Viết tiếp bài “Nhiều bất thường từ một Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm”: Cần xem xét thu hồi, hủy bỏ Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm
Đơn thư bạn đọc 14/04/2022 07:48
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 01/2022/KN-KDTM ngày 12/1/2022 của TAND Tối cao |
Cố tình đánh tráo khái niệm “hợp đồng thuê mua” với “hợp đồng thuê”
Thực hiện Hợp đồng thuê mua nhà xưởng số 108/HĐ-NX-2000 ngày 22/11/2000 (Hợp đồng TMNX số 108”) giữa Công ty Tân Tạo và Công ty Quảng Hưng (BL số 1517=>1514), Công ty Quảng Hưng (5 thành viên- nguyên đơn) đã thực hiện trả tiền thuê mua nhà xưởng được 60.58% nghĩa vụ theo những điều thỏa thuận trong hợp đồng; và trong cả quá trình thực hiện Hợp đồng TMNX số 108, cả 5 thành viên không hề sai trái hay trễ ngày hẹn về phần nghĩa vụ của mình. Đối với con số 60.58% nghĩa vụ nêu trên, đã được nhiều chứng cứ hợp pháp chứng minh và cũng đã được thẩm tra, phúc tra rất kỹ lưỡng, có ghi rõ trong Bản án của 2 Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Trong nội dung của Quyết định KNGĐT cũng không có kháng nghị đối với vấn đề này và không có kháng nghị đối với nội dung nhận định của 2 cấp Tòa án về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam của các bị đơn và ông Huang Pao Tzu. Vì thế, đây cũng chính là một trong những mấu chốt sự thật của vụ án đã được công lý soi sáng, pháp luật Việt Nam quy định.
Hợp đồng thuê mua nhà xưởng số 108/HĐ-NX-2000 ngày 22/11/2000 |
Cần phân biệt rạch ròi về khái niệm ý nghĩa, tính chất pháp lý và bản chất sự thật của Hợp đồng TMNX số 108.
Về pháp lý, Hợp đồng thuê mua là bán trả chậm tài sản có bao gồm quyền sở hữu trong tương lai, với các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng; còn Hợp đồng thuê thì chỉ là “thuần túy thuê” và ở đây không có vấn đề về quyền sở hữu tài sản tương lai. Vì vậy 2 loại hợp đồng này hoàn toàn khác biệt về khái niệm, bản chất và tính chất pháp lý. Đây rõ ràng là những nội dung nguyên tắc cơ bản của luật định và phổ biến trong việc ký kết hợp đồng.
Về nhà xưởng và khuôn viên đất tại Lô số 7, 9, nguyên là trụ sở Công ty Quảng Hưng do 5 thành viên (các nguyên đơn), mua trả chậm (trả góp) với bản chất hợp đồng là thuê mua trả góp cho Công ty Tân Tạo theo Hợp đồng TMNX số 108. Với giá thuê mua: 9.885 USD/tháng/kỳ, trả trong 120 kỳ (10 năm), cộng với số tiền là 6 kỳ tiền cọc trả trước sẽ là tổng giá trị của 2 nhà xưởng và quyền sử dụng của diện tích khuôn viên đất nêu trên được quản lý và sử dụng theo điều khoản của Hợp đồng TMNX số 108.
Mặt khác, Hợp đồng TMNX số 108 là Hợp đồng thuê mua nhà xưởng chứ không phải Hợp đồng thuê, được chứng minh trong Báo cáo tài chính hằng năm của Công ty Quảng Hưng (của 5 nguyên đơn), Cục thuế TP. Hồ Chí Minh đều chấp nhận cho Công ty Quảng Hưng được trích “khấu hao tài sản” đang sử dụng của 2 nhà xưởng trên theo tổng giá trị của Hợp đồng TMNX số 108, chứ không có chấp nhận cho lấy số “tiền thuê mua nhà xưởng” hằng năm của Công ty Quảng Hưng được xem là khoản “chi phí kinh doanh” để trừ hết vào phần thu nhập chịu thuế theo luật định. Như vậy, Cục thuế đã căn cứ vào tính chất pháp lý của nội dung Hợp đồng TMNX số 108 (được ghi rõ tại khoản 6.1 Điều 6 của hợp đồng) thì 2 nhà xưởng trên là loại tài sản thuộc đối tượng thuê mua trả chậm, nên mới được trích “khấu hao tài sản” hằng năm theo quy định của pháp luật.
Với chứng cứ và sự thật đã rõ ràng như nêu trên, sao Quyết ddingj KNGĐT lại cho rằng: “Theo Hợp đồng thuê mua nhà xưởng nêu trên thì các bên chỉ có thỏa thuận về giá thuê mua nhà xưởng, văn phòng chứ không phải toàn bộ khuôn viên đất và các bên cũng không có thỏa thuận về chuyển nhượng hay thuê quyền sử dụng đất”? Sao lại cố tình “cải biến tính pháp lý” của Hợp đồng TMNX số 108 thành một hợp đồng thuấn túy thuê, là với mục đích gì?
Lộ rõ “chiêu bài cưỡng đoạt” 60,58% tiền thuê mua nhà xưởng của nguyên đơn!
Hồ sơ vụ án còn có Hợp đồng thuê mua nhà xưởng số: 142/HĐ-TMNX/KD-07 ngày 25/5/2007 (Hợp đồng TM số: 142”), ký giữa Công ty Tân Tạo và Công ty Ta Shuan về việc thuê mua trả chậm của 2 nhà xưởng Lô 7- 9. Trong khi, ở thời điểm này việc thuê mua trả chậm của 2 nhà xưởng Lô 7- 9, là thuộc quyền Công ty Quảng Hưng đang thuê mua và đang sử dụng (BL số: 1523=>1520).
