Nhiễm virus viêm gan B không triệu chứng mối lo của nhiều người
Sức khỏe 26/03/2021 13:00
HBsAg là gì?
Cho đến nay, người ta đã xác định được nhiều loại virut viêm gan như A, B, C, D, E, G..., trong đó viêm gan virut B (VGVR B) là vấn đề y tế rất quan trọng ở vùng Đông Nam á với tỉ lệ người nhiễm rất lớn. Virus viêm gan B (HVB) có 3 kiểu cấu trúc: (1) các cấu trúc hình cầu lớn được Dane phát hiện năm 1970 (được gọi là tiểu thể Dane) có đường kính 4,2nm, bao gồm lớp vỏ bọc bên ngoài và phần lõi bên trong, (2) các cấu trúc hình cầu nhỏ có đường kính 22nm và (3) các cấu trúc hình ống có đường kính 22nm. Lớp vỏ bọc ngoài của tiểu thể Dane và hai cấu trúc (2) và (3) có cùng bản chất sinh hoá lipoprotein và đó chính là kháng nguyên trong bệnh VGVR B mà Blumberg đã phát hiện năm 1965 và ngày nay được gọi là kháng nguyên bề mặt của HVB (hepatitis B surface antigen), viết tắt là HBsAg. Đây là yếu tố quan trọng để xác định tình trạng nhiễm bệnh và gây bệnh.
Khi nào HBsAg dương tính?
Trong VGVR cấp tính, HBsAg hiện diện trong huyết thanh khoảng 2 - 7 tuần trước khi có triệu chứng lâm sàng, tồn tại suốt giai đoạn có triệu chứng và biến mất trong giai đoạn hồi phục. Trong VGVR B mạn tính, do đáp ứng miễn dịch của cơ thể không đủ sức khống chế sự phát triển của virus hoặc do virus đã thích nghi nhờ vào hiện tượng đột biến để trốn tránh được các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Trong xơ gan và ung thư gan có một tỉ lệ HBsAg (+) nhất định.
Ở người lành mang HBsAg mạn tính không triệu chứng (healthy carries): đây là tình trạng khá đặc biệt trong đó cơ thể mang HBsAg mạn tính nhưng không có các biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng và không có các tổn thương gan tiến triển, men gan hoàn toàn bình thường. Tình trạng này có thể được giải thích là do có sự dung nạp tương đối về miễn dịch giữa cơ thể đối với virus. Miễn dịch không đủ sức để loại trừ virus nhưng lại có khả năng ức chế sự phát triển của chúng.
Tỉ lệ người mang HBsAg (+) là bao nhiêu?
Hiện nay, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khoảng 2 tỉ người đã từng bị nhiễm HVB, trong đó có khoảng 350 triệu người đang mang mầm bệnh. Dự tính đến đầu thế kỉ 21 số người mang mầm bệnh có thể lên đến 400 triệu, 85% số người này cư ngụ tại khu vực á - Phi, Đông Nam á được xếp vào vùng lưu hành cao với tỉ lệ HBsAg (+) vào khoảng 8 - 15%, trong đó có Việt Nam. Kết quả một số nghiên cứu dịch tễ cho thấy: tại Hà Nội, tỉ lệ HBsAg (+) vào khoảng 15 - 20% (Hoàng Thuỷ Nguyên, 1991); tại TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ này vào khoảng 10%; tại Tiền Giang là 21 - 28%. Tuỳ theo lứa tuổi, ngành nghề mà tỉ lệ nhiễm HVB có khác nhau. ở Trung Quốc, theo G.B.Yao có khoảng 150 triệu người mang HBsAg (+), chiếm tỉ lệ 10,3% dân số.
Virus viêm gan B vào cơ thể bằng con đường nào?
