Nhiều hộ dân không đồng tình với phương án đền bù
Pháp luật - Bạn đọc 15/06/2021 10:29
Các hộ dân đã làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng UBND xã Phú Sơn, thị xã Nghi Sơn và tỉnh Thanh Hoá đề nghị xem xét, rà soát lại nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cho họ.
Ông Nguyễn Bá Bình, ở xã Phú Sơn cho biết, gia đình ông bị thu hồi 1.142,7m2 đất. Diện tích đất bị thu hồi của gia đình ông phần lớn là đất thổ cư được khai hoang từ trước những năm 1980. Gia đình ông không lấn chiếm đất của bà Hoàng Thị Tình (hàng xóm). Việc áp dụng số diện tích để đền bù còn bị “thâm hụt” 368m2. Ông Bình nói: “Tôi cho rằng văn bản trả lời khiếu nại của UBND tỉnh Thanh Hoá đối với quyền và lợi ích cho gia đình tôi khi bị thu hồi diện tích đất nói trên là chưa đúng. Bà Tình công nhận gia đình tôi không lấn chiếm đất của bà. Vậy số diện tích đất tổng thể của gia đình tôi là 2.000m2 - 1.142,7m2 thì diện đất còn lại 868m2 đi đâu”.
Trước đó ngày 4/3/2020, UBND xã Phú Sơn có cuộc họp để giải trình nguồn gốc đất. Theo đó, chính quyền xã đã công nhận nguồn gốc đất khai hoang cho những hộ đã sử dụng hợp pháp trước 18/12/1980. Tuy nhiên, khi áp dụng vào việc thu hồi, đền bù thì nội dung này bị UBND xã Phú Sơn hủy bỏ, không công nhận(!?).
Nhiều hộ dân xã Phú Sơn phản ánh việc đền bù diện tích đất bị thu hồi chưa đúng |
Ông Bình kiến nghị: “Tôi đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá, thị xã Nghi Sơn làm rõ số diện tích đất là 368m2 nằm trong trong diện tích đất thổ cư, tuy nhiên bị Ban GPMB tách ra khỏi đất thổ cư và áp dụng giá đền bù theo loại đất khác. Vị trí đất ở Khu kinh tế Nghi Sơn quy định 4 vị trí đất ở. Vậy, diện tích đất bị thu hồi của gia đình tôi nằm ở vị trí nào? Đề nghị UBND xã Phú Sơn, địa chính xã cung cấp hồ sơ thửa đất số 207, tờ bản đồ 53 (đất giao thông) có diện tích 28.461m2. Thửa 124 có diện tích 10.195m2, tờ bản đồ 45”.
Còn ông Đỗ Viết Khôi cho biết: “Gia đình tôi có diện tích bị thu hồi là 1.691,1m2. Tuy nhiên phía Ban GPMB chuyển một số diện tích đất ở sang đất rừng không đúng quy định (?). Năm 1996, Nhà nước giao đất rừng cho gia đình tôi có diện tích là 4,4 ha. Diện tích đất ở còn lại là 3,6 ha. Năm 1998, khi đo đạc đất ở của gia đình chỉ còn số diện tích là 3.915m2. Đến năm 2018, diện tích đo đạc và công nhận đất ở, trồng cây lâu năm cùng thửa của gia đình là 6.116,4m2. Tuy nhiên, khi thực hiện thu hồi đất và áp dụng mức giá đền bù thì phía Ban GPMB thị xã Nghi Sơn không căn cứ vào bản đồ đã được đo đạc và công nhận năm 2018; không căn cứ vào các quy định của Luật Đất đai năm 2013”.
Ông Khôi cho biết thêm, phần diện tích còn lại hơn 30.000m2 là đất thổ cư của gia đình là đất nhận chuyển nhượng từ 2 ông Bùi Văn Thắng và hộ ông Bùi Văn Trang. Số diện tích này có nguồn gốc từ đất khai hoang những năm 1977.
Từ những căn cứ pháp lí trên, ông Khôi cho rằng, cơ quan chức năng UBND huyện Tĩnh Gia (nay thuộc thị xã Nghi Sơn) đã giao sai vị trí đất và số thửa 318 có diện tích 0,9 ha của gia đình ông cho hộ ông Lê Đăng Luận có số thửa 319 và diện tích 0,9 ha (có giấy tờ chứng minh). Trong khi đó, số thửa 318 không có trong sổ mục kê nhưng có trong bản đồ lại thuộc đất ở của hộ ông Khôi (!?).
