5 thách thức điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm
Kinh tế 07/09/2023 09:16
Nền kinh tế hấp thụ vốn yếu
Kết quả, trong 7 tháng đầu năm 2023, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,47 triệu tỉ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng bất động sản chiếm tỉ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12%. Đây là năm đầu tiên xuất hiện xu hướng tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm trong 3 năm gần đây. Trước đó, vào cuối năm 2022, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng đến 31,01%. Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lí của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lí, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lí nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn.
Chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng toàn nền kinh tế nên tín dụng bất động sản sụt giảm kéo theo tăng trưởng tín dụng thấp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra các khó khăn như cầu đầu tư và cầu tiêu dùng thấp khiến cầu tín dụng thấp. Liên quan đến chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo chỉ đạo của Chính phủ, đến nay các ngân hàng thương mại đã đăng kí tham gia với quy mô 15.000 tỉ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra là 10.000 tỉ đồng) từ nguồn lực của chính ngân hàng thương mại, với lãi suất cho vay bằng VND thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kì hạn của ngân hàng cho vay.
Về chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31; đến cuối tháng 6/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 140.000 tỉ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 56.000 tỉ đồng cho gần 2.100 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 590 tỉ đồng (trên quy mô 40.000 tỉ đồng).
Về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, đến cuối tháng 7/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 96.000 tỉ đồng, với gần 97.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
5 thách thức điều hành chính sách tiền tệ đến cuối năm
Ngoài tín dụng, 2 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành ngân hàng trong những tháng tới là kiểm soát tốt lạm phát và giữ tỉ giá ổn định. Theo đó, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc vấn đề hạ lãi suất điều hành, bởi vì trên thực tế, lãi suất điều hành không còn nhiều tác động mạnh đến thị trường, đặc biệt là đối với các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại hiện nay thừa thanh khoản, không vay Ngân hàng Nhà nước.
5 thách thức khó khăn mà nhà điều hành chính sách tiền tệ đang phải đối mặt, Thứ nhất, kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên cao nhất của nhà điều hành. Trong trường hợp lạm phát phi mã, sẽ đảo lộn toàn bộ nền kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ đời sống xã hội.
Thứ hai, giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo ổn định tỉ giá. Phải giữ vững tỉ giá. Lãi suất mà giảm sâu thì không ai gửi tiền ngân hàng, quay sang nắm giữ USD để kì vọng USD lên giá, thế là mất tỉ giá ngay.
Về mối quan hệ này phải hài hòa bởi mất tỉ giá sẽ làm đảo lộn niềm tin của nhà đầu tư, tạo áp lực lên Chính phủ khi đi vay nợ nước ngoài. Chưa kể, doanh nghiệp, người dân sẽ đổ xô nắm giữ ngoại tệ, xuất - nhập khẩu đảo lộn, phản ánh hết vào giá thành các sản phẩm tiêu dùng.
Thứ ba, giảm lãi suất cho vay nhưng lại phải hạn chế giảm lãi suất huy động. Đây là bài toán khó.
Thứ tư, phải tăng tín dụng nhưng cũng phải tăng chất lượng tín dụng, đây cũng là hai dòng nước ngược chiều nhau. Không thể thận trọng mà nói không tăng trưởng tín dụng, cũng không thể không kiểm soát an toàn của tổ chức tín dụng vì an toàn hệ thống chính là an toàn, an ninh của tài chính quốc gia.
Thứ năm, thị trường tiền tệ từ trước tới nay luôn gánh cung ứng vốn cho nền kinh tế, cả vốn ngắn hạn, trung dài hạn. Thị trường trái phiếu, chứng khoán được kì vọng giải bài toán huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế nhưng thời gian qua các thị trường này khó khăn, tín dụng lại phải gánh thêm bài toán vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.
Trước 5 thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có các giải pháp linh hoạt, vừa bảo đảm thông lệ quốc tế, vừa giữ được lòng tin và kì vọng của thị trường.
Bên cạnh việc đôn đốc các tổ chức tín dụng tích cực cắt giảm thủ tục tiếp cận tín dụng, cắt giảm các loại phí cho khách hàng, nhà điều hành sẽ căn cứ điều kiện thực tế để có điều chỉnh phù hợp về chính sách cơ cấu, giãn hoãn lại nợ tại Thông tư 02.
Cùng đó, các tổ chức tín dụng phải tích cực ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận vốn. Đồng thời, ngành ngân hàng sẽ tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các bộ/ngành để có thể kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.