Vụ ngang nhiên xây nhà trên đất nông nghiệp, có dấu hiệu tiếp tay của cán bộ địa phương
Pháp luật - Bạn đọc 24/12/2020 14:00
Nội dung vụ việc
Theo trình bày của bà Vũ Thị Xuân, vào ngày 18/7/2005, bà có chuyển nhượng cho ông Đoàn Xuân Lâm 2.700m2 đất, với giá 18 triệu đồng, nhưng ông Lâm mới trả được 11 triệu đồng, còn 7 triệu đồng, ông Lâm vẫn chưa thanh toán cho bà Xuân.
Ba năm sau, ngày 20/10/2008, bà Xuân chuyển nhượng cho ông Lê Công Tuyên, là em cọc chèo của ông Lâm, 3.000m2 đất nông nghiệp, tại tờ bản đồ số 18-19, khu 7, phường Lộc Phát, với giá 20 triệu đồng. Sau khi viết giấy tay chuyển nhượng, bà Xuân giao đất cho ông Tuyên, nhưng từ đó đến nay, ông Tuyên cũng không trả tiền, nên bà Xuân yêu cầu ông Tuyên hủy giấy sang nhượng viết bằng tay, trả lại diện tích đất để bà sử dụng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, về nguồn gốc diện tích đất bán cho ông Lâm là của chung vợ chồng ông Lê Văn Cung và bà Vũ Thị Xuân, được UBND TP Bảo Lộc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số BĐ 04129 ngày 2/4/2003, gồm các thửa số 123, số 123b, số 75, số 175; tờ bản đồ số 18, 19; diện tích 5.919m2, tại phường Lộc Phát.
Căn nhà ông Lê Công Tuyên xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp của bà Vũ Thị Xuân |
Việc bà Xuân viết giấy chuyển nhượng đất cho ông Lâm, bà Xiêm vào ngày 18/7/2005, lúc này ông Cung và bà Xuân còn đang chung sống, chưa li hôn, đây là tài sản chung của vợ chồng. Do vợ chồng ông Cung, bà Xuân chung sống không hạnh phúc, nên đã làm thủ tục li hôn, theo Quyết định thụ lí số 121/QĐST-HNGĐ ngày 1/11/2007 của TAND TP bảo Lộc.
Bà Xuân trình bày với phóng viên, giấy sang nhượng quyền sử dụng đất viết tay ngày 18/7/2005, giữa bà và ông Đoàn Xuân Lâm, chỉ viết một bản. Sau khi viết xong, bà Xuân giữ giấy, vì ông Lâm còn thiếu 7 triệu đồng, nên bà không giao cho ông Lâm bản gốc. Theo đơn tố cáo của bà Xuân, việc bà chuyển nhượng 3.000m2 đất nông nghiệp cho ông Lê Công Tuyên là đúng, nhưng ông Tuyên không trả tiền cho việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giá trị đất.
Các thửa đất số 123, số 123b, số 175 được UBND TP Bảo Lộc cấp là cho bà Xuân, nhưng ông Tuyên sử dụng mà không trả tiền và chuyển mục đích sử dụng. Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu UBND phường Lộc Phát cố tình bao che cho ông Lê Công Tuyên, nguyên cán bộ làm công tác Thương binh và Xã hội phường Lộc Phát, chiếm đoạt tài sản của người khác hay không? Việc ông Tuyên và ông Lâm có mượn sổ đỏ của bà Xuân để đi thế chấp ngân hàng. Nhưng do không tin tưởng ông Lâm và ông Tuyên, nên bà Xuân đòi lại bản gốc của sổ đỏ. Trong khi đó, ông Phan Anh Tú, Chủ tịch UBND, nay là Bí thư Đảng ủy phường Lộc Phát, cho rằng bà Xuân “giật tài liệu” là không đúng. Sự thật, việc bà Xuân đòi lại sổ đỏ, tài sản của bà là không có gì sai. Thế nhưng, ông Phan Anh Tú không làm sáng tỏ vụ việc, còn tạo điều kiện cho ông Tuyên chiếm đất của bà Xuân, khiến dư luận nghi ngờ sự công tâm của ông Tú (!?).
