Trách nhiệm, niềm vui của một “nhà thơ”
Tuổi cao gương sáng 14/03/2024 10:02
Nghỉ hưu về sinh hoạt tại địa phương, cụ được hội viên CCB bầu vào Ban chấp hành (BCH) chi hội, làm Phân hội trưởng phân hội 4, với gần 50 hội viên. Với ý thức trách nhiệm của một CCB, tinh thần “tuổi cao mẫu mực” của NCT, cụ cùng với phân hội phó nắm bắt, tìm hiểu tình hình hội viên để đưa ra chương trình nội dung hoạt động thiết thực, phù hợp với địa bàn dân cư. Cụ tham gia với BCH chi hội xây dựng quy chế quản lí và sử dụng quỹ hội, dành phần lớn cho việc thăm hỏi hội viên ốm đau nằm bệnh viện; hỗ trợ, giúp đỡ những hội viên khó khăn và đề nghị Hội cấp trên cho hội viên có nhu cầu vay vốn làm kinh tế gia đình.... Khi tuổi cao, cụ xin thôi nhiệm vụ phân hội trưởng CCB nhưng lại được hội viên NCT tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ hội NCT.
Cụ Hồng (ngồi thứ 2 trái sang) cùng các thành viên CLB Thăng Long |
Cụ tâm sự: Được hội viên tin tưởng là niềm hạnh phúc, là niềm vui nên phải cố gắng để không phụ tấm lòng của hội viên. Do đã nắm bắt được tình hình hội viên vì nhiều hội viên CCB cũng là hội viên NCT nên cụ đã nhanh chóng cùng với ông tổ phó đưa ra nội dung hoạt động thiết thực, phù hợp, trong đó chú trọng việc chăm lo đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần cho NCT nên được đông đảo hội viên phấn khởi tham gia. Kết thúc ba nhiệm kì tổ trưởng tổ hội NCT, cụ giới thiệu người thay thế và xin thôi nhiệm vụ tổ trưởng để có nhiều thời gian dành cho thơ ca.
Vốn hay thơ, thích làm thơ từ khi còn trong quân ngũ nên cụ thường quan sát các hoạt động diễn ra trong cuộc sống, từ đó có những cảm nhận sâu sắc viết thành những câu thơ thể hiện tình yêu đất nước, quê hương. Cụ có thơ in chung với nhiều tác giả, thơ đăng trên các báo, tạp chí của Trung ương, Hà Nội và đã xuất bản 4 tập thơ riêng.
Trong hàng trăm bài thơ của cụ, cùng với những bài ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ là những bài về quê hương, đất nước, như bài “Nôi cách mạng”, viết về xã Võng La quê cụ có câu: Võng La quê mẹ anh hùng/ Cái nôi cách mạng lẫy lừng chiến công/… Cuối năm một chín bốn hai/ Khởi đầu chi bộ ba người lập ra. Cụ cũng có “góc riêng” dành cho người vợ yêu thương trong bài “Thương bà ngoại”: Qua thời thanh niên xung phong/ Tám mươi tuổi ngọc bà thong dong cười/Vết thương đau buốt vẫn vui/ Vui vì có cháu ngoại rồi cậy trông. Bà ngoại trông cháu giúp bởi mẹ cháu bận việc cơ quan, còn bố cháu thì đang làm nhiệm vụ canh gác nơi đảo xa và cụ viết: Bố cháu đang ở Trường Sa/ Nhiều năm giữ đảo, thăm nhà qua thư… Bận việc trông cháu nhưng hai cụ vẫn cùng nhau đi bộ thể dục và cụ bà vẫn nhớ nhắc cụ ông uống thuốc, cụ viết: Ông bà đi bộ thong dong/ Giờ về uống thuốc nhắc ông hằng ngày. Tâm hồn thơ luôn giúp cụ vui vẻ lạc quan: Ngoại tám mươi xuân chưa thấy già/Vũng Tàu, Đà Lạt tới Sa Pa/ Trang thơ lan tỏa đi muôn nẻo/ Ta cùng vui thú bạn đường xa.
Cụ thường xuyên tham gia sinh hoạt bộ môn thơ CLB Thăng Long, cùng giao lưu với các thi hữu sẻ chia những vần thơ hay, những tứ thơ mới. Cụ chia sẻ: “Cuộc đời mỗi người tuy không dài nhưng nếu cố gắng đóng góp sức mình xây dựng cuộc sống tốt đẹp thì từ đó sẽ tìm được niềm vui, hạnh phúc”.