Người trên đường đời
Xã hội 22/06/2024 11:08
“Người trên đường đời” là viết và kể chuyện về những con người cụ thể, cuộc đời thật, câu chuyện thật mà anh cảm, anh đã gặp, đã tiếp xúc, cùng anh dấn thân trong sự nghiệp báo chí và văn chương, trọng trách anh được giao phó quản lí về tư tưởng và văn hóa. Từ một học sinh học giỏi văn, một Hồ Quang Lợi tài hoa, trái tim mẫn tiệp mà sâu lắng, có nhiều năm tu nghiệp, nghiên cứu sâu lĩnh vực ngôn ngữ ở Trường Đại học Tổng hợp Bucharest - Rumani. Sự khác biệt của “Người trên đường đời” chính là lát cắt mới về cái tài văn chương, tài sử dụng ngôn ngữ người trong cuộc để diễn đạt, miêu tả, kể chuyện về cuộc sống muôn màu của những con người cụ thể - đối thoại trải lòng, ngưỡng mộ, yêu quý và cả sự học hỏi các nhân vật đã cùng sống, cùng hòa vào nhịp sống sôi động của chính tác giả.
Không gian sáng tạo bút kí, ghi chép của Hồ Quang Lợi trải rộng khắp nhiều vùng trên giải đất Tổ quốc Việt Nam hình chữ S, điểm xa nhất là quần đảo Trường Sa nghìn trùng dương; anh đến mọi chân trời góc bể trên trái đất này. Hồ Quang Lợi miêu tả - đặc tả nhân vật và sự kiện dung dị mà rất có chiều sâu, đến tận mọi ngóc ngách của tâm hồn, lột tả phẩm cách - sự tài hoa của nhân vật tận cùng, dung nạp về họ đầy tính thuyết phục. Dù là trong nước hoặc đi nước ngoài, Hồ Quang Lợi không đi chơi - du hí mà đi làm việc, các chuyến công vụ, anh quan sát nhân vật và sự kiện, lượm lặt và miêu tả sự việc, nhân vật thật tài tình, rất có hồn.
Nhà báo Hồ Quang Lợi (thứ 3 từ phải qua) và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, với Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tại Hội Báo toàn quốc, tháng 3/2024. |
Hồ Quang Lợi trưởng thành từ phóng viên, biên tập viên, thông thạo Pháp ngữ, Anh ngữ, kiến thức sâu rộng về chính trị, lịch sử, địa lí, văn hóa, cách quan sát và trò chuyện gợi mở, sống động. Những nhân vật mà Hồ Quang Lợi gặp gỡ và đặc tả phần nhiều là các yếu nhân, nguyên thủ quốc gia, nhà lãnh đạo, nhà văn hóa, chính khách tên tuổi. Trong nước là những cuộc gặp gỡ, trò chuyện, phỏng vấn, trải lòng cùng vị Tướng của lòng dân - Đại tướng Võ Nguyễn Giáp; là các cựu Tổng Bí thư của Đảng như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Thủ tướng Phạm Minh Chính, cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan; nhà báo, chính khách Hữu Thọ; nhà báo, dịch giả, nhà văn hóa Phan Quang; Anh hùng Lao động Đặng Vũ Khiêu; vị tướng làm báo Trần Công Mân; nhà sử học Phan Huy Lê, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hồng Đăng,… Ở nước ngoài, Hồ Quang Lợi gặp và phỏng vấn, trò chuyện cùng Tổng thống Pháp F. Mitteerand, Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Mỹ G.Bush, Thượng nghị sĩ John McCain,…
Trong 50 bút kí chân dung, ghi chép sự kiện, bài viết nào cũng thấm đậm tính nhân văn, có thể coi đó là hình mẫu viết bút kí - tả người, tả vật, lấy các sự kiện thời cuộc làm trung tâm, sự nhuần nhuyễn ngôn ngữ báo chí và văn học để nêu bật chủ đích của tác giả.“Lam Hạ - Thời tóc xanh máu lửa” viết về vùng đất ven thành phố Phủ Lí trên trục Quốc lộ 1A, chuyện của xưa và chuyện của nay kết nối, đan xen về “10 cô gái Lam Hạ anh hùng” của một thời hào hùng, làm tôi liên tưởng đến 10 cô gái TNXP ngã ba Đồng Lộc bất tử! Đã có hàng trăm bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng bút kí của Hồ Quang Lợi về “Vị tướng của lòng dân” lại khác biệt, bởi những thông tin mới, quan sát mới, cách viết mới, nội tâm mới.
