Tiếng trống trăm năm
Đời sống 20/07/2024 08:10
Nhịp điệu cha ông
Thoang thoảng từ đầu thôn đến cuối thôn, mùi gỗ mít vương vấn, xen lẫn là tiếng cưa xẻ, tiếng máy mài gỗ, cả những tiếng trống vang lên từng nhịp như nhịp thở của làng trống hơn 200 năm tuổi này.
Một điều độc đáo, đó là nghề làm trống ở Lâm Yên (xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) là nghề “gia truyền” nối qua nhiều thế hệ. Dòng họ Phan đã khai sinh ra nghề trống từ hơn 200 năm trước. Ông tổ nghề là Phan Công Thiên, quê gốc ở Hải Dương. Trong cuộc “Trịnh - Nguyễn” phân tranh, ông cùng gia đình đã “Nam tiến” và chọn Lâm Yên làm nơi dừng chân và mưu sinh bằng nghề này. Và điều đặc biệt là các hộ theo nghề trống hầu hết đều mang họ Phan. Có nhiều gia đình 6-7 thế hệ đều theo nghề làm trống.
Ở làng trống này, có những người đã gần 75 tuổi như ông Phan Văn Hai vẫn tham gia làm trống với đôi tay còn cứng cáp, đôi mắt vẫn tinh tường và đôi tai vẫn nghe rõ từng loại trống. Mấy mươi năm làm trống, nhiều người đã trở thành lão làng và còn nắm giữ nhiều bí quyết làm trống của làng nghề. Người làng trống Lâm Yên có bí quyết riêng để tạo ra những chiếc trống bền, đẹp, có tiếng vang. Họ truyền nhau “bí kíp” từ thế hệ này sang thế hệ khác để duy trì và phát triển nghề truyền thống của cha ông.
Làng trống Lâm Yên hiện nay có 6-7 hộ làm trống thường xuyên. |
Để làm 1 chiếc trống Lâm Yên mất khoảng từ 3 đến 5 ngày nếu nguyên liệu có sẵn, cũng có khi mất đến gần cả tháng trời. Để có được những chiếc trống bền đẹp, phải trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, khâu xử lí da trâu và bịt miệng trống vẫn là công đoạn quyết định nhất đến chất lượng. Người thợ phải khéo tay, tỉ mẩn để kéo căng đều miếng da trâu vừa dai vừa dày, bịt kín 2 đầu miệng trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chốt làm từ tre già. Đây là bước điều chỉnh âm thanh cao thấp nên chỉ có những người “rành” nghề mới có thể xử lí được bài bản, đạt chuẩn.
Người làm trống phải có kinh nghiệm dày dặn và biết cách chọn nguyên liệu từ da trâu, gỗ… cho đến cảm âm của trống. Một sản phẩm trống Lâm Yên được xem là chuẩn thì phải trải qua quy trình làm trống vô cùng khắt khe và kĩ lưỡng. Một chiếc trống được xem là chuẩn âm là trống khi đánh vào có tiếng “bầm”, hoặc tiếng “tang” tùy theo từng loại trống.
Thợ làng Lâm Yên có thể làm được nhiều loại trống khác nhau như trống đội, trống đại, trống dùng trong đình, chùa, trống múa lân sư rồng, trống hội với kích thước đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dùng. Một điều đặc biệt của kĩ thuật làm trống ở Lâm Yên, đó là ngoài loại trống tang ghép, thì còn một loại trống với tang được làm từ gỗ nguyên khối.
Anh Phan Văn Hiệp là truyền nhân đời thứ 6 của làng trống ở Lâm Yên. |
Ông Phan Thiệp (65 tuổi) cho biết, trống với tang làm từ gỗ nguyên khối gọi là trống dăm luông. Để làm nên một chiếc trống dăm luông thì phải có khối gỗ tốt, người thợ phải dùng nhiều ngày để đục rỗng ruột, rồi phơi vài tháng tùy kích thước. Sau đó mới đến công đoạn trang trí tinh xảo, bịt da trâu, hiệu chỉnh âm thanh. Trống dăm luông thường có kích thước lớn nên nhiều người gọi vui là trống khổng lồ. Giá trị của loại trống dăm luông này khá cao bởi công chế tác vô cùng tinh xảo, cùng với đó là những thân cây gỗ nguyên khối được nhập khẩu từ nước ngoài về với giá đắt đỏ. Tùy theo kích thước mà có giá từ vài triệu, vài chục thậm chí hàng trăm triệu đồng. Ở làng trống này ông Phan Văn Hiệp (truyền nhân đời thứ 6 của nghề làm trống Lâm Yên) từng chế tác một chiếc trống dăm luông với giá gần 700 triệu đồng. Cũng có những chiếc trống kèm chân đế được đặt hàng đặc biệt nặng tới 5 tấn với đường kính 1,8m, chiều dài 2,1m. Hay chiếc trống đặt hàng có đường kính 1,2m, chiều dài 1,9m người thợ phải làm vài tháng mới hoàn thành.
