Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng báo cáo về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Sự kiện 27/10/2023 07:53
Kiến nghị cho phép kéo dài đến năm 2024
Theo đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế (Cảng HKQT) Long Thành; nghị quyết về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Cảng HKQT Long Thành thành Dự án thành phần (DATP); Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi (Báo cáo NCKT) Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Cảng HKQT Long Thành (sau đây gọi là Dự án), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Báo cáo NCKT Dự án tại Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 6 tháng 11 năm 2018.
Trong quá trình triển khai, một số nội dung của Dự án có thay đổi so với chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội thông qua tại các Nghị quyết, vì vậy, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua một số nội dung thay đổi trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định điều chỉnh Báo cáo NCKT Dự án; Hội đồng thẩm định Nhà nước đã có báo cáo số 2663/BC-HĐTĐNN ngày 07 tháng 4 năm 2023 về việc kết quả thẩm định điều chỉnh Dự án.
Theo đó, các nội dung điều chỉnh gồm: Một là, điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư; Hai là, điều chỉnh giảm diện tích thu hồi đất; Ba là, bổ sung bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 02 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn không làm tăng tổng mức đầu tư, không tăng diện tích đất thu hồi của Dự án. Do đó, căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 43 Luật Đầu tư công, các điều chỉnh này không thuộc trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và thẩm quyền điều chỉnh là của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 94/2015/QH14, Điều 2 Nghị quyết số 38/2017/QH14, Chính phủ báo cáo Quốc hội các nội dung điều chỉnh trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Dự án.
Toản cảnh phiên họp tại hội trường. |
Nội dung điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án, kéo dài thời gian bố trí vốn đến năm 2024 thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do làm tăng thời gian thực hiện dự án so với một số chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt tại khoản 3, Điều 1 Nghị quyết 53/2017/QH14, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua để có cơ sở triển khai thực hiện các công việc tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo lý do điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện và bố trí vốn cho Dự án; đồng thời để có cơ sở triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho Dự án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua: Kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024; Kéo dài thời gian giải ngân đối với số vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và số vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đến hết ngày 31/12/2024 để tiếp tục bố trí vốn thực hiện, hoàn thành Dự án.
Kiến nghị đưa vào Nghị quyết Quốc hội: “Cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng đến hết năm 2024”.
Điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và kéo dài thời gian giải ngân vốn là cần thiết
Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì thẩm tra Tờ trình về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. |
Về sự cần thiết và thẩm quyền điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, theo Tờ trình, các nội dung đề nghị điều chỉnh bao gồm: (i) điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư Dự án; (ii) điều chỉnh diện tích đất thu hồi; (iii) điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và kéo dài thời gian giải ngân; (iv) bổ sung nội dung về bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 02 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Trong các nội dung đề nghị điều chỉnh như trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh đối với nội dung về điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và kéo dài thời gian giải ngân vốn với các lý do như đã được phân tích tại Tờ trình.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, theo quy định tại Điều 35 và khoản 3, Điều 43, Luật Đầu tư công, việc điều chỉnh các nội dung của Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù của Nghị quyết số 53/2017/QH14 và với đề nghị điều chỉnh làm thay đổi nội dung tại Điều 1 của Nghị quyết số 53/2017/QH14, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14, trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án, nhất là đối với việc điều chỉnh về thời gian thực hiện Dự án. Việc xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đề nghị đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6, không ban hành Nghị quyết riêng về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14.
Ủy ban Kinh tế cho rằng hồ sơ đề nghị điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Về điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chính phủ kiến nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Dự án “đến hết năm 2024”. Ủy ban Kinh tế nhất trí với kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2024 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai công tác giải ngân cho Dự án.
Về kéo dài thời gian giải ngân vốn, theo Tờ trình, tổng mức đầu tư Dự án kiến nghị điều chỉnh là hơn 19 nghìn tỷ đồng; lũy kế giải ngân đến thời điểm hiện nay là hơn 16 nghìn tỷ đồng. Nhu cầu vốn để tiếp tục thực hiện, hoàn thành Dự án là 2.510,372 tỷ đồng. Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng đến hết năm 2024.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn là cần thiết, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 đã được chuyển nguồn hay chưa? Có đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phần vốn này đến hết năm 2024 hay không.
Về nội dung đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với nội dung kiến nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 558/TTr-CP để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6. Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát và hoàn thiện nội dung này để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6.