Hồ Quang Lợi và Anh hùng Lao động, Giáo sư Đặng Vũ Khiêu (1916 - 2021), đại thượng thọ 105 tuổi. Xét về tuổi tác, nhà nghiên cứu Vũ Khiêu là bậc cha chú. Vậy mà hai con người ấy lại thân tin nhau đến lạ, có thể coi 2 trái tim cùng nhịp đập. Khi còn là Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Hồ Quang Lợi đã viết bài coi Giáo sư Vũ Khiêu “Một trí tuệ tác tuyệt”, một đại trí thức Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, một hiền tài sống động, tỏa sáng uyên bác; tâm hồn giàu đẹp, cốt cách cao quý và trái tim nhân ái; hình ảnh sống động của nguyên khí quốc gia, bậc thầy của văn hóa và cái đẹp.
Tôi và Hồ Quang Lợi trưởng thành từ báo Quân đội Nhân dân vốn là hai cây bút viết bình luận thời cuộc, dưới trướng Thiếu tướng, Tổng Biên tập Trần Công Mân. Hồ Quang Lợi làm việc tại báo lính gần 30 năm nên có điều kiện gần gũi, hiểu rõ phẩm cách, tầm cao trí tuệ của Tổng Biên tập. Anh luôn dành cho thủ trưởng của mình lòng kính trọng, yêu quý và biết ơn, bởi từ ông mà nhiều người trong chúng tôi trở thành người làm báo bản lĩnh, trưởng thành. Đọc bút kí “Cuộc dấn thân vì cái mới và chân lí”, Hồ Quang Lợi viết ngày 19/9/2020, cùng với sự trải nghiệm riêng, tôi ngộ ra nhiều điều. Trong tập sách “Người trên đường đời”, Hồ Quang Lợi viết về Tổng Biên tập Trần Công Mân, trí tuệ uyên bác, năng lực ứng phó đầy bản lĩnh, với nhiều chi tiết sống động. Hồ Quang Lợi trải lòng: “Phòng làm việc của ông kê hai chiếc bàn rộng ghép vào nhau, hai bên là hàng chục chiếc ghế mây giống nhau. Đây vừa là nơi ông xử lí công việc hằng ngày, vừa là nơi hội họp của lãnh đạo cơ quan, cho đến ngày ông rời cơ quan về hưu, rồi chuyển sang công tác bên Hội Nhà báo Việt Nam, hầu như mọi đồ dùng trong phòng làm việc của ông vẫn vậy, không mua sắm thêm thứ gì. Tất cả đều giản dị, thanh đạm,… Ông là người rất kiệm lời, không thích hô hào, ghét thói khoa trương, ông lặng lẽ hiến mình cho công việc làm báo mỗi ngày, mỗi bài báo, mỗi số báo. Ông không ưa, hay nói đúng hơn ông không chấp nhận kiểu làm báo chính trị chay, một kiểu làm báo xơ cứng, giáo điều, nặng về tầm chương trích cú, lúc nào cũng đạo mạo lên lớp dạy dỗ xa rời thực tế, không có tính phát hiện, thiếu tinh thần chiến đấu. Trong ông ẩn chứa một năng lực trí tuệ, một năng lực ứng phó đầy bản lĩnh mà đôi khi trong phức tạp, cam go, rối rắm của tình thế, được ông chỉ ra bằng những lời ngắn gọn và bình dị, bỗng thấy mở ra một lối đi sáng rõ…”.