Về phương tiện dịch tễ học, người ta ghi nhận có bốn phương cách lây nhiễm chính: (1) Lây truyền qua đường ngoài tiêu hoá như tiếp xúc với máu, các vật phẩm của máu hoặc các dịch tiết của cơ thể như truyền dịch, tiêm chích, các thủ thuật gây sang chấn da và niêm mạc có sử dụng các dụng cụ không bảo đảm vô khuẩn: Phẫu thuật, nội soi đường tiêu hoá, châm cứu, xỏ lỗ tai, xăm mình, giác hút, chữa răng...; (2) Lây truyền qua đường sinh dục; (3) Lây truyền từ mẹ sang con, chủ yếu trong lúc sinh hơn là lây qua nhau thai; (4) Lây truyền cho những người sống chung trong gia đình xảy ra qua tiếp xúc tình dục, qua da, dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng. Sự lây truyền qua miệng vẫn còn đang bàn cãi.
Người lành mang HBsAg (+) cần làm gì?
Trước hết, không nên lo lắng thái quá bởi vì trường hợp này virus xâm nhập vào các tế bào gan nhưng không gây phản ứng viêm và phản ứng huỷ hoại tế bào gan nên không có các triệu chứng lâm sàng. Vả lại, nếu có gây nên tình trạng viêm gan thì chỉ có một tỉ lệ nhỏ dẫn đến xơ gan và cuối cùng bị ung thư gan (xin nhắc lại chỉ có một tỉ lệ nhỏ người bị xơ gan, ung thư gan chứ không phải tất cả mọi người bị nhiễm đều dẫn đến tình trạng rất trầm trọng này). Có một số người mang mầm bệnh virus suốt đời nhưng không hề có các rối loạn bệnh lí liên quan nào.
Thứ hai, định kì 6 tháng hoặc 1 năm nên khám kiểm tra toàn diện, nhất là tình trạng chức năng gan, bởi vì người lành mang virus không có triệu chứng vẫn có thể tiến triển sang viêm gan mạn tính, xơ gan hoặc ung thư gan nguyên phát khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút hoặc giả bị đồng nhiễm các virus hướng gan khác. Tuỳ theo tình hình, khi khám, các thầy thuốc có thể còn cho xét nghiệm thêm để tìm kháng nguyên e của virus (HBeAg). Kháng nguyên này tuy không có ý nghĩa về mặt chẩn đoán khi HBsAg đã (+) nhưng lại có giá trị về mặt tiên lượng: HBeAg thường (+) tính trong viêm gan mạn tính và hầu như (-) ở những người mang HBsAg mạn tính không triệu chứng; hơn nữa nếu HBeAg (+) thì sẽ là nguồn lây nhiễm cho người khác nhiều hơn. Người ta nhận thấy 70% vợ hoặc chồng của bệnh nhân mang HBeAg (+) sẽ có HBsAg (+).
Thứ ba, không nên vì quá lo lắng mà dùng bừa bãi các loại dược phẩm bởi lẽ không có thuốc nào diệt được virus và nhiều loại thuốc bắt gan phải làm nhiệm vụ chuyển hoá quá mức đưa đến bệnh nhiễm trở nên nặng hơn. Việc dùng thuốc nhất thiết phải tuân theo chỉ định và hướng dẫn của các thầy thuốc chuyên khoa. Trong vấn đề này, thuốc y học cổ truyền có khá nhiều ưu điểm nhưng cũng cần phải lựa chọn và sử dụng một cách hợp lí (vấn đề này xin được bàn đến trong bài viết tiếp theo).
Thứ tư, phải chú ý giữ gìn sức khoẻ, duy trì sinh hoạt có chừng mực và điều độ, ăn uống hợp lí và khôn ngoan, luôn giữ cho tinh thần thư thái và tuyệt đối không nên uống rượu vì rượu rất hại đối với gan.
Thứ năm, nên kiểm tra HBsAg cho người thân trong gia đình, nếu họ chưa bị nhiễm thì nhất thiết phải được tiêm phòng theo đúng quy trình.
Cuối cùng, khi quan hệ tình dục với người không biết rõ tình trạng nhiễm virus của họ như thế nào thì phải dùng bao cao su đúng cách. Nếu giao hợp với người mang HBsAg (+) thì có thể phòng bệnh bằng tiêm huyết thanh miễn dịch (kí hiệu HBIG) rồi tiêm vaccine bổ sung.