Thương binh nặng vượt khó nuôi con thành đạt
Tuổi cao gương sáng 10/07/2024 10:15
Thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 1971 ông xung phong lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc vào đơn vị 117 đặc công. Sau một thời gian huấn luyện tại đơn vị, ông được nhận nhiệm vụ chiến đấu tại hai trọng điểm ác liệt nhất là Sài Gòn và Gia Định.
Sáng ngày 30/4/1975, để hợp đồng chiến đấu cùng các binh chủng trận đánh cuối cùng Tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là kết thúc trận đánh, không may ông bị thương gãy xương đùi, 3 xương sườn và vỡ ổ bụng mất máu nhiều nên bị choáng ngất. Được các bác sĩ tận tình cứu chữa, cùng lòng quyết tâm chiến đáu với thương tật, từ cái chết ông trở về cuộc sống.
Tháng 7/1977 vết thương tạm ổn định, ông chuyển về Đoàn 585. Năm 1990, ông về gia đình được chăm sóc nuôi dưỡng theo chế độ thương binh nặng loại đặc biệt với tỉ lệ thương tật 85% do Sở Thương binh - Xã hội tỉnh Thanh Hóa quản lí. Mặc dù vết thương nặng, ông vẫn tham gia sinh hoạt và đóng góp đầy đủ ở các đoàn thể, tổ chức xã hội.
Ông xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Dậu là đảng viên, cán bộ thú y. Bà Dậu là người phụ nữ giỏi việc xã, đảm đang việc nhà, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ hai bên, có công chăm sóc, động viên chồng là thương binh nặng 43 năm trời ròng rã không chút phàn nàn kêu ca.
Ông bà có 3 người con, 2 gái, 1 trai, 2 con rể và 1 con dâu ai cũng được ăn học đến nơi đến chốn, đều tốt nghiệp đại học, là đảng viên, cán bộ Nhà nước; đã có nơi ở riêng, kinh tế phát triển bền vững. Ông bà có 5 cháu nội ngoại nhiều cháu là con ngoan trò giỏi.
Có được thành quả tốt đẹp như vậy trước hết là nhờ sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương đối với gia đình có công với nước cả về tinh thần lẫn vật chất. Cùng với nghị lực vượt khó vươn lên không ngừng để chiến thắng thương tật, còn sống còn chiến đấu và làm việc đến hơi thở cuối cùng; ông tranh thủ khi vết thương ổn định để làm vườn, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, cơm nước, trông cháu để vợ con yên tâm học tập, công tác và tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Đặc biệt, gần đây gia đình ông bà đi đầu trong phong trào hiến đất, phải dỡ nhà bếp, phá tường rào để mở rộng đường nông thôn mới. Tích cực ủng hộ Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ nghĩa tình đồng đội, Quỹ khuyến học, khuyến tài cho gia đình, dòng họ và quê hương với tinh thần trách nhiệm cao.
Trải qua quá trình chiến đấu và công tác trong quân ngũ cũng như về địa phương sinh sống, thương binh đặc biệt Đào Đức Thìn lập được nhiều thành tích đáng trân trọng, được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương: Huân chương Giải phóng hạng Hai và Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Bằng khen của Quân khu miền Đông, Bằng khen của Bộ đội đặc công, danh hiệu Chiến sĩ thi đua...
Tấm gương sáng về tinh thần, ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên nuôi con học hành thành đạt của cựu chiến binh, thương binh loại đặc biệt Đào Đức Thìn luôn thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”