Hộ bà Phạm Thị Nhàn cũng có những phản ánh, khiếu nại về quyền lợi khi số diện tích đất bị thu hồi nhưng đền bù chưa đúng. Bà Nhàn cho biết: “Gia đình tôi khai hoang, sinh sống và sử dụng ổn định, không có tranh chấp trên diện tích đất này từ năm 1977. Trong số diện tích bị thu hồi 12.044m2 có: 680m2 đất giao thông; 682m2 đất công ích, 529m2 đất hành lang giao thông và 1.891m2 không được đền bù. Tôi đề nghị rà soát lại để làm rõ số diện tích bị “mất” không được đền bù nói trên”.
Tương tự đối với hộ bà Nguyễn Thị Nên, diện tích bị thu hồi là 7.080m2 gồm có: 794m2 diện tích đất 5%; diện tích 985m2 đất công do UBND xã quản lí; 674m2 thuộc diện không được đền bù. Như vậy, diện tích 2.450m2 không được đền bù. Số diện tích còn lại đều nằm trong đất ở, đất liền kề nhưng chỉ được đền bù 100m2 đất ở; 229m2 đất vườn. Còn lại đất chỉ được đền bù theo giá đất trồng cây lâu năm.
Tiếp đến, hộ ông Bùi Văn Hòa có diện tích bị thu hồi là 3.952,9m2. Khi lập phương án bồi thường là đất ở, đất trồng cây ao vườn cùng thửa. Thế nhưng, khi ra quyết định đền bù thì được chia thành nhiều loại đất khác nhau. Số diện tích theo ông Hòa phản ánh không được bồi thường là: Đường giao thông 213m2; đất rừng trồng 646m2; 372m2 (là ao nuôi cá) bị tách riêng ra và chưa được áp dụng đền bù. Như vậy, theo ông Hòa phản ánh, số diện tích 1.139m2 được đền bù không đúng với hiện trạng sử dụng.
Diện tích 108m2 là đất ở của gia đình bị cắt đền bù cho một hộ dân khác theo giá đất nông nghiệp (đền bù cho hộ anh Nguyễn Lập Thường). Khi bị phản ánh, cơ quan chức năng đã trả lại cho gia đình ông Hòa nhưng lại đền bù theo giá đất lâu năm(!?)
Tương tự, hộ ông Lê Văn Nam: Diện tích bị thu hồi 2.119m2. Nguồn gốc đất do ông Lê Văn Việt (bố ông Nam) khai hoang năm 1979. Năm 2008, ông Việt tách thửa cho ông Nam (có chứng nhận UBND xã Phú Sơn). Ông Nam làm nhà ở cố định từ đó đến nay. Tuy nhiên, nay có quyết định thu hồi và đền bù chỉ nhận được giá đền bù số diện tích 616m2 đất trồng cây hằng năm.
Để làm rõ những nội dung phản ánh của các hộ dân về quyền và lợi ích khi có diện tích đất bị thu hồi để phục vụ cho “Dự án đường cao tốc Bắc Nam”, phóng viên đã có buổi làm việc với Ban GPMB thị xã Nghi Sơn. Ông Nguyễn Văn Bích, Phó Trưởng ban GPMB thị xã Nghi Sơn cho biết: “Việc thực hiện đo đạc, kiểm đếm, thu hồi diện tích đất của những hộ dân tại xã Phú Sơn được thực hiện gồm các cơ quan, ban ngành UBND thị xã Nghi Sơn, xã Phú Sơn. Chúng tôi căn cứ vào hồ sơ của Phòng TN&MT thị xã, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa để xác nhận nguồn gốc đất và áp giá đền bù đã được quy định cụ thể. Phía huyện cũng đã nhận được một số khiếu nại, phản ánh của người dân. Hiện họ đã có kiến nghị lên UBND tỉnh Thanh Hoá. Thanh tra tỉnh đã nhiều lần về làm việc với chúng tôi. Hiện Đoàn Thanh tra đang tiếp tục làm việc, rà soát lại”.