Thành Nhà Hồ ở xứ Thanh - Di sản “vô tiền khoáng hậu”
Vào một ngày cuối tuần, tôi cùng nhóm bạn thân rủ nhau về xứ Thanh, thưởng thức hương vị biển Hải Tiến và thăm một số di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Được sự hỗ trợ của Ban Quản lí Di tích Thành Nhà Hồ, chúng tôi đã có buổi trải nghiệm thật ý nghĩa. Càng cảm thấy thêm yêu quý, trân trọng và tự hào về những di sản quý mà chúng ta đang có, để rồi hiểu hơn, trách nhiệm hơn với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản… |
Hướng dẫn viên Triệu Thị Hương xinh tươi, duyên dáng trong tà áo dài vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm thành. Hương kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về kinh đô nước Đại Việt, Đại Ngu xưa; câu chuyện Hồ Quý Ly xây thành và về kiến trúc độc đáo của tòa thành khiến du khách trong và ngoài nước không ngớt lời thán phục. Em hướng dẫn chúng tôi tại các điểm check in, chỉ cho chúng tôi xem những phiến đá xếp chồng lên nhau và nói: Đến nay, chúng ta vẫn chưa biết là bằng cách nào người xưa lại có thể làm ra những phiến đá khổng lồ, nặng nề mà lại xếp lên nhau được như thế? |
Thành Nhà Hồ là một tòa thành đá độc đáo, kì vĩ duy nhất ở Đông Á, Đông Nam Á cuối thế kỉ XIV đầu thế kỉ XV, nằm trên địa phận huyện Vĩnh Lộc, vào thời Trần vùng đất này có tên gọi là động An Tôn. Đây là công trình “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng kinh thành nước ta thời phong kiến. Hiện nay, thành thuộc địa phận các thôn Xuân Giai, Tây Giai (xã Vĩnh Tiến), thôn Đông Môn (xã Vĩnh Long) huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Di sản Thành Nhà Hồ còn có các tên gọi khác như thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Giai… là kinh đô của nước Đại Việt, vương triều Trần (1398 - 1400) và kinh đô nước Đại Ngu dưới vương triều Hồ (1400 - 1407). Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397; bao gồm: Thành nội, la thành, đàn Nam giao (đàn tế trời) rộng trên 155ha và được bao bọc bởi một vùng đệm rộng đến trên 5.000ha. |
Các cổng vào Thành Nhà Hồ
Về mặt địa hình, vùng đất An Tôn (Vĩnh Lộc) là khu vực chuyển tiếp từ miền núi xuống đồng bằng với các núi đá vôi khá điệp trùng ở phía Tây Bắc, phân bố thưa dần về phía Nam, xen kẽ là các đồi núi thấp, các đồng bằng phù sa cổ được bồi đắp bởi sông Bưởi và sông Mã. Trong địa hình đa dạng đó, nổi lên một vùng đất đồng bằng rộng hàng nghìn hecta nằm giữa 2 con sông, ba bề bốn bên đều có núi non tạo nên một vị thế và phong cảnh tuyệt đẹp, đắc địa cho việc chọn đất dựng đô theo quan niệm của thuật phong thủy Phương Đông. Phía Nam Thành Nhà Hồ là nơi hội tụ của dòng sông Mã được ví như “rồng chầu” từ phía Tây chảy về, nước sông chở phù sa hằng năm vẫn bồi đắp màu mỡ cho đôi bờ nương dâu xanh tốt và dòng sông Bưởi đẹp như một dải lụa xanh được ví như “rắn cuộn” từ phía Đông chảy tới. Sông Mã và sông Bưởi bao quanh rồi tụ lại ở phía Nam núi Đốn Sơn… |
Giếng vua trong Thành Nhà Hồ |
Hồ Quý Ly chọn mảnh đất này thay thế cho Thăng Long bởi đây là vùng đất Thạch Bàn - Long Xà nghĩa là thế đất như bàn đá, có rồng chầu sông Mã, rắn cuốn sông Bưởi. Đây là thế đất đẹp có vị trí bền vững dài lâu. Chính vì thế mà năm 1397 Hồ Quý Ly đã quyết định rời đô từ Thăng Long về Thanh Hóa. Năm 1403 đất Thanh Hóa trở thành đất Tam phụ, tức là vùng đất phụ cận của kinh kì. Khu di sản Thành Nhà Hồ là trung tâm kinh thành của Việt Nam vào cuối thế kỉ XIV đầu thế kỉ XV, đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của khu vực Bắc Trung Bộ từ thế kỉ XVI đến XVIII. Nét đặc sắc nổi bật của di sản bao gồm tòa thành đá được xây dựng bằng kĩ thuật đá lớn, la thành, đàn Nam giao, các tầng văn hóa nối tiếp nhau trong lòng đất lưu giữ các dấu tích cung điện, đền đài, đường xá và nghệ thuật trang trí, các làng cổ cùng toàn bộ cảnh quan đồi núi, sông hồ. |
Thành Nhà Hồ hiện còn nguyên vẹn cấu trúc của một kinh thành kiểu phương Đông điển hình, lại thể hiện những nét độc đáo của kiến trúc đô thành Việt Nam vào cuối thế kỉ XIV. Thành nội hình vuông với bốn bức tường được xây dựng bởi những khối đá khổng lồ phía ngoài và một lũy đất kiên cố bên trong. Bốn cửa thành hình vòm cuốn đồ sộ, nằm ở chính giữa bốn tường thành, riêng cửa thành phía Nam có ba lối vào. Đặc biệt, tường thành, cổng thành và những công trình kiến trúc nơi đây được dựng lên bằng những khối đá nặng hàng chục tấn rất vuông vức xếp chồng lên nhau mà không có chất kết dính nào. Cô hướng dẫn viên xinh đẹp cho chúng tôi biết, những tấm đá khổng lồ được ghè đẽo thủ công nhưng đạt đến công năng, hiệu quả sử dụng tối đa. |
Công trình Thành Nhà Hồ sử dụng tới 20.000m3 đá để xây dựng và gần 100.000m3 đất được đào đắp, thành được kết cấu gồm 3 phần: Hoàng thành (nội thành); hào thành bao bên ngoài, cách chân thành chừng 50m, có tác dụng bảo vệ nội thành và la thành là vòng ngoài cùng. Với khối lượng công việc lớn, đặc biệt là việc xây 4 bức tường thành bằng các phiến đá lớn, người xưa chỉ mất 3 tháng. Đó không chỉ là sức lực, đó còn là trí lực tuyệt vời của con người đã đổ xuống và tạo dấu ấn lên công trình này. Và theo đó, thời gian xây dựng Thành Nhà Hồ không chỉ khiến nhiều người kinh ngạc, thán phục mà còn là yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tòa thành. Trải qua 6 thế kỉ tồn tại, phần kiến trúc bên trong hoàng thành đã bị hủy hoại, vùi lấp hết, song 4 bức tường thành - biểu tượng của Thành Nhà Hồ - vẫn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, nổi bật với 4 cổng Nam, Bắc, Đông, Tây. |
Nhờ những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa và lịch sử, ngày 27/6/2011, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đó cũng chính là những giá trị nổi bật toàn cầu, thể hiện tính toàn vẹn và xác thực của di sản. Thành Nhà Hồ biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung thời bấy giờ. Theo các chuyên gia, Thành thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kĩ thuật và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông Á và Đông Nam Á, tận dụng triệt để điều kiện thiên nhiên xung quanh và đưa thêm vào các công trình và cảnh quan đô thị của mình những yếu tố riêng biệt của Việt Nam và Đông Nam Á. Đây là một quần thể kiến trúc giữa một cảnh quan thiên nhiên, minh chứng cho sự phát triển nở rộ của Nho giáo thực hành cuối thế kỉ XIV của Việt Nam ở một thời kì mà tư tưởng này đã lan rộng khắp Đông Á và trở thành một triết lí có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc cai trị trong khu vực. Việc sử dụng những khối đá lớn chứng tỏ sức mạnh tổ chức của một nhà nước tân Nho giáo, cho thấy sự giao lưu về kĩ thuật xây dựng trong khu vực Đông Nam Á, và sự thay đổi hướng trục chính làm nên điểm khác biệt về thiết kế của Thành Nhà Hồ so với các chuẩn mực Trung Hoa. |
Triều đại nhà Hồ tồn tại trong 7 năm (1400-1407) với 2 đời vua: Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương. Tuy tồn tại chỉ trong thời gian ngắn, nhưng Triều đại nhà Hồ không chỉ để lại cho hậu thế tòa thành đá vững chãi mà còn cả những cải cách mang tính lịch sử. Các chính sách cải cách của Hồ Quý Ly rất toàn diện, táo bạo trên khắp các lĩnh vực chính trị, hành chính, quốc phòng, tài chính, tư tưởng, văn hóa xã hội, giáo dục, trong đó, cải cách về tư tưởng, văn hóa, giáo dục được coi là tiến bộ nhất. Một trong những cải cách tiêu biểu và có ảnh hưởng đến lịch sử của nước ta không chỉ thời bấy giờ mà cả về sau và vươn tầm thế giới, như súng thần công, cải cách tiền giấy, đóng thuyền cổ lâu, ban hành chữ Nôm, cải cách thi cử... |
Hiện nay, tại Di sản Thành Nhà Hồ, nhiều hiện vật tiêu biểu gắn với quá trình ra đời, tồn tại và phát triển triều đại Nhà Hồ trong lịch sử như bi đá, đạn đá, gạch xây thành, đầu chim phượng, thống đất, đá xây thành... được sưu tầm, bảo quản và trưng bày phục vụ tham quan tại nhà trưng bày, góp phần cung cấp cho công chúng và thế hệ trẻ cái nhìn toàn diện hơn về di sản. |
Bài, ảnh, trình bày: Thanh Hà |