Tăng cường trách nhiệm phòng khám, chữa bệnh tư nhân; duy trì Thanh tra cấp huyện
Sự kiện 27/05/2022 08:23
Tăng cường trách nhiệm phòng khám, chữa bệnh tư nhân.
Phát biểu góp ý kiến vào dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, cần đặc quan tâm đến việc tăng cường trách nhiệm của các phòng khám, chữa bệnh tư nhân.
Đại biểu Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam (đoàn TP Hà Nội) góp ý kiến về dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi |
Cùng với đó là dự thảo Luật mới cần có quy định cụ thể, ràng buộc để hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế, bởi thực tế các địa phương hiện nay tỷ lệ người dân đến khám, chưa bệnh còn ít nhưng ở tuyến trên luôn quá tải, rồi nhiều bất cập trong các phòng khám công - tư.
Ngoài ra, còn có những bất cập trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh, dù cơ sở khang trang, nhưng chất lượng khám, chữa bệnh tại các địa phương vùng sâu, vùng xa còn thấp, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân – đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, Luật khám, chữa bệnh là luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tinh thần chung là phải rà soát lại toàn bộ các chính sách để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”.
Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, làm rõ các nguyên tắc về mua sắm, sử dụng vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, các quy định về khám, chữa bệnh trong tình trạng đặc biệt đối với các nhóm bệnh đặc biệt như là Nhóm A để có tầm nhìn khái quát, có tính dài hạn để hoàn thiện dự thảo – đại biểu Khải đề nghị. Dự thảo Luật cần làm rõ các nội dung về vấn đề giá dịch vụ khám, chữa bệnh đồng bộ với Luật Giá và các văn bản liên quan; các nội dung về sử dụng ngân sách nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh và trong y tế dự phòng. Đồng thời, làm rõ ranh giới giữa y tế dự phòng và khám, chữa bệnh.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, từ thực tiễn cho thấy, việc sớm thông dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là cần thiết. Đại biểu đặc biệt quan tâm đến đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, các trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người dân, để khi mắc bệnh chỉ cần 10 phút là có thể được tiếp cận với y tế.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề cập đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh cho người dân. Trong đó chú trọng việc khám, chữa bệnh từ xa, phù hợp với xu thế của các nước phát triển trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Nếu cần, có thể chúng ta xây dựng hẳn một chương trong dự thảo Luật để có quy định cụ thể hơn về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa (Điều 55). Cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa, cơ chế thanh toán và trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan liên quan" - đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất.
Đề nghị giữ Thanh tra cấp huyện
Trong phiên thảo luận tại tổ chiều ngày 26/5, nhiều ý kiến đại biểu tán thành việc tiếp tục giữ Thanh tra cấp huyện, vì đã có quản lý nhà nước là phải có Thanh tra. Ngoài chức năng thanh tra, thanh tra huyện còn thực hiện các nhiệm vụ khác rất quan trọng, đặc biệt là tham mưu tích cực, hiệu quả công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.Do đó, chẳng những không giải thể mà cần phải duy trì và nâng cao năng lực cho lực lượng này để thực hiện nhiệm vụ tốt ở địa phương.
Đại biểu Lại Thế Nguyên, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đóng góp quan điểm về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) |
Thanh tra cấp huyện là rất quan trọng. Vì vậy phải có cơ quan thanh tra cấp huyện để giúp UBND huyện phát hiện để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
“Nếu bỏ thanh tra cấp huyện sẽ dồn việc lên thanh tra cấp tỉnh, như vậy sẽ quá tải”, ông Quang nói. Bởi, theo ông, chúng ta đã chủ trương kiện toàn bộ máy hiệu lực, hiệu quả nên bộ máy thanh tra cấp tỉnh sẽ tinh gọn lại mà đầu việc nhiều thì không thể xuống huyện, nhất là vùng sâu, vùng xa dẫn đến không ngăn chặn kịp thời các sai phạm nếu có” – đại biểu Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu rõ.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (đoàn Ninh Thuận) đề nghị, cần phải giữ tổ chức thanh tra cấp huyện để giúp UBND và chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cần hướng dẫn về tổ chức bộ máy, bố trí biên chế đảm bảo số lượng và chất lượng.
Về Thanh tra chuyên ngành, có ý kiến cho rằng, cần chuyển một số thanh tra sở hiện tại về thanh tra tỉnh để thành lập các phòng thanh tra chuyên ngành. Riêng thanh tra chuyên ngành có tính chất đặc thù như: y tế, giáo dục, NN&PTNT thì cần nghiên cứu, quy định thống nhất, áp dụng đồng bộ.
Đại biểu Lại Thế Nguyên (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn về Thanh tra sở do UBND cấp tỉnh thành lập. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan Thanh tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an, viện kiểm sát, kiểm toán nhà nước, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, Dự án Luật cần bổ sung thêm Ủy ban kiểm tra cấp ủy cùng cấp trong quá trình xem xét, giải quyết vụ việc. Vì thực tế hiện nay việc phối hợp này là rất quan trọng, cũng là thực tiễn xử lý các vụ việc mà UBND cấp tỉnh xem xét sau thanh tra nhà nước.
Khi tiến hành thanh tra theo phạm vi được giao, mà phát hiện vi phạm khác có liên quan đến vụ việc đang thanh tra thì trường hợp này cơ quan thanh tra được mở rộng, vì vậy cần bổ sung thêm ý “trừ trường hợp phát hiện hành vi vi phạm khác có liên quan”.
Kế hoạch thanh tra chỉ cần Giám đốc Sở phê duyệt là đúng thẩm quyền, không cần phải Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch chung. Cần có quy định cụ thể phân biệt rõ ranh giới giữa thanh tra với kiểm tra về mặt quy trình, thủ tục – đại biểu Lại Thế Nguyên đề nghị.