Tình yêu nhóm lại
Truyện ngắn 30/08/2019 09:00
Cả làng Trịnh vẻ vang bởi có một nghệ sĩ chèo nổi tiếng khắp cả nước. Tên bà nổi danh từ những năm kháng chiến chống Pháp. Khi ấy làng Trịnh còn thuộc vùng tề, xen kẽ giữa ta và địch. Bốt Vương chỉ cách 3 cây số nhưng đại bác câu từ bốt ra vượt mấy cánh đồng, bay từ làng Vương sang làng Trịnh, dân hú vía nhiều phen.
Ngày ấy, Mơ - bông hoa nhỏ của làng là một cô bé xinh xắn 10 tuổi. Say chèo đến nỗi cô trốn mẹ đi xem gánh hát chèo của cụ Nguyễn Đình Nghi đến quên ăn. Khi đội chèo của cụ Nghi lớn mạnh thành một đoàn, rồi ra Hà Nội lập nhà hát chèo nổi tiếng một thời. Bé Mơ theo các anh bộ đội làm anh nuôi. Khi đoàn chèo khu Tả Ngạn sông Hồng thành lập, Mơ có giọng hát hay nên được tuyển vào làm diễn viên. Cô trưởng thành từ vai diễn phụ rồi lên vai chính. Hoàng Mơ biểu diễn phục vụ bà con vùng tề được nhiều người mến mộ. Hoàng Mơ thuộc dàn diễn viên đầu tiên của đoàn chèo Tả Ngạn được phong nghệ sĩ. Người ta nhớ đến nghệ sĩ Hoàng Mơ với vai Thị Mầu lên chùa trong Quan âm Thị Kính, hay Trưng Trắc trong Trưng Nữ Vương, giọng hát của bà rung động nhiều trái tim. Ấy vậy, mà người nghệ sĩ này cho đến khi nghỉ hưu vẫn phòng không, đơn chiếc. Hi sinh cả đời mình cho nghệ thuật, đến khi về hưu Hoàng Mơ vẫn không lấy chồng. Thật hiếm có một người nghệ sĩ như vậy.
Minh họa Trần Nhương |
Thời con gái, Hoàng Mơ là người đẹp của làng, không phải không có người đến hỏi. Thực ra Đông - người con trai thầm yêu trộm nhớ ấy là người cùng quê, tham gia Vệ quốc đoàn, vẫn thường đánh tiếng. Nhưng Hoàng Mơ nói: “Đang thời bom rơi đạn nổ mỗi người một nơi, nên để khi nào kháng chiến kết thúc nghĩ đến cũng chưa muộn”. Nhưng rồi tin sét đánh bất ngờ đưa đến. Đông hi sinh trong một trận chiến đấu không cân sức ở đèo Giàng. Mối tình đầu của bà với Đông thật là đẹp. Mơ cất giữ tấm hình người yêu trong tim mãi cho đến khi chiến dịch bùng nổ. Trong một đêm biểu diễn phục vụ bộ đội chiến đấu, Mơ lại gặp Đình người cùng làng và cũng là em ruột của Đông, thuộc bộ đội tiểu đoàn đồng bằng chi viện cho bộ đội chủ lực để kìm chân không cho chúng chi viện lên Điện Biên Phủ. Thế là tình yêu đã nảy nở. Lúc ấy khi gặp Đình, Mơ còn gửi một tấm khăn thêu hứa hẹn nếu chiến dịch kết thúc cùng về quê hỏi gia đình, xây dựng với nhau. Nhưng cuộc hẹn lại nhỡ nhàng một lần nữa. Đơn vị của Đình thì cứ tiến về mặt trận. Còn Mơ thì theo đoàn văn công về hậu phương, mỗi người một ngả. Mơ lao vào con đường nghệ thuật, còn Đình được phong hàm Trung tá trong một trận đánh thắng địch ở đường 5, tiếp tục tham gia chiến dịch cho đến khi trận Điện Biên Phủ giành thắng lợi hoàn toàn. Tình yêu lúc ấy thật đơn giản. Lao vào chiến đấu với đồng đội khi nhớ, khi quên. Trường hợp của Mơ và Đình là vậy. Họ ngây thơ và mơ hồ cả về tình yêu và việc dẫn đến hôn nhân. Việc xây dựng vợ chồng là có sự sắp đặt chứ không như bây giờ. Thời ấy, anh bộ đội Đình được dân làng gán ghép với cô Lan, bố mẹ cho rằng cả hai bên đều là dòng họ vai vế ở làng nên lên đôi lên đũa. Đình bỏ lỡ mối tình với Mơ là do bố mẹ còn phong kiến, kiên quyết không cho lấy Mơ vì quan niệm “xướng ca vô loài”.
Sau khi biết Đình đã cưới vợ, Mơ chết lặng đành âm thầm lao vào vai diễn, quên đi mối tình thứ hai từ đấy. Cũng rất nhiều người tỏ tình nhưng cô đều không chấp nhận. Cứ thế, khi đến tuổi về hưu, bà chọn một căn nhà trong ngõ nhỏ khu phố Cầu Đất để ở với đứa cháu gái cho yên tĩnh tuổi già …
Mãi hôm vừa rồi có thằng cháu ở quê ra chơi, nói là quê sắp đón bằng công nhận Làng Văn hóa, bà Mơ có ý định về thăm quê, vừa là dối già, vừa dự lễ hội gặp bà con làng xóm, họ hàng.
* *
*
Chiếc xe taxi Mai Linh màu xanh lá cây đỗ xịch trước cổng chào có ghi dòng chữ “Làng văn hóa Trịnh”. Bước xuống xe là một bà dáng điệu lịch lãm. Người ấy là Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Mơ. Mấy chục năm xa quê, bây giờ trở về nhìn cái gì cũng lạ. Từ cây cầu bắc qua sông Chiềng Quang đến tháp nhà thờ Cát Tiên đều tân trang lại mới mẻ, chứ không mốc thếch như thời bà còn trẻ. Một tay bà ôm bó hoa và tay kia xách chiếc túi da đồi mồi, khoan thai bước vào sân khu nhà văn hóa thôn. Một người chạc tuổi 50, đeo phù hiệu hội nghị với bông hồng cài trước ngực, cổ thắt chiếc cà vạt màu mận chín ra đón tiếp, miệng lúc nào cũng nở nụ cười tươi tắn:
- Cháu chào Nghệ sĩ Hoàng Mơ! Xin mời cô vào hội trường, mời cô ngồi lên hàng ghế đầu nhé!
- Cháu có phải là Bảng, con bố Đình không hả?
- Vâng! Đúng đấy cô ạ! Bố cháu vẫn nhắc đi, nhắc lại là nếu cô về dự hội nghị thì mời bằng được về nhà chơi. Bố cháu có câu chuyện muốn nói.
- Ừ nhất định cô sẽ rẽ về thăm bố cháu!
Sự hiện diện bất ngờ của Hoàng Mơ, khiến cả hội nghị đều đổ dồn vào bà. Cả hội trường trong và ngoài đều lao xao. Họ dự họp như để tò mò nhìn rõ mặt người nghệ sĩ của làng như thế nào, chứ đâu có để ý đến hội nghị. Khi tiếng loa truyền thanh truyền đi tin hội nghị thấy người ta giới thiệu Nghệ sĩ Hoàng Mơ lên hát tặng hội nghị một bài hát chèo. Bà hát xong rồi, cả hội trường vỗ tay như pháo, họ yêu cầu bà hát lại. Rồi bà hát bài thứ hai, người ta lại yêu cầu hát lại lần nữa cho tới bốn, sáu, tám lần… thành ra hội nghị dành đến quá nửa thời gian cho chương trình văn nghệ, mà chủ yếu là nghe giọng hát của Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Mơ.
Dự xong hội nghị, Hoàng Mơ đi thẳng về nhà ông Đình. Từ xa bà đã nhìn thấy ngôi biệt thự sơn màu xanh sẫm, trong một vườn cây trái bao quanh, trông như một khách sạn sinh thái của đại gia. Chiếc cổng vẫn rộng mở và một ông già mặc quân phục, ngực đầy huân chương đang đứng đợi.
- Chị Hoàng Mơ!
- Anh Đình! …
Hai người nhìn nhau nghẹn ngào, lặng đi một lúc không ai nói được nên lời.
- Mời chị vào nhà! Đi xa thế này có mệt không?
- Già rồi, làm sao mà cưỡng được cái mệt, hả anh!
- Chị ngồi để bảo cháu pha cốc bột sắn chị uống cho đỡ mệt!
Lúc này Hoàng Mơ mới nhìn vào chiếc tủ kính, bên trong treo đầy huân chương và những kỉ vật của ông Đình, xen kẽ bên những tấm huân chương là chiếc khăn thêu của bà tặng ông năm xưa.
Bỗng bà buột miệng:
- Anh vẫn giữ tấm khăn của em à?!
- Kỉ vật mà! Làm sao mà không giữ trọn cuộc đời…
Hoàng Mơ lảng sang chuyện khác:
- Thế từ nãy tới giờ không thấy chị ấy đâu?
Ông Đình nói trong thở dài:
- Mất rồi… làm gì còn mà thấy. Bà ấy đẻ thằng Bảng rồi băng huyết ra đi để một mình tôi gà trống nuôi con…
- Vậy à! Tuổi già ở mãi một mình thế này mà không sợ ốm đau sao?
- Đời lính quen rồi! Với lại, có đứa cháu con thằng bạn đến giúp ông cơm nước nên vẫn vui. À! Mà mải chuyện mời chị ở lại chơi với tôi vài hôm nhá!
- Không được! Tôi phải về ngay. Câu lạc bộ khu phố hẹn chương trình văn nghệ rồi…
Lúc ấy Bảng ở ngoài bước vào. Nó nói:
- Bác và bố cháu là bạn bè từ thuở còn trẻ, nay gặp nhau lúc về già mà bác chỉ dành cho bố cháu mấy tiếng thì làm sao nói hết câu chuyện…
- Để đến khi khác, bác về sẽ ở lại với bố con cháu vài ngày. Chỉ sợ không có cơm nuôi bác thôi!
Bà nói vậy chứ quả thực trong thâm tâm bà nhớ tới cái thuở gặp ông Đình ở mặt trận đường 5. Ngày ấy cách đây năm, sáu chục năm những kỉ niệm thời trẻ cứ ào về như đốm lửa nhóm lên từ lúc nào.