Hợp đồng thuê mua nhà xưởng số: 142/HĐ-TMNX/KD-07 ngày 25/5/2007 |
Tuy là Hợp đồng TMNX số 142 mang số mới và ông Huang Pao Tzu lấy chiêu bài của Công ty Ta Shuan của ông để ký kết với Công ty Tân Tạo và cứ khăng khăng nói đó là 1 Hợp đồng thuê mua nhà xưởng khác biệt. Thế nhưng, nội dung của Hợp đồng TMNX số 142 thể hiện rõ là để thực hiện tiếp tục phần trả chậm còn lại chưa hoàn tất của Công ty Quảng Hưng đối với 2 nhà xưởng trên (xem nội dung trang 1 “Biên bản thỏa thuận thuê lại đất và mua bán tài sản gắn liền với đất ngày 8/8/2012 giữa Công ty Ta-Shuan với Công ty Tân Tạo” (BL số 1504=>1503).
Biên bản thỏa thuận thuê lại đất và mua bán tài sản gắn liền với đất ngày 8/8/2012
|
Trong Biên bản trên thể hiện Công ty Ta Shuan chỉ bắt đầu trả tiền thuê mua của 2 nhà xưởng Lô 7-9 từ ngày 6/7/2007 với số hóa đơn: 55016 và chỉ phải trả tổng cộng 49 kỳ đến ngày 5/5/2011 với số hóa đơn: 0000380 (thể hiện tại chứng cứ bút lục số 1504=>1503 nêu trên) Điều này chứng minh Công ty Ta Shuan chỉ có đóng trả khoảng 40% tiền thuê mua trả chậm của tổng giá trị thuê mua 2 nhà xưởng tại Lô 7- 9, đường số 1 nêu trên, nhưng mà 2 nhà xưởng đó lại đã được Công ty Ta Shuan và Công ty Tân Tạo thực hiện việc công chứng mua bán chuyển nhượng tại Ban Quản lý Hepza TP. Hồ Chí Minh (?!) Có nghĩa là Công ty Ta Shuan đã được hưởng trọn vẹn 100% giá trị tài sản và giá trị quyền sử dụng đất của 2 nhà xưởng tại Lô 7- 9, trong khi chứng cứ đã thể hiện Công ty Ta Shuan chỉ có trả khoảng 40% tiền thuê mua như nêu trên. Sự thật này, lộ rõ “chiêu bài cưỡng đoạt” khoảng 60,58% tiền thuê mua nhà xưởng của nguyên đơn!
Quan điểm và ý kiến của các nguyên đơn
Các nguyên đơn (cùng là những người cao tuổi), phản ánh: “Chúng tôi đều là công dân được sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam. Chúng tôi đã bỏ ra tiền của, công sức tâm huyết, cật lực chí thú làm ăn hợp pháp và yên ổn trên đất nước thương yêu của mình với khát vọng được góp phần xây dựng viên gạch cho nền kinh tế nước nhà. Trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh, chúng tôi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế liên tục nhiều năm liền được pháp luật công nhận. Thế nhưng, các quyền, lợi ích và tài sản hợp pháp đó của chúng tôi vốn đã được pháp luật công nhận mà cho đến nay vẫn đang bị người khác chiếm dụng trái pháp luật một cách trắng trợn!
Chúng tôi đã phải tự hỏi trong nhiều lúc, không biết Huang Pao Tzu được “thần thông quảng đại đến cỡ nào?” để mà mặc dù ông ta không có một chứng cứ gì hợp pháp cả! Cũng không hề được pháp luật công nhận là người có góp vốn hợp pháp trong Công ty TNHH Quảng Hưng. Vậy mà tại sao ông có thể đứng giữa “thanh thiên bạch nhật” ngang nhiên chiếm hữu trái pháp luật chủ quyền hợp pháp của một doanh nghiệp tư nhân trong nước (doanh nghiệp của chúng tôi) mà chưa bị xử lý theo pháp luật?
Chúng tôi luôn tin tưởng vào Đảng và Nhà nước là công lý của pháp luật chế độ ta vẫn có đó! Không sớm thì muộn cũng nhất định công lý sẽ được thực thi và chắc chắn không thể bị khuynh đảo lẽ phải. Đây cũng là niềm tin duy nhất để chúng tôi gắng sức gượng dậy trong ngần ấy năm trời, liên tục đội đơn kêu oan khắp nơi, theo đuổi vụ án suốt hơn mười mấy năm năm trời, mong mỏi ngóng chờ có ngày ánh sáng công lý sẽ đến và được thực thi cho dù là muộn. Chúng tôi sẽ theo sự việc đến cùng để bảo vệ danh dự, tài sản tâm huyết hợp pháp của gia đình chúng tôi.
Công ty TNHH Quảng Hưng trước khi bị “nuốt chửng” giữa “thanh thiên bạch nhật” |
Nay các nguyên đơn chúng tôi được hai cấp Tòa án buộc các bị đơn phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường lại phần quyền lợi ích tài sản đã được nguyên đơn chứng minh là trị giá tương đương 60,58% của tổng giá trị tài sản và giá trị QSDĐ của 2 nhà xưởng tại Lô 7- 9, đường số 1, KCN Tân Tạo, là hoàn toàn có căn cứ và đúng theo quy định của pháp luật. Do vậy, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu được xem xét thu hồi, hủy bỏ Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 01/2022/KN-KDTM ngày 12/1/2022 của TAND Tối cao".