Người nối nhịp cầu hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại Gia Lai
Nhịp sống văn hóa 25/12/2021 08:21
Nhân dân Campuchia lưu luyến tiễn Bộ đội tình nguyện Việt Nam sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp bạn thoát khỏi họa diệt chủng. |
Trong nước, chúng thực hiện chính sách diệt chủng dã man. Hàng nghìn người dân vô tội và lực lượng kháng chiến đã phải chạy sang nhờ Việt Nam giúp đỡ. Trước tội ác của tập đoàn Khmer Đỏ, từ ngày 25/12/1978, Quân đội ta đã mở Chiến dịch Biên giới Tây Nam đập tan âm mưu lấn chiếm của Khmer Đỏ, phối hợp với Lực lượng Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Polpot- Ieng Sary, dẫn đến thắng lợi lịch sử ngày 7/1/1979.
Năm 1978, theo lệnh Tổng động viên, ông Võ Văn Sung khi đó đang học năm cuối của Trường Trung học phổ thông huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tại Tiểu đoàn 10, Sư đoàn 860 (Quân khu V), năm 1979, đơn vị ông về Sư đoàn 307, huấn luyện lực lượng thanh niên các tỉnh Đông Bắc Campuchia bổ sung cho Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia để phối hợp cùng quân chủ lực ta tiến công giải phóng từ tỉnh Ratanakiri đến ngôi đền cổ Preahvihear (Campuchia). Sau đó, ông chuyển qua Đoàn 5504 rồi về Bộ Tham mưu Mặt trận 579, đóng tại tỉnh Stung Treng. Ông có 37 năm công tác trong lực lượng Quân báo trinh sát, là Chỉ huy Đơn vị 2287 Quân khu V. Nghỉ hưu, ông cùng gia đình ở lại lập nghiệp tại vùng biên giới Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai.
Ông Võ Văn Sung đang viết văn bản bằng chữ Khmer. |
Ông kể: Đơn vị tôi được cấp trên phân công phối hợp cùng lực lượng nổi dậy của bạn, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang các tỉnh Đông Bắc Campuchia, binh vận, địch vận, dân vận để nêu cao chính nghĩa của cuộc chiến tranh nhân dân, do chính nhân dân Campuchia tiến hành với sự giúp đỡ có tính nghĩa vụ quốc tế của ta, giúp bạn giành thắng lợi trọn vẹn. Gia đình tôi và người dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đang được hưởng thành quả của nền hòa bình hữu nghị và đường lối đầu tư đúng đắn của Chính phủ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên mà mình đang ở. Biết ơn là phải tuyên truyền và vun đắp để hòa bình được bền vững”.
Cả cuộc đời ông Võ Văn Sung gắn bó với mối tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia. Hiện nay ông là Trưởng ban Vận động thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Gia Lai.
Năm 2015, ông nghỉ hưu, do giỏi tiếng Khmer, am hiểu sâu sắc tình hình nên các đoàn cán bộ của tỉnh Gia Lai sang thăm làm việc với 3 tỉnh bạn Ratanakiri, Stung Treng và Preahvihear (Vương quốc Campuchia) và các đoàn của 3 tỉnh bạn sang thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai đều mời ông phiên dịch. Ông vừa phiên dịch, vừa truyền cảm hứng về tình hữu nghị cho lãnh đạo. Lãnh đạo các tỉnh Đông Bắc Campuchia hầu hết là thế hệ trẻ, sinh sau chiến tranh (Ông Thong Sa Vun, Tỉnh trưởng Ratanakiri 39 tuổi; ông Un Chan Da, Tỉnh tưởng Preahvihear 41 tuổi). Các lãnh đạo Đảng và Hội đồng như cụ Long So Van, Muong Poi đều trên 70 tuổi nhưng vẫn tại vị. Các chương trình hợp tác trong khu Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, đặc biệt là hợp tác tìm kiếm cất bốc quy tập hồi hương hài cốt liệt sĩ đều cần được quan tâm hợp tác tốt. Do vậy, tỉnh Gia Lai rất cần ông Sung tham gia phiên dịch, như một cố vấn đối ngoại.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai đón hài cốt Bộ đội tình nguyện Việt Nam về nước. |
Ông Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận: “Lần đầu tiên làm Trưởng đoàn thực hiện đối ngoại với 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia nên chúng tôi rất lo lắng, nhưng có ông Sung đi phiên dịch là an tâm, cả đoàn tự tin, vui vẻ và kết quả thành công. Ta và bạn hiểu nhau như anh em thân thiết một nhà và quyết tâm hợp tác tốt”. Kính nể vai trò thường xuyên làm cầu nối hữu nghị của ông Sung, cấp trên yêu cầu và các thành viên CCB, các doanh nghiệp đang công tác đầu tư hợp tác tại Campuchia kiến nghị nên thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Gia Lai để tiếp tục phát huy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
“Các dân tộc tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri có nền văn hóa tương đồng phong phú với nhiều bản sắc dân tộc thể hiện qua nghệ thuật nhà rông, nhà sàn, tượng nhà mồ, các lễ hội dân gian truyền thống. Đặc biệt tại Tây Nguyên có không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Đồng bào các dân tộc ba huyện biên giới tỉnh Ratanakiri có quan hệ gia tộc, dòng họ lâu đời với cộng đồng người J’rai tỉnh Gia Lai. Đáng chú ý, có làng Tên, làng Sơn, Pôk của người J’rai tại huyện Đức Cơ và cũng có tên ba làng này tại huyện O Ya Đao, huyện Bo Keo ở Campuchia, phần đông là bà con có quan hệ huyết thống. Đây là điểm hết sức đặc biệt trong quan hệ cộng đồng dân tộc, là điều kiện thuận lợi trong giao lưu đối ngoại nhân dân để ngày càng hiểu biết, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia”.
Lãnh đạo các tỉnh Preahvihear trong buổi tiễn biệt quân tình nguyện Việt Nam trước tượng đài liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Campuchia tại TP Ta Beng, tỉnh Preahvihear. |
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân ba nước Đông Dương đã liên minh đánh giặc ngoại xâm. Đồng bào các dân tộc Đông Bắc Campuchia và Tây Nguyên Việt Nam dưới sự lãnh đạo của các tù trưởng nổi tiếng như ông Bu Chuong, Bun My (Campuchia) và Anh hùng Núp (Việt Nam) đã khiến kẻ thù thất bại thảm hại. Đồng bào luôn thủy chung, son sắt ủng hộ cách mạng, góp phần xây dựng Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại xuyên qua ba nước, có các căn cứ địa vững chắc như Siempang, Vuon say (Campuchia) hoặc Cửa Khẩu Lệ Thanh, Đức Cơ, Chư Prông, Sa Thầy, Đắk Tô (Việt Nam), góp phần giải phóng Campuchia ngày 7/1/1979.
Ngày nay, ba nước Đông Dương sạch bóng quân thù, có hòa bình ổn định nhưng nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia vẫn còn đói nghèo lạc hậu. Chính phủ ba nước đã có chủ trương đầu tư xây dựng Khu Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, khu vực Tiểu vùng sông Mekong, tuyến hành lang Đông Tây để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Tỉnh Gia Lai đã tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời giúp các tỉnh bạn xây dựng tiền đề của kế hoạch hợp tác. Những năm qua, nhiều chương trình hữu nghị đặc biệt đã được tổ chức thông qua kênh đối ngoại nhân dân do Mặt trận Tổ quốc hai nước làm nòng cốt thực hiện
Gia Lai là địa bàn chiến lược, là cửa ngõ quan trọng, là yết hầu kinh tế giữa Tây Nguyên và các tỉnh Đông Bắc Campuchia cần sớm hình thành Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia để tiếp sức cho hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Với 61 tuổi đời, 37 tuổi quân, Thượng tá Võ Văn Sung luôn đau đáu bầu nhiệt huyết, xứng đáng là cây cầu nối xây dựng tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Vương quốc Campuchia ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững.