Xây dựng công trình nước sạch trong phạm vi bảo vệ Đê điều, trách nhiệm thuộc về ai?
Tin pháp luật 10/02/2022 17:42
Thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Phú Thọ. Ảnh chụp màn hình |
Cụ thể, kết luận thanh tra nêu rõ, tiến độ triển khai dự án hệ thống cấp nước sạch huyện Đoan Hùng của Công ty Cấp nước Phú Thọ chậm so với quy định của UBND tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai, xây dựng theo quy định. Việc hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt còn chậm.
Công ty đã thi công lắp đặt tuyến ống trong phạm vi hành lang bảo vệ đê hữu Lô, đê tả Chảy nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc triển khai thi công lắp đặt đường ống trên địa bàn thị trấn Đoan Hùng, các xã Chí Đám, Vân Du đã ảnh hưởng đến vùng phục vụ cấp nước, hư hỏng một số điểm trên đường ống cấp nước của CTCP Cấp nước Đoan Hùng.
Đối với xã Sóc Đăng, công ty đã thi công, lắp đặt khoảng 98m ống nước D225 tại khu 6 xã Sóc Đăng nhưng chưa có sự trao đổi, thống nhất với CTCP Cấp nước Đoan Hùng để tạo được sự đồng thuận trong quá trình thi công.
Chưa lắp thêm trên bộ 80 đồng hồ cho các hộ dân trên địa bàn xã Chí Đám sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Thọ.
Từ những sai sót trên, UBND tỉnh Phú Thọ kiến nghị, UBND huyện Đoan Hùng chỉ đạo CTCP Cấp nước Phú Thọ không thi công, lắp đặt và cung cấp nước sạch cho các hộ dân trên địa bàn 3 xã Sóc Đăng, Chí Đám và Vân Du.
Đồng thời, xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê hữu Lô và đê tả Chảy của CTCP Cấp nước Phú Thọ.
Trụ sở CTCP Cấp nước Phú Thọ |
Trước đó, cũng tại dự án của công ty này, mặc dù chưa có giấy phép xây dựng nhưng ngày 30/10/2014, CTCP Cấp nước Phú Thọ đã tiến hành Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống thu gom và xử lý nước thải TP.Việt Trì trên địa bàn phường Minh Nông. Dự án sử dụng vốn EDCF của Hàn Quốc, với tổng mức đầu tư lên đến trên 40 triệu USD.
Tiếp đó ngày 15/1/2016, Hạt quản lý đê điều Việt Trì đã có buổi kiểm tra công trình và đưa ra kết luận, CTCP Cấp nước Phú Thọ xây dựng khu thu gom, trạm xử lý nước thải đã vi phạm vào Điều 26 Luật Đê điều. Đề nghị đơn vị dừng thi công theo Luật Đê điều và hoàn thiện hồ sơ giấy phép xây dựng trước ngày 30/1/2016.
Tuy nhiên, đến ngày 04/11/2015, doanh nghiệp này mới hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép đường ống thoát nước cắt qua đê và chạy dọc đê tả Thao. Và mãi đến 21/4/2016, Cấp nước Phú Thọ mới làm văn bản gửi Hạt quản lý đê điều và Sở NN&PTNT Phú Thọ xin cấp phép xây dựng dự án.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng, cùng một lỗi (vi phạm Luật Đê điều) nhưng lại mắc đến 2 lần, và trong lần vi phạm mới nhất này, Cấp nước Phú Thọ đã bị UBND tỉnh Phú Thọ nhắc nhở đồng thời xem xét xử phạt vi phạm hành chính. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu tình trạng này có tiếp tục tái diễn hay không? Và trách nhiệm thuộc về ai?.
Nhiều sai phạm tại CTCP Cấp nước Phú Thọ
Ngày 17/9/2019, Thanh tra tỉnh Phú Thọ công bố quyết định thanh tra về việc quản lý nguồn vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp; việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đối với Dự án hệ thống thu gom xử lý nước thải TP.Việt Trì tại Cấp nước Phú Thọ.
Theo kết luận của đoàn thanh tra, trong quá trình cổ phần hóa, CTCP Cấp nước Phú Thọ chưa thực hiện việc niêm yết trên thị trường chứng khoán theo khoản 2, Điều 11, Nghị định 109/2007/NĐ-CP và đến thời điểm thanh tra công ty vẫn chưa thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán theo điểm c khoản 1 Điều 25 Luật Chứng khoán và các quy định có liên quan.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng chưa thực hiện xây dựng phương án sử dụng đất đối với diện tích 57.459m2 công ty đang quản lý, sử dụng để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Ngoài ra, đối với phần đất xây dựng nhà ở cán bộ, nhân viên trên khu đất trụ sở công ty với tổng diện tích 625m2 cũng chưa làm thủ tục bàn giao cho cơ quan quản lý nhà đất của địa phương theo quy định của Chính phủ.
