Thức tỉnh lương tâm
Cùng suy ngẫm 26/05/2023 10:30
Một nhà báo VOV mở đầu: “Như mọi năm, đúng ngày 24/1 âm lịch, bà con làng Hà My, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam soạn lễ cúng 135 người dân của làng bị lính Đại Hàn thảm sát thời chiến tranh. Điều khác trước, lần này có nhiều khách Hàn Quốc có mặt. Họ là thành viên Quỹ Hòa bình Hàn - Việt đến tạ tội về những tội ác mà binh lính Đại Hàn đã gây ra”.
Nhà báo mở ghi âm, mời các cụ nghe ông Kim Chang Sup, Trưởng đoàn đọc thư xin lỗi trước bia tưởng niệm các nạn nhân: “Đến Hà My, chúng tôi hứa với bà con trong làng rằng, sẽ luôn nhớ vụ việc xảy ra vào tháng Giêng năm 1968. Xấu hổ thay, đứng ở đây ngày hôm nay, chúng tôi cũng chỉ có thể thốt ra những lời như vậy. Chúng tôi xin lỗi các bạn, những người đã hơn 50 năm mỗi sáng, mỗi chiều lại dâng hương cho người đã mất. Sinh mệnh của 135 người đã dừng lại trong ngày đau thương ấy, nhưng sẽ còn sống mãi trong kí ức của chúng tôi".
Nhà báo VTV bình: “Con người ta có thể đánh mất thứ này thứ nọ, nhưng không thể để mất lương tâm. Ở vụ thảm sát dân làng Hà My, người Hàn Quốc thế hệ sau đã tới xin lỗi cho thế hệ trước. Chúng ta cũng nhận ra cảnh ấy ở cả lính Mỹ bị đẩy sang Việt Nam gây tội ác. Kẻ trước người sau, nhưng cái hay là chính họ đã trở lại Việt Nam xin lỗi”.
Rồi nhà báo VTV mở camera ghi lại cảnh UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ tưởng niệm 55 năm ngày 504 thường dân làng Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê bị sát hại vào sáng 25/2 năm Mậu Thân. Dưới chân tượng đài Sơn Mỹ hiện rõ cảnh ông Mike Boehm, cựu binh Mỹ vượt nửa vòng trái đất về đây kéo vĩ cầm tưởng nhớ các nạn nhân. Một cựu binh Mỹ khác tên Billy Kelly sức yếu không sang Việt Nam được, đã gửi 504 bông hồng đủ màu sắc thành kính nguyện cầu 504 linh hồn thường dân Sơn Mỹ.
Tiếp nữa, một cụ từng lăn lộn trên “chiến trường” ngoại giao kể chuyện ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, nhằm tô đậm chủ đề “Thức tỉnh lương tâm”: Khi Đại quân ta tiến vào Sài Gòn 30/4/1975, ông Kỳ chạy sang Mỹ. Sau 30 năm đầy suy tư, ông trở về Việt Nam bày tỏ lòng mình trong một cuộc họp báo: “Tôi vẫn hay nói với các anh em hải ngoại rằng, tôi cũng đã từng chiến đấu với họ và họ cũng như tôi đều mong muốn sẽ có được một chiến thắng cuối cùng để mình thống nhất xứ sở. Bởi vì đó là nhiệm vụ lịch sử của mỗi một người công dân Việt. Nhưng tôi và họ đã không làm được việc đó, những người anh em bên kia (chỉ lực lượng cách mạng) đã làm được thì mình phải chấp nhận, đó là lịch sử, và đất nước đã được thống nhất rồi. Bây giờ họ còn ngoái cổ nói "Phục quốc”. “Phục quốc" là cái gì? Nước Việt Nam có mất cho Tây, cho Tàu đâu mà nói phục quốc? Tôi đã bảo họ rằng, họ thật sự yêu nước thì phải biết ngồi im mà suy nghĩ, đừng có đi theo một lũ côn đồ hám danh, hám lợi, lừa gạt mọi người!”