Như thấy bóng ông thuở nào
Tâm sự 03/02/2024 09:03
Ông bà nội tôi có 4 người con (2 trai, 2 gái), bố tôi là con lớn của ông bà. Quê tôi vùng đất bãi ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, trước đây một năm có vài lần nước lũ sông Hồng “vào, ra” ngập trắng đồng bãi. Những tháng nước lũ ngập tràn đồng ruộng, ông nội ngồi cả ngày trên con thuyền thúng-thả lưới bắt cá sông Hồng “mừng nước mới” phởn phơ đi kiếm ăn. Bố tôi đi kéo vó tay-quê tôi gọi là kéo chũm - rồi mang cơm trưa cho ông và lấy cá về để bà nội mang đi bán.
Cạn nước lũ, đồng bãi vào mùa vụ mới, ông nội lại cùng những ông “thợ cày” trong đội sản xuất ra đồng cày vỡ ruộng để ải mấy ngày cho dễ đập đất trồng cây, gieo hạt. Bố tôi kể, ông không chỉ được các ông bà trong đội gọi là “lão nông tri điền” mà còn là “thợ cày” rất kinh nghiệm trên những đường cày có độ sâu phù hợp với từng loại cây trồng. Có kinh nghiệm nhưng ông không giữ làm “vốn” riêng cho mình mà chỉ bảo tường tận cho những ông “thợ cày” khác và quan tâm hướng dẫn cho lớp “thợ cày” trẻ như bố tôi để tất cả các thửa ruộng của đội sản xuất đều được cày xới bảo đảm theo yêu cầu, thuận lợi cho cây trồng, hạt gieo dễ sinh trưởng phát triển. Bố tôi bảo: Đó là điều mà bố và lớp “thợ cày” của bố đã học được ở ông nội để rồi tiếp tục làm xanh những đồng bãi.
Gần 10 năm được sống với ông nội trước khi ông về với tiên tổ, từ năm học vỡ lòng là ông nội đã hay hỏi về chữ này, chữ kia, khi thì ông bảo viết chữ ra bảng cho ông xem, lúc ông lại bảo đọc cho ông nghe. Những lúc rỗi việc, ông bảo mang bảng, mang phấn ra để hai ông cháu cùng tập viết; rồi ông “khoe”: Ông cũng đã được “đi học” từ các lớp “bình dân học vụ” ở thôn nhưng viết chưa đẹp nên hai ông cháu hì hục tập viết rồi cùng cười vui vẻ... Cô tôi thấy thế nên thường nói vui với tôi: Cháu đích tôn của ông nội là được ông chăm, ông chiều lắm đấy nhá!
Còn nhớ, mỗi khi thấy ông nội đi cày ruộng về đến nhà là tôi lại bưng rá khoai lang luộc, xách ấm nước vối, cái điếu bát để ra chõng tre trước hiên nhà để ông ăn khoai, uống nước vối, hút thuốc lào. Nước vối được nấu từ lá vối khô hoặc hạt vối khô thu hái trên cây vối của nhà. Ông nội bảo: Cây vối này do cụ tổ trồng đã lâu nhưng vẫn còn rất sai nụ sai hoa. Còn nhớ, trước mỗi vụ thu hoạch ngô hằng năm là bố tôi lại bắc thang trèo lên cây bẻ các cành nụ vối, lá vối cho vào sọt dòng dây thừng thả xuống. Tôi và ông nội với mấy đứa em xúm vào tách các nhánh nụ ra cái nong phơi ngô để mẹ tôi quấn lá vối chung quanh sọt tre, xếp nụ vối vào theo lớp, mỗi lớp nụ vối lại rải một lớp lá vối mỏng lên trên. Đầy sọt, xếp một lớp lá vối phủ lên trên cùng rồi lấy mấy thanh nan tre cật cài chặt miệng sọt xếp gọn vào góc nhà. Sau vụ ngô, cả nhà lại xúm xít dỡ mấy sọt lá vối, nụ vối ra phơi riêng từng loại, cất giữ trong vại, trong chĩnh sành dùng để uống quanh năm. Trước khi cất đi, ông nội bảo mẹ tôi pha thử một ấm lá vối khô, một ấm nụ vối khô. Ông nội nhấm nháp rồi khen “được đấy” làm cả nhà ai cũng vui…
Ông nội về với tiên tổ năm tôi học lớp 4. Lúc đó tôi chưa thấm hết, chưa thấm thật sâu nỗi buồn vắng ông mà chỉ thấy một khoảng trống nơi hai ông cháu nằm mỗi tối đi ngủ trên tấm giường ghế khuôn vững chãi kê ở gian giữa bóng líu rất mát vào mùa Hè hoặc không thấy có ông ngồi trên chõng tre trước hiên nhà ăn khoai lang luộc, uống nước vối, hút thuốc lào mỗi buổi sáng…
Những năm sau, cả nhà tíu tít thu hoạch nụ vối đem ủ rồi dỡ ra phơi mà không có ông nội. Nhìn lá vối khô lại nhớ ông mà không ai nói được ra lời. Ngày giỗ ông nội hằng năm, tôi lại kể nhiều chuyện về ông cho các em và không quên chuyện ông đã cùng tôi tập viết, tập đọc từ khi tôi mới học lớp vỡ lòng làm các em cũng mong ước được tập đọc, tập viết cùng ông nội nhưng điều đó chẳng bao giờ có nữa. Mấy anh em tôi được bố mẹ lo cho học hành đến nơi đến chốn và cứ thế trưởng thành, đi làm công chức ở cơ quan, doanh nghiệp.
Năm 1975, đất nước thống nhất, tôi về học tiếp ở trường đại học cũng mới có dịp về thăm nhà sau hơn 4 năm quân ngũ. Bố tôi cho biết: Sau năm 1972, bà nội tôi mất thì cây vối cũng lụi dần rồi chết. Bố tôi đã hạ xuống, mang ngâm mấy năm ở ao bèo gần ngõ và thuê thợ xẻ và thợ mộc đóng giường cưới cho tôi, rồi giục tôi cưới vợ. Tôi bảo: Bố cứ ngâm cho thật “chín”, con còn mấy năm nữa thì phải tập trung để học cho xong đã bố ạ!.
Thời bao cấp, khi cưới vợ mang “Giấy đăng kí kết hôn” ra cửa hàng mậu dịch là được mua một cái giường cưới bằng gỗ, khổ rộng 1,4 mét, một đôi chiếu cói, hai tút thuốc lá Trường Sơn, hai gói chè vụn Hương Sơn, cùng ít bánh kẹo,…. Vì đã có giường cưới bố đóng từ gỗ cây vối do ông nội tôi để lại cho nên tôi không phải mua giường, tiết kiệm được một khoản kha khá trong thời điểm còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Tiếc là sau mấy chục năm sử dụng, cái giường - kỉ vật từ gỗ cây vối ông nội cho đã hỏng không còn dùng được nữa.
Cứ mỗi năm trước khi Tết đến, Xuân về, vợ chồng tôi lại ra dọn cỏ, trồng hoa trên mộ ông bà nội, thắp nén hương thơm thành kính mời ông bà nội về vui Tết đón Xuân mới cùng các con, các cháu và các chắt. Trong làn khói hương thoang thoảng khắp không gian như chợt thấp thoáng bóng dáng ông bà thuở nào…