Về việc quản lý, sử dụng tài sản, Thanh tra tỉnh Phú Thọ kết luận, còn 4 mảnh đất CTCP Cấp nước Phú Thọ chưa ký hợp đồng thuê đất gồm: Trụ sở công ty, xí nghiệp nước sạch Việt Trì, xí nghiệp nước sạch công nghiệp và xí nghiệp cấp nước Thanh Ba. Đáng chú ý, việc kê khai nộp tiền thuê đất còn thiếu dẫn đến phải truy thu số tiền hơn 578 triệu đồng.
Đoàn thanh tra cũng chỉ rõ, việc xác định thời gian sử dụng tài sản, thời hạn, giá trị nhận nợ, thời điểm trả nợ, hình thức thanh toán của hệ thống cấp nước sinh hoạt thị trấn Thanh Ba, các vùng lân cận và hệ thống cấp nước sinh hoạt thị trấn Lâm Thao, huyện Cẩm Khê có giá trị vốn ngân sách nhà nước hơn 25 tỷ đồng còn chậm theo quy định của Bộ Tài chính.
Về nội dung thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án hệ thống thu gom xử lý nước thải TP.Việt Trì do Cấp nước Phú Thọ làm chủ đầu tư, Thanh tra tỉnh Phú Thọ cho biết, đến thời điểm thanh tra, công ty chưa cung cấp đủ các hồ sơ liên quan. Lý do, các nhà tư vấn thầu thiết kế, giám sát thi công, nhà thầu thi công xây lắp, hết thời hạn thực hiện hợp đồng (31/12/20 18) đang thi công dang dở đã dừng dự án nên một số hồ sơ chưa hoàn thiện.
Được biết, CTCP Cấp nước Phú Thọ tiền thân là Nhà máy nước Việt Trì được thành lập theo Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 4/7/1970 của UBND tỉnh Vĩnh Phú. Ngày 4/7/1993, UBND tỉnh Vĩnh Phú quyết định đổi tên thành Công ty Cấp nước Vĩnh Phú.
Sau khi tái lập tỉnh ngày 1/1/1997 đổi tên thành Công ty Cấp nước Phú Thọ. Tháng 12/2005, thực hiện chính sách đổi mới phát triển doanh nghiệp của Nhà nước, được UBND tỉnh Phú Thọ Quyết định số 3605/QĐ-UBND ngày 28/12/2005 phê duyệt phương án chuyển đổi Công ty Cấp nước Phú Thọ thành Công ty TNHH Nhà nước một thành viên cấp nước Phú Thọ.
Đến tháng 1/2008, thực hiện chính sách cổ phần hoá của Nhà nước được UBND tỉnh Phú Thọ ra quyết định, ngày 17/11/2008, phê duyệt phương án chuyển Công ty TNHH Nhà nước một thành viên cấp nước Phú Thọ thành Công ty Cổ phần Cấp nước Phú Thọ. Địa chỉ công ty nằm tại số 8 Trần Phú, phường Tân Dân, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Về tình hình kinh doanh, năm 2021, tổng doanh thu của CTCP Cấp nước Phú Thọ đạt trên 276 tỉ đồng. Sang năm 2022, doanh nghiệp này phấn đấu đạt doanh thu 300 tỉ đồng, đồng thời mở rộng địa bàn phục vụ, cung cấp nước sạch cho nhân dân ở các địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa.
Được cấp 5 giấy phép để xây dựng công trình liền nhau, Công ty Vẻ đẹp thảo mộc toàn cầu có “thừa cơ” hợp khối? Công ty Cổ phần thương mại Vẻ đẹp thảo mộc tòa cầu (gọi tắt là Công ty Vẻ đẹp thảo mộc toàn cầu) được UBND ... |
Sẽ chấn chỉnh chất lượng công trình giao thông sau sự cố cầu Cái Đôi Vàm Cầu Cái Đôi Vàm bắc qua sông Cái Đôi Vàm (Cà Mau) đang trong giai đoạn hoàn thành thì bất ngờ xảy ra sự cố ... |