Quán chay... đắt khách!
Đời sống 31/08/2023 08:40
Ngày càng có nhiều người ăn chay
Đã từ lâu, tại TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành lân cận là Bình Dương, Long An, Đồng Nai…, cứ vào những ngày mùng 1 và ngày Rằm hiện rất đông người dân ăn chay. Người ăn chay bây giờ không hẳn đều vì tôn giáo, mà là vì sức khoẻ để giữ cho cơ thể được thon gọn, giảm mỡ máu và hạn chế một số bệnh tật khác.
Vài thập kỉ trở lại đây, điều kiện sống từng bước được cải thiện, các bữa ăn luôn đủ đầy dinh dưỡng với vô số các món ngon. Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều người béo phì.
Do ăn uống quá nhiều, thiếu khoa học... không ít người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư. Béo phì làm giảm chất lượng và thời gian sống, đồng thời làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cá nhân, quốc gia và toàn cầu…
Vậy nên nhiều người rất nỗ lực để cải thiện vóc dáng cũng như sức khoẻ của bản thân bằng hình thức luyện tập thể thao kết hợp với việc “tiết chế” khẩu phần ăn thông quá chế độ ăn chay.
Tháng Vu Lan này, hầu như tất cả các quán hàng bán đồ ăn chay đều rất đông khách đắt hàng |
Ăn chay còn gọi là trai giới hay ăn lạt, là chế độ ăn uống chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (trái cây, rau quả,...), có hoặc không ăn những sản phẩm từ sữa, trứng hoặc mật ong, bơ, phô mai, kem, đạm váng sữa. Được biết, ăn chay trong Phật giáo được xem là một phương tiện cần thiết cho việc thanh lọc thân và tâm; chẳng những giúp sức khỏe con người được tốt hơn, vì ngăn ngừa và chữa trị được bệnh tật, mà còn hỗ trợ cho đời sống tâm linh hướng thiện, thăng hoa, nuôi dưỡng được lòng từ bi đối với muôn loài chúng sinh.
Để thực hiện việc ăn chay, đại đa số các cá nhân thường tự sửa soạn nấu các món ăn chay tại nhà, với các bữa ăn đơn giản từ vài ba cho tới dăm món xoay quanh nguyên liệu chính là trái cây, rau, củ, quả; cùng gạo, bột mì, bột ngô, bột ngũ cốc, đậu nành… Phần đông các gia đình bấy lâu nay vẫn thực hiện việc ăn chay vào ngày mùng 1, ngày Rằm và khi không có điều kiện nấu nướng ở nhà và cũng có khi muốn “đổi vị”, các thành viên trong gia đình vẫn thường kéo nhau ra quán, bởi thời nay các quán hàng chay “mọc” lên ở mọi nơi, từ các quận trung tâm thành phố, cho tới các khu dân cư ở ven ngoại ô.
Việc ăn chay cũng như duy trì ăn chay thường xuyên một cách khoa học, đúng cách không chỉ giúp cho chúng ta có một cơ thể thon gọn, ngăn ngừa tình trạng thừa cân béo phì; mà còn rất tốt cho sức khoẻ phòng tránh nhiều bệnh tật do thừa dinh dưỡng gây ra. Vì thế ăn chay đã, đang được nhiều người ưa chuộng, hướng tới…
Quán chay mùa đắt khách
Đến hẹn lại tới, bước vào mùa Vu lan của tháng 7 Âm lịch năm 2023 này, dạo qua bất kể một quán hàng bán đồ ăn chay nào tại khu vực TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… đều bắt gặp hình ảnh khách vào ra chen chân đông nghịt. Không riêng gì phục vụ các bữa ăn chính là trưa, tối, nhiều quán hàng trong dịp lễ Vu lan này còn phục vụ thêm bữa sáng để đáp ứng nhu cầu ăn chay tăng vọt của khách. Ngoài các quán bán cơm phần, cơm món, bánh cuốn, gỏi cuốn… chay ra các nhà hàng bán lẩu chay, buffet chay cũng luôn rất đông khách đắt hàng vào dịp này.