Tòa án hai cấp vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Ngày 8/6/2007, TAND TP Bảo Lộc đưa vụ án “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ra xét xử. Tại Bản án số 04/2017/DS-ST, quyết định tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Vũ Thị Xuân, với ông Đoàn Xuân Lâm vô hiệu. Buộc ông Đoàn Xuân Lâm và bà Lê Thị Xiêm có trách nhiệm trả cho bà Vũ Thị Xuân diện tích đất nông nghiệp là 5.076m2 thuộc các thửa số 75, số 123, số 123b, tờ bản đồ số 19, tọa lạc tại tổ 14 phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, theo sổ đỏ số BĐ 485275 ngày 7/3/2011, do UBND TP Bảo Lộc cấp, đứng tên Vũ Thị Xuân, cùng toàn bộ tài sản gắn liền trên đất gồm: 1 căn nhà cấp 4 và 3 căn nhà tạm, cây công nghiệp, cây ăn trái, hoa màu, một giếng nước. Thế nhưng, HĐXX sơ thẩm lại buộc bà Xuân có trách nhiệm thanh toán cho ông Lâm, bà Xiêm số tiền 1.055.090.000 đồng, là giá trị đất và tài sản gắn liền với đất.
Việc HĐXX sơ thẩm tuyên xử như vậy trong Bản án số 04/2017/DS-ST, khác nào tuyên bà Vũ Thị Xuân mua lại đất của chính mình!? Việc bà Xuân chuyển nhượng 3.000m2 đất nông nghiệp cho ông Lâm vào ngày 18/7/2005, với giá 18 triệu đồng, nhưng ông Lâm mới trả cho bà Xuân 11 triệu đồng. Thời gian này bà Xuân và ông Cung vẫn đang là vợ chồng, khối tài sản chung là các thửa đất số 123, số 123b, số 75, số 175; tờ bản đồ số 18, 19, thì việc chuyển nhượng phải có sự đồng ý và chữ kí của ông Cung mới hợp pháp.
Tại Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong trường hợp sau. A, bất động sản”. Như vậy, theo quy định của pháp luật việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với diện tích 3.000m2 giữa bà Xuân và ông Lâm, phải có sự chứng kiến và xác nhận của ông Cung mới là hợp pháp. Bản án sơ thẩm số 04/2017/DS-ST, HĐXX không đưa ông Cung vào tham gia, với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định.
Ngày 29/11/2017, TAND tỉnh Lâm Đồng đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Bản án số 111/2017/DS-PT, thẩm phán Nguyễn Kim Đồng, chủ tọa phiên tòa chưa làm rõ các “điểm mờ” có trong vụ án, việc ông Đoàn Xuân Lâm và ông Lê Công Tuyên có quyền, nghĩa vụ gì khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các thửa số 123, số 123b, số 75, số 175 của bà Vũ Thị Xuân? Vì sao ông Lê Công Tuyên lại xây dựng nhà xưởng và 1 căn nhà cấp 4 trên khu đất, mà người đúng tên sổ đỏ là bà Vũ Thị Xuân?
Trong khi đó, ông Lê Công Tuyên vẫn một mực trình bày với cơ quan chức năng, rằng không phải nhận chuyển nhượng từ bà Vũ Thị Xuân. Vậy thửa đất này không có giấy tờ hợp lệ, ông Tuyên cũng không lí giải được căn nhà cấp 4 và 3 căn nhà xưởng, đang sản xuất nước đóng chai không rõ nguồn gốc và nhãn mác, ông nhận chuyển nhượng từ ai?
Việc ông Lê Công Tuyên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, sản xuất nước đóng chai không rõ nguồn gốc, liệu UBND phường Lộc Phát và các cơ quan chức năng TP Bảo Lộc có vô can? TAND hai cấp không triệu tập ông Lê Văn Cung tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trên các thửa đất số 123, số 123b, số 75, số 175; tờ bản đồ số 18,19; là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.