Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)
Sự kiện 25/06/2024 07:36
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, Luật Thuế giá trị gia tăng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định với nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế. Vì vậy, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm hoàn thiện chính sách phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Đề án định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu liên quan dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). |
Liên quan tới đối tượng không chịu thuế, Điều 5 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đối tượng không chịu thuế và nhiều nội dung sửa đổi nhằm đảm bảo nhất quán các thuật ngữ, khái niệm quy định tại các luật chuyên ngành như: Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Các tổ chức tín dụng,... Theo đại biểu, việc rà soát, sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế theo hướng loại bỏ hoặc bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ so với quy định hiện hành để phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị cần rà soát, sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế. |
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục quản lý thuế và tạo môi trường pháp luật thống nhất, đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế cũng như việc khắc phục những hạn chế bất cập của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành.
Góp ý cụ thể về người nộp thuế (Điều 4), đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, tại khoản 1, Điều 2 Luật Quản lý thuế quy định, người nộp thuế bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Để đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Quản lý thuế, đại biểu đề nghị thay từ “Hộ” bằng cụm từ “hộ gia đình, hộ kinh doanh”.
Về đối tượng không chịu thuế (Điều 5), đại biểu đề nghị làm rõ cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh khi mua các sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi… như quy định thì có thuộc đối tượng không chịu thuế không? Đồng thời làm rõ cơ sở pháp lý tại sao các đối tượng này khi mua các sản phẩm theo quy định tại khoản 1 không phải tính, nộp thuế giá trị gia tăng nhưng lại được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng. |
Về thuế suất (Điều 9), tại điểm d khoản 2 về mức thuế suất 5%, quy định: Sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, trừ các sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của luật này.
Nhưng tại khoản 1 Điều 5 quy định về đối tượng không chịu thuế: Sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt, bán ra và ở khâu nhập khẩu. Do đó, đại biểu đề nghị xem lại quy định tại khoản 2, Điều 9 đang có sự mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 Điều 5 về mức thuế suất.
Đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn BĐQH TP Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết ban hành cũng như tên gọi của dự thảo Luật. Quan tâm đến nội dung liên quan đến đối tượng chịu thuế tại Điều 5, cụ thể là điểm h khoản 9 Điều 5 quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập có chức năng mua, bán nợ để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội quan tâm điểm h, Khoản 9, Điều 5 quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). |
Về nội dung này, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, mở rộng theo hướng quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng tại điểm này là bán tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng. “Bởi vì khi đã phải bán tài sản đảm bảo thì có nghĩa là khách hàng vay đã rất khó khăn. Và trong trường hợp này, nếu có thuế giá trị gia tăng nữa thì lại thêm gánh nặng nợ cho họ. Nếu được miễn thuế giá trị gia tăng thì có khả năng họ còn để được một phần giá trị tài sản còn lại để phục vụ cho đời sống hoặc sản xuất kinh doanh trở lại”, đại biểu lý giải.
Theo đại biểu, việc quy định như vậy là rất cần thiết. Bên cạnh đó, trong thực tế, quy định như vậy cũng không quá ảnh hưởng đối với việc thu thuế...
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, đây là dự án Luật thuế liên quan đến 25% thu ngân sách, liên quan đến mọi đối tượng, do đó cần có một sắc thuế trung lập, khách quan để xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh. Đại biểu nhận thấy, việc Chính phủ đề xuất mức thuế 5% đối với mặt hàng phân bón và các mặt hàng nông nghiệp là có cơ sở. Chúng ta cần đánh giá nhiều chiều và phân tích thấu đáo.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng, xây dựng các tiêu chí để xác định mặt hàng nào không chịu thuế. |
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị làm rõ giá phân bón tăng thời gian qua có phải do tăng thuế không? Đại biểu cho rằng, điều này không đúng. Phân bón tăng là do chi phí đầu vào, do vật tư… Do đó, nếu tăng mức thuế mặt hàng này lên 5% thì cần phải đánh giá hết sức kỹ lưỡng. “Nếu doanh nghiệp được khấu trừ 5% này thì họ được đầu tư mở rộng thêm. Giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với giá nhập khẩu thì người dân được lợi chứ không phải bị thiệt”, đại biểu phân tích.
Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thì cần nhiều phương án, chính sách khác nhau, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này. Đại biểu không đồng tình với ý kiến đề nghị khấu trừ hoặc đưa về mức thuế suất 0%. “Chúng ta cần lựa chọn một giải pháp phù hợp. Đề nghị Chính phủ cần thiết xây dựng các tiêu chí, xác định rõ xem mặt hàng nào là không chịu thuế, mặt hàng nào là 0%, mặt hàng nào là 10%”, đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ.
Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế giá trị gia tăng có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ nên sẽ liên quan đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, quy định trong dự thảo cần làm thế nào để đảm bảo cho sản xuất phát triển, thương mại phát triển, từ đó quy định thống nhất theo đúng Chiến lược thuế theo nghị quyết của Đảng, nên ban soạn thảo nghiên cứu hết sức chặt chẽ và đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế giá trị gia tăng, bao quát được các nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Toàn cảnh buổi giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu liên quan dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo chiến lược đến năm 2030, phải huy động vào ngân sách 16-17% GDP, trong đó thuế và phí là 14-15% GDP, tỷ lệ thu nội địa phải đạt được 86- 87%. Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, lắng nghe ý kiến và đánh giá lại tác động của từng gói chính sách, những vấn đề đang còn tranh luận để đến kỳ họp sau đảm bảo thống nhất khi ban hành.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng giải trình một số vấn đề có nhiều ý kiến đại biểu nêu liên quan đến quy định giao Chính phủ quy định hàng hóa, dịch vụ hộ gia đình, cá nhân không chịu thuế giá trị gia tăng. Bộ trưởng cho rằng, quy định trong luật phải đảm bảo phù hợp với xu thế của thế giới và thuế thật sự là công cụ để bảo vệ nền kinh tế, phải thích ứng với quá trình lãnh đạo điều hành và quản lý nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế vĩ mô. Do vậy, việc phân cấp cho Chính phủ là hết sức quan trọng, đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả trong quá trình điều hành.
Đối với việc đưa mặt hàng phân bón vào chịu thuế giá trị gia tăng 5%, Bộ trưởng thừa nhận đây là vấn đề còn nhiều quan điểm, nhiều ý kiến. Cơ quan soạn thảo sẽ đánh giá tác động lại một lần nữa trước khi trình Quốc hội ban hành vào cuối năm nay.
Theo Bộ trưởng, việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có thêm lợi thế cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Khi được hoàn thuế, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để đổi mới công nghệ, hạ giá thành, phát triển bền vững hơn.
Đối với người nông dân, theo ước tính, mức chi phí mỗi hộ nông dân phải trả thêm mỗi năm khoảng 461.000 đồng, tương đương 38.000 đồng mỗi tháng. Thực tế, giá thành sản phẩm nông nghiệp tăng hay giảm tác động chính bởi yếu tố cung - cầu, mùa vụ. Giá sẽ tăng khi nguồn cung khan hiếm và ngược lại, giá giảm khi nguồn cung dồi dào. Cơ quan soạn thảo sẽ đánh giá lại tác động để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Về thuế đối với cổ vật, Bộ trưởng cho rằng, cổ vật do nhà nước nhập khẩu không chịu thuế, nhưng tổ chức, cá nhân nhập về để kinh doanh thì phải chịu thuế. Một vấn đề khác cũng đang được đại biểu quan tâm là thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ. Theo Quyết định 78 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hiện nay, nhiều nước đã thu thuế đối với hàng hóa giá trị nhỏ. Tại dự thảo cũng đã có quy định phân biệt cho hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ.
Liên quan đến chính sách tài khóa mở rộng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, quan điểm hết năm nay nên hoàn thành chính sách tài khóa mở rộng, để tập trung cho chính sách tài khóa thắt chặt. Bởi xu thế của thế giới hiện nay là tập trung nâng cao sức mạnh của tài chính công, đảm bảo xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội và các vấn đề khác.