Thời nay ăn chay theo Tôn giáo và bảo vệ sức khoẻ đang là xu hướng của nhiều người... |
Ghé quán cơm chay có tên Hoàng Đạt, nằm trên đường số 6 (phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), vào giờ ăn trưa của một ngày đầu tuần trong tháng Vu lan này, chúng tôi thấy lượng khách vào ra tấp nập. Tại khu vực quầy đựng các khay đồ ăn nhiều khách phải đứng chờ một hồi lâu mới tới lượt mình. Quán chay này hoạt động theo hình thức tự phục vụ, khi khách muốn ăn món gì, gắp lượng thức ăn nhiều hay ít bao nhiều tuỳ thích, và giá thì “cực” bình dân, chỉ có 15.000 đồng/suất ăn. Ngoài cơm phần với hơn 20 món ăn mỗi hôm ra, thì chủ quán từ lâu còn duy trì phục vụ khách có nhu cầu ăn lẩu chay, với mỗi suất ăn chỉ 40.000 đồng với đầy đủ nguyên liệu là: Bún, rau củ, nấm, đậu hũ, váng đậu... Chị chủ quán người gốc Bình Định kể rằng, bình thường quán chủ yếu phục vụ sinh viên, với khoảng vài trăm suất ăn mỗi ngày. Những ngày mùng 1, Rằm lượng khách tăng gấp đôi, và khi bước vào mùa Vu lan khách tới quán ăn tăng gấp 3, gấp 4 lần. Đó còn chưa kể một lượng khách quen nhất định thường đặt hàng shipper giao mang tới tận nhà.
Dạo quanh Làng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt gặp khách đi ăn chay rất đông, bất kể trưa hay tối. Quanh khu vực này có tới vài chục quán ăn chay, các hàng bán lẩu chay, như: Hoằng Đặt, Hằng Thiện, Mộc Lâm, Phúc An, Tâm An…, nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả là quán chay Hữu Duyên nằm trên đường Tô Vĩnh Diện (phường Đông Hoà, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Đây là quán lẩu chay được không chỉ sinh viên của Làng Đại học hay lui tới ăn, mà nhiều người dân trong vùng thường xuyên ăn chay vẫn tới đây thưởng thức, bởi chất lượng ngon, giá cả lại rất bình dân, khi một nồi lẩu cho 5 người ăn chỉ cỡ 150.000 đồng. Vì đã “định hình” được uy tín và chất lượng, nên từ lâu quán chay Hữu Duyên lúc nào cũng đông khách, thậm chí vào ngày mùng 1, Rằm và mùa Vu lan nhiều thời điểm không còn bàn, nên khách đành phải ngậm ngùi rời đi quán khác!
Ngoài các quán chay với mức giá cả bình dân ra, trong dịp lễ Vu lan này nhiều nhà hàng bán đồ ăn chay phục vụ thượng khách “cao cấp” với mức giá cho mỗi suất ăn từ khoảng 200.000 đồng cho tới 500.000 đồng cũng không thưa vắng khách. Bởi có một lượng thực khách không nhỏ, khi đi ăn mặn hay chay, họ không xem trọng vấn đề giá cả, mà điều họ quan tâm là các món ở đó có ngon, có hấp dẫn và bảo đảm ATVSTP hay không, cũng như cách phục vụ có tốt không…
Có một điều dễ nhận thấy đó là, mặc dù vào mùa Vu lan, lượng khách ăn chay rất đông đúc nhưng tất cả các chủ quán hàng kinh doanh đồ ăn chay đều không tăng giá mà vẫn bán như ngày thường. Nhiều người trong số họ cho rằng, việc kinh doanh là cần phải có lãi để duy trì cuộc sống, nhưng niềm phấn khích hơn cả là được phục vụ mọi người tới ăn chay và đó cũng là cách giúp cho họ có cơ hội gieo duyên, tạo phước lành tới mọi người, theo quan niệm của nhà Phật…