Chênh vênh sức sống làng nghề
Tiếng trống trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người Việt. Từ tiếng trống trường, trống hội, đến tiếng trống trong các trò chơi dân gian, trong dàn nhạc truyền thống… tất cả đã trở thành kí ức của nhiều thế hệ.
Làng nghề làm trống Lâm Yên cũng vì thế nổi tiếng và được biết đến như một sản phẩm đặc trưng của xứ Quảng. Mang nghề trống từ miền Bắc vào mảnh đất này theo những chuyến thiên di từ hàng trăm năm trước, người làng trống không chỉ giữ nghề, mà một thời còn làm cho nghề làm trống phát triển mạnh mẽ.
Những chiếc trống Lâm Yên trở thành một phần không thể thiếu gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của con người nơi đây |
Trong một năm, người làm trống Lâm Yên bận rộn nhất là từ tháng 7 đến tháng Giêng Âm lịch. “Dịp rằm tháng 7 thì các dòng họ mua để phục vụ tế tổ, tháng 9 thì các trường học đặt trống trước mùa tựu trường, dịp đầu năm thì các địa phương mua phục vụ các lễ hội. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng có nhu cầu mua trống quanh năm”, ông Phan Hiệp, một thợ làm trống cho hay. Là một trong những hộ sản xuất lớn ở làng trống Lâm Yên, trống của ông Phan Hiệp thường được đặt hàng từ trước.
Nghề làm trống đã gắn bó với người dân nơi đây hơn 200 năm, dù trải qua nhiều khó khăn, nơi đây vẫn giữ nghề như một nét văn hóa riêng. Để làng nghề sống dậy, năm 2012 chính quyền các cấp đã thành lập HTX làng nghề truyền thống trống Lâm Yên, hỗ trợ làng nghề kinh phí, kĩ thuật, hỗ trợ sản phẩm đưa đi trưng bày, triển lãm tại nhiều hội chợ trong và ngoài nước cũng như các yêu cầu khác.
“Nhưng làng nghề đang chông chênh hơn bao giờ hết khi số hộ làm trống ngày một giảm, chỉ còn chừng 6-7 hộ đăm đắm theo nghề, những người yêu nghề thật sự nuối tiếc”, ông Phan Văn Hiệp, Chủ nhiệm HTX làng nghề truyền thống trống Lâm Yên cho biết.
Trước đây, mỗi năm Lâm Yên cung ứng ra thị trường gần 2.000 trống các loại. Trống của làng Lâm Yên không hề kém cạnh các loại trống sản xuất tại làng nghề khác, thậm chí tiếng vang, độ bền còn được đánh giá rất cao nên nhiều người từ miền Bắc, miền Nam cũng liên hệ đặt hàng. Tuy nhiên thời gian gần đây, vì hạn chế về nguyên vật liệu, nhân lực làm nghề nên nhiều loại trống nhỏ không còn được chú trọng sản xuất, thay vào đó là những đơn đặt hàng các loại trống lớn từ khắp nơi.
Ông Phan Văn Hiệp, chia sẻ thêm: “Hiện nay chúng tôi đã thành lập hợp tác xã làm trống để kết nối giúp người dân. Khó khăn nhất hiện tại vẫn là nguyên vật liệu và nhân lực để tạo ra các sản phẩm”.
Giá trị văn hóa của tiếng trống được kết tinh từ hàng nghìn đời nay, nhờ có tiếng trống, các lễ hội, các trò chơi dân gian và cả trong những trận chiến như thêm phần rộn rã và được tiếp thêm sinh lực. Tiếng trống như sợi dây vô hình nối quá khứ với hiện tại. Làng trống Lâm Yên dẫu đang gặp nhiều gian nan, nhưng ở đó vẫn có những người làm trống tâm huyết với nghề, để tiếng vọng của những chiếc trống Lâm Yên trở thành một phần không thể thiếu, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của con người nơi đây.