Nhà báo Hồ Quang Lợi kí tặng sách các đồng nghiệp trẻ. |
Tổng Biên tập, Thiếu tướng Trần Công Mân là tấm gương tự học, tự rèn. Ông vừa là nhà quân sự, vừa là nhà báo lại có dáng dấp một chính khách, trái tim nhân hậu - nhân ái. Thời gian lùi xa đã mấy chục năm, tôi vẫn ấm mãi tấm lòng bao dung, nghĩa tình, nhân văn nhưng rất quyết đoán của ông. Một lần Hồ Quang Lợi cõng cô bạn gái Đặng Phương Thảo vượt qua dòng suối lũ trên vùng núi Ba Vì, Sơn Tây. Dư luận đồn thổi, chỉ trích phê phán sự việc này. Chuyện đến tai Tổng biên tập Trần Công Mân, ông hỏi: “Cô cậu ấy chưa lập gia đình riêng, vậy thì có gì sai?”. Và thực tế, sau này Hồ Quang Lợi và Đặng Phương Thảo đã nên vợ nên chồng, về chung một nhà xây đắp nên một gia đình hạnh phúc cho đến tận hôm nay. Lại chuyện, vào một tối đêm khuya tại khu tập thể Báo Quân đội Nhân dân ở xã Nghĩa Đô, lúc đó thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội bị hỏa hoạn do chập điện, Hồ Quang Lợi lao ra giật cầu giao, không may bị điện giật, sau đó lên cơn co thắt động mạch vành, sức khỏe giảm sút. Vị tướng, Tổng Biên tập biểu dương tinh thần dũng cảm quên mình của Hồ Quang Lợi, ông dành luôn cho nhà báo trẻ suất đi an dưỡng cấp Tướng của ông: “Cậu cầm lấy đi nghỉ ngơi cho lại sức khi nào khỏe hẳn mới trở về làm việc”.
Hồ Quang Lợi thủy chung, đạo hiếu.“Mây trắng Đồi 82” là một trong những bút kí xúc động, tôi đọc mà nước mắt cứ nhòe ra. Anh viết từ trái tim yêu thương chú em trai liệt sĩ Hồ Quang Lộc yên nghỉ trên Đồi 82 trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, nghĩa trang liệt sĩ Tây Ninh. Thay mẹ và anh trai cả Hồ Quang Thắng, Hồ Quang Lợi đã cùng các đồng nghiệp lặn lội về Tây Ninh, lên Đồi 82 tìm mộ em trai, sau chuyến đi thăm bộ đội Trường Sa trở về. Những mẩu chuyện tâm linh mà Hồ Quang Lợi kể lại thật lạ mà chí lí như chú em trai tên Lộc trên miền mây trắng biết được, dõi theo bước chân người anh trai yêu quý đi tìm ngôi nhà an nghỉ ngàn thu của mình. Lời nguyền được đọc lên trước mộ cùng nén nhang trầm, bầu trời trong xanh nắng chói chang bỗng nhiên có những đám mây trắng dồn tụ, trời trở nên dịu mát, cây hoa đại được người quản trang trồng lại bên mộ nhú lộc non rung rinh trước gió. Những điều mà Hồ Quang Lợi miêu tả trong bút kí “Mây trắng Đồi 82” sống động, dịu êm, thật tâm linh như có hồn thiêng đâu đó đang dõi theo vậy.
Nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi đang bước vào tuổi thất thập. Sức viết, sức đi, sức sáng tạo trong anh tựa sức trẻ thanh xuân. Nguồn năng lượng dồi dào, sung mãn. Sau khi thôi nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Quang Lợi làm Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani. Anh viết báo mỗi ngày, làm sách, dạy học mỗi tuần, tham gia nhiều sự kiện báo chí, văn học, chính trị - kinh tế - xã hội trong nước, ngoài nước.
Xin chúc mừng “Người trên đường đời” của một cây bút bình luận thời cuộc tên tuổi, mẫn cán, một cây viết bút kí - ghi chép, theo đó thông tin báo chí quyện chặt với bút pháp văn học, thật lãng mạn trong mỗi tác phẩm của anh - nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi.