Thăm di tích phủ đường Ninh Hòa
Văn hóa - Thể thao 02/08/2024 15:30
Di tích này nằm trên khu đất rộng gần 2 ha, thuộc thôn 1, phường Ninh Hiệp, thị trấn Ninh Hòa, huyện Ninh Hòa (hiện nay là trụ sở UBND huyện). Đây là công trình mang tính chất công đường của thời phong kiến còn lại khá nguyên vẹn đến ngày nay.
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, từ thời Gia Long, phủ đường Ninh Hòa là trụ sở hành chính cấp huyện. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), nơi đây được xây dựng khang trang hơn, tương xứng với một phủ đường. Phủ đường này hoạt động cho đến khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.
Phủ đường Ninh Hòa gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng, tiêu biểu của phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Ninh Hòa nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung. Nơi đây ghi dấu những thắng lợi to lớn của Nhân dân huyện Tân Định (sau này là Ninh Hòa) trong cuộc biểu tình ngày 15/7/1930, chứng minh sự lớn mạnh của của phong trào đấu tranh ở Khánh Hòa cũng như uy tín của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa ngay sau khi thành lập, gây được tiếng vang lớn đối với phong trào yêu nước trong và ngoài tỉnh.
Phủ đường Ninh Hòa. |
Cũng tại nơi đây đã chứng kiến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Khánh Hòa. Sau khi Cách mạng giành thắng lợi, Ủy ban Cách mạng lâm thời Ninh Hòa đóng tại phủ đường này. Ngày 2/9/1945, cán bộ cách mạng và Nhân dân huyện Ninh Hòa đã tập trung về phủ đường để nghe bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên sóng phát thanh. Đây cũng là nơi Ủy ban Cách mạng lâm thời Ninh Hòa phát động các phong trào yêu nước trong những ngày đầu giành độc lập như “Tuần lễ vàng”, “Quỹ độc lập”, “Hũ gạo nuôi quân”, “Hũ gạo kháng chiến”,…
Phủ đường Ninh Hòa còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng khác của Khánh Hòa. Đây là nơi thành lập và đóng quân của Bộ chỉ huy Tiền phong mặt trận Nha Trang và Tây Nguyên, nơi đồng chí Lê Văn Hiến đọc thư Bác Hồ gửi cho đồng bào và chiến sĩ Khánh Hòa, nơi tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam tại Ninh Hòa, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ở và làm việc,…
Về kiến trúc, phủ đường Ninh Hòa có dạng hình chữ nhật, kết cấu theo đặc trưng của nhà truyền thống vùng đồng bằng Khánh Hòa (kiểu nhà 3 gian 2 chái). Phần trước hiên và mái của công trình lại được thiết kế theo kiến trúc cổ ở kinh thành Huế (kiểu kiến trúc truyền thống thời Nguyễn). Nhờ đó, công trình vừa mang nét cổ kính, vừa có nét trang nghiêm của một phủ đường. Gian giữa của phủ đường trưng bày một bộ bàn ghế, hòm sách, lọng và tượng quan Tri phủ đang ngồi làm việc. Gian tả là nơi ở của gia đình Tri phủ và lính hầu, trưng bày một bộ tràng kỉ, bộ gươm giáo, bộ điếu bát gốm sứ, hai tượng lính khiêng võng, một tượng lính mang lọng, một lính kéo xe và nhiều hiện vật khác. Gian hữu là nơi làm việc của thư lại, trưng bày hai bộ bàn ghế thư lại. Phủ đường có kiến trúc hài hòa, mang giá trị thẩm mĩ cao.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng, phủ đường Ninh Hòa được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia (năm 2000). Hiện nay, đây là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của xứ Trầm Hương.