Triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững
Xã hội 21/06/2023 09:10
Giáo dục nghề nghiệp tạo việc làm bền vững
Để thực hiện được các mục tiêu giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 860/QĐ-UBND ngày 6/5/2022, thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025, để xây dựng các kế hoạch thực hiện các chính sách, dự án, hoạt động của chương trình lồng ghép vào các chương trình kinh tế - xã hội, phong trào của địa phương và tuyên truyền về các chính sách, dự án giảm nghèo; tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, dự án cũng như các hoạt động thuộc chương trình được triển khai trên địa bàn tỉnh. Nam Định đã triển khai hiệu quả các dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo.
Trong 5 dự án/tiểu dự án, tiểu dự án 1 - phát triển giáo dục nghề nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đang tiến hành đào tạo được 10 lớp (336 người) với số kinh phí là 1.122 triệu đồng, đạt 16% (huyện Hải Hậu, huyện Xuân Trường, huyện Nam Trực).
Tại tiểu dự án 2 - hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc. Toàn tỉnh tổ chức 8 hội nghị tập huấn hướng dẫn ghi chép Phiếu thông tin người tìm việc cho cán bộ cơ sở tại địa phương; tổ chức 1 hội nghị tập huấn hướng dẫn ghi chép Phiếu thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động; xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giao dịch việc làm với quy mô lớn (với 30 doanh nghiệp và 1.000 người lao động tham gia);... Bên cạnh đó, tổ chức thu thập 148 Phiếu thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động và cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); thu thập 1.399 Phiếu thông tin người tìm việc. Thực hiện làm sạch, đánh mã, nghiệm thu phiếu và cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Bộ LĐ-TB&XH...
100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các chính sách giảm nghèo
Nhờ thực hiện các giải pháp lồng ghép mục tiêu giảm nghèo với thực hiện Chương trình phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế để tạo mở việc làm. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối thông tin thị trường lao động. Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất, các chính sách tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay học sinh sinh viên, cho vay phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách trợ cấp, trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Tiếp tục thực hiện và hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ bảo đảm giáo dục tối thiểu, bảo đảm y tế tối thiểu, bảo đảm nhà ở tối thiểu, bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo đảm thông tin cho người dân, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, kết quả việc đa dạng hóa nguồn vốn huy động có sự chuyển biến. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tăng nguồn vốn từ ngân sách địa phương. Chú trọng tăng nguồn vốn cho vay tín dụng. Tích cực vận động ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân; bảo đảm có vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, các đối tượng thụ hưởng. Sự tham gia của người dân được bảo đảm trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện các Chương trình, kế hoạch giảm nghèo bền vững. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, chấn chỉnh kịp thời tại địa phương, cơ sở những sai sót trong thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, thực hiện chính sách giảm nghèo. Năng lực chính quyền cơ sở và cán bộ làm công tác giảm nghèo được nâng lên một bước.
Sau 1 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉ lệ hộ nghèo chung của tỉnh từ 1,74% (cuối năm 2021), giảm xuống còn 1,32% (cuối năm 2022). Dự tính đến cuối năm 2023, tỉ lệ nghèo đa chiều (gồm tỉ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) giảm 0,6%.
100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách giảm nghèo; từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống; bảo đảm giảm nghèo bền vững. Công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 182/204 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, về tiêu chí hộ nghèo theo quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 6/6/2018 của UBND tỉnh; 7 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Chia sẻ về công tác triển khai, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định cho biết, để thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, các chính sách giảm nghèo đã ban hành, bao gồm cả các chính sách do Trung ương và địa phương ban hành đều được các địa phương trong tỉnh quán triệt thực hiện đầy đủ. Quá trình thực hiện chưa có địa phương nào phản ánh có khó khăn, vướng mắc trong triển khai, tổ chức thực hiện chính sách đã có tác động tích cực đến kết quả thực hiện.
Về định hướng thực hiện chương trình trong giai đoạn 2026-2030, theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định, những năm tiếp theo, sau khi Trung ương giao kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh sẽ phân bổ kinh phí cho các cơ quan của tỉnh và các huyện, thành phố để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo nhằm tăng thu nhập cho người nghèo, người cận nghèo. Phấn đấu đến cuối năm 2030, tỉnh không còn hộ nghèo (trừ những trường hợp thuộc diện không có khả năng lao động hoặc do tai nạn rủi ro bất khả kháng hoặc do bệnh hiểm nghèo).
Đồng thời, qua quá trình thực hiện Chương trình, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi quyết toán việc thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo theo thời gian thực hiện dự án để phù hợp với thực tiễn.