Người đưa sản phẩm zèng truyền thống ra thế giới
Đời sống 20/10/2023 10:25
Tiếng Tà Ôi, dệt thổ cẩm được gọi là dệt zèng, mang nét đẹp mộc mạc như chính con người vùng biên. “Chào đời là đã thấy cái khung dệt, cả nhà tôi đều dệt zèng. Đòi mẹ cho dệt, mẹ bảo tước bẹ chuối làm sợi. Sau nhiều năm mày mò tập luyện, đến năm 15 tuổi, lần đầu tôi tự dệt được một tấm zèng hoàn chỉnh, mừng lắm. Dệt zèng từ đó vận vào người, lấy chồng, khung dệt zèng cũng đi theo về nhà chồng”. Nghệ nhân Mai Thị Hợp bộc bạch.
Cuộc sống hiện tại, những người biết dệt zèng hầu hết đã lớn tuổi, lại thêm sự phát triển của ngành may mặc, nhu cầu và thị hiếu của người sử dụng cũng đã thay đổi. Người trẻ lại không còn mặn mà với nghề dệt zèng, thích sự tiện lợi, thời trang... Ðứng trước nguy cơ mai một của nghề dệt truyền thống, bà Hợp đã trăn trở, quyết tâm khôi phục lại nghề. Năm 2004, bà Hợp đứng ra thành lập tổ dệt cho chị em tại xã A Ðớt. Không lâu sau đó, tổ dệt được nâng cấp lên thành Hợp tác xã (HTX) lấy tên Aza Koonh. Nghề dệt cổ truyền của dân tộc Tà Ôi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nghệ nhân Mai Thị Hợp (người ngoài cùng bên trái ) |
Ở tuổi ngoài 60, với bàn tay khéo léo, khung cửi đơn sơ, bà Hợp vẫn có thể dệt trên 10 loại zèng khác nhau. Bà pha chế nhiều màu sắc bằng lá cây như trắng, vàng, hồng, xanh lá để tạo nên những tấm zèng đa dạng màu sắc, mẫu mã cũng ngày càng đa dạng theo nhu cầu của thị trường. Không chỉ tạo việc làm, nâng cao tay nghề cho chị em, bà Hợp còn sáng tạo nhiều mẫu mã và họa tiết mới rồi hướng dẫn cho chị em cùng làm.
Với vai trò là Giám đốc HTX, nghệ nhân Mai Thị Hợp đã chủ động, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, Festival nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt zèng đến đông đảo người dân. Năm 2015, thổ cẩm của đồng bào Tà Ôi có cơ hội được trình diễn ở Nhật Bản và bà Hợp là người đại diện cho phụ nữ Tà Ôi tham gia thao diễn nghề tại Trung tâm hội nghị quốc tế Fukuoka. Tiếp đến là những chuyến đi "khoe" nghề zèng ở châu Âu, Thái Lan,… Người Nhật Bản đặc biệt yêu thích sản phẩm zèng, bởi sự gần gũi với môi trường. Người Pháp thích bộ đồ thổ cẩm có tông màu đỏ và hoa văn hoa sim rất đặc trưng do chính bà Hợp thiết kế và được dệt thủ công. Khách quốc tế khi được tận mắt chứng kiến đều vô cùng ngưỡng mộ kĩ thuật đánh cườm hai mặt ở sản phẩm thổ cẩm của người Tà Ôi, người thợ đã khéo léo đưa những hạt cườm trực tiếp vào sản phẩm để dệt thay vì kết dính lên vải. Đây là cách tạo nên hoa văn rất chắc chắn, khó có thể làm rơi.
Ðến nay, sản phẩm zèng A Lưới được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến, yêu thích. Mới đây, HTX Thổ cẩm Aza Kooh nhận được một hợp đồng sản xuất zèng từ Canada.
Hiện ở huyện A Lưới có gần chục cơ sở dệt zèng, đó là tín hiệu vui nhưng để giữ được nghề, giữ gìn được bản sắc và đặc biệt sống được với nghề dệt zèng là điều không hề dễ dàng. Nghệ nhân Mai Thị Hợp chia sẻ: "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ðể gìn giữ, bảo tồn và phát triển, dệt zèng cần phải "sống" được trong bối cảnh đầy những thách thức như hiện nay. Còn hiện lớp trẻ cần được truyền dạy kĩ thuật dệt zèng, để từ đó "thắp lửa" tình yêu với nghề truyền thống của dân tộc mình, biết trân quý nghề dệt zèng truyền thống, đồng thời biết cách bảo tồn và làm giàu từ di sản mà ông cha để lại”.