dự phòng rủi ro, không đánh đồng giữa các doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các vướng mắc của các Thông tư khẩn trương sửa đổi, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn; chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; hướng dẫn các địa phương về đền bù và giải phóng mặt bằng; về doanh nghiệp cổ phẩn hóa chuyển mục đích sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất; về thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định nhưng đã được chuyển mục đích sử dụng đất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc: chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bất động sản, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trước thời điểm Luật Đầu tư bãi bỏ hình thức hợp đồng BT.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc: điều kiện duy trì tỷ lệ góp vốn không thấp hơn 26% khi di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; về việc doanh nghiệp nhà nước có chuyển mục đích sử dụng đất; phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trước thời điểm Luật Đầu tư bãi bỏ hình thức hợp đồng BT.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện một số yêu cầu sau: Tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đầu tư để tăng nguồn cung về nhà ở, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua...
Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đồng thời thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng bàn lùi, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong thực hiện công vụ, theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.