Người đàn ông dệt thổ cẩm ở Pa Nho
Văn hóa - Thể thao 30/07/2024 09:27
Thô kệch dựng lấy gấm hoa
Đã từng nghĩ sẽ chẳng bao giờ vướng vào gấm hoa thổ cẩm, vậy mà chẳng biết mạch ngầm run rủi nào khiến người đàn ông này lại trở thành nghệ nhân thổ cẩm. Cái tên “nghệ nhân thổ cẩm” là do người làng, người Vân Kiều vùng đất này đặt cho ông, bởi bây giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay người Vân Kiều biết những cách thức dệt thổ cẩm của cha ông mà thôi. Và hơn thế nữa, nghệ nhân Hồ Văn Hồi, bản Pa Nho, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa cũng chính là người ít ỏi còn lại đi khắp các vùng miền Tây Quảng Trị để dạy đồng bào mình cách dệt thổ cẩm.
Khi nền kinh tế thị trường đã khiến nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Vân Kiều - Pa Kô dần mai một, hình ảnh người dân bên khung cửi dệt thổ cẩm đã dần trở nên xa lạ với nhiều người, thế nhưng tại bản Pa Nho này ông Hồi vẫn âm thầm ngày đêm miệt mài bên khung cửi, gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào mình ở lại với bản làng.
Nghệ nhân Hồ Văn Hồi (bên trái) cùng nghệ nhân Kray Sức trong dịp Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các già làng, nghệ nhân tiêu biểu tại Hà Nội đầu năm 2024. (ảnh nhân vật cung cấp) |
Sinh ra và lớn lên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đại ngàn Trường Sơn, nơi có nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều, ông thấy tiếc khi đồng bào mình đang dần phai nhạt những giá trị văn hóa dân tộc, mà thổ cẩm là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất.
Phải làm sao để người Vân Kiều mình yêu lại thổ cẩm của dân tộc, phải làm sao cho nhiều người thấy được cái đẹp, cái hay, cái sắc sảo của thổ cẩm và hơn nữa phải làm sao cho thổ cẩm của mình sống dậy, thành sản phẩm bán được, thành mặt hàng độc đáo, thành điểm nhấn mỗi khi về với Quảng Trị.
Những suy nghĩ ấy thôi thúc ông mãi. Gần 27 năm trời, ông đã đi tìm, đã sưu tập, đã học và đã dệt thành thạo thổ cẩm của dân tộc mình. Chặng đường ấy đâu phải ngắn ngủi và dễ dàng, nhất là với một người đàn ông. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tích lũy kinh nghiệm. Ngay cả với nghệ nhân Hồ Văn Hồi cũng mất gần 10 năm mới thuần thục tay nghề. Tiếng khung cửi lách cách là thanh âm vui tươi báo hiệu giấc mơ hồi sinh nghề dệt thổ cẩm ở Hướng Hóa này đã trở thành hiện thực.
Để làm ra một bộ trang phục truyền thống phải mất nhiều tháng trời mới hoàn thành. |
Để dệt một tấm thổ cẩm đẹp, người nghệ nhân cần có sự tỉ mỉ, cần cù, tư thế ngồi song song với khung dệt, chân phải đạp mạnh, tay chắc để cho tấm vải bền và cứng. Ngoài ra, tùy năng khiếu, sở thích của từng người, mỗi tấm thổ cẩm có nét hoa văn riêng. Để làm ra một tấm vải đúng chất, không đơn giản là chỉ học kĩ thuật và dệt mà vấn đề là phải hiểu nó, đặc biệt là những hoa văn truyền thống trên đó. Màu nào, họa tiết nào biểu thị cho điều gì. Tuy nhiên, con đường khôi phục và giữ nghề truyền thống của người dân nơi đây vẫn còn lắm chông gai.
Mở hướng đi cho thổ cẩm
Trong tâm trí, trái tim người đàn ông này, khát khao góp sức bảo tồn, phát huy nét văn hóa tốt đẹp của người Vân Kiều dường như chưa bao giờ vơi cạn. “Tôi rồi sẽ về với đất như bao người Vân Kiều khác, nhưng tấm áo thổ cẩm của đồng bào tôi sẽ còn mãi”, ông Hồi chia sẻ. Tuy nhiên, ông hiểu sâu sắc rằng, để giúp nghề dệt thổ cẩm sống được, điều cần thiết và quan trọng nhất chính là tìm đầu ra cho sản phẩm truyền thống.
Nghệ nhân Hồ Văn Hồi (bên phải) cùng với nhiều người già khác thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy kỹ năng biểu diễn cồng chiêng, nhạc cụ, điệu múa truyền thống cho mọi người |
Không muốn nghề dệt thổ cẩm bị mai một, thời gian qua, ông Hồi cùng nhiều người Vân Kiều, Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị sau khi học được nghề dệt thổ cẩm cũng đã sử dụng những cách làm mới để quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm truyền thống. Trong quá trình góp sức giữ “hồn” dân tộc bằng cách riêng, họ sớm nhận ra điểm mấu chốt để nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy nghề mà ông cha để lại. Để làm được điều ấy, hơn ba năm qua ông Hồi đã thử nghiệm nhiều cách, trong đó có đưa sản phẩm mà mình làm ra lên mạng xã hội. Điều khiến ông Hồi rất mừng là hình ảnh những chiếc áo, xấn, khăn... mà ông chia sẻ lại thu hút sự quan tâm của nhiều người. Từ đây, các đơn hàng đến với ông và những người thợ dệt khác ngày càng nhiều.
Sau khi mua trang phục thổ cẩm thấy bảo đảm chất lượng, cầu kì, đẹp mắt, phần lớn khách hàng đã quay trở lại. Họ chấp nhận bỏ ra số tiền lớn hơn để có những thiết kế như mình mong muốn. “Phụ nữ dệt đã khó, nam giới như tôi càng khó hơn, nhưng không vì vậy mà tôi nản, bỏ giữa chừng. Ngược lại càng khó, tôi càng cố gắng, làm ra một sản phẩm thì tinh thần lại được nhân lên gấp bội. Từ ngày đưa sản phẩm lên mạng xã hội, tôi phải thu xếp nhiều thời gian mới hoàn thành đủ và kịp tiến độ các đơn hàng. Dù giá một bộ thổ cẩm khá cao, dao động từ 600 đến gần 1 triệu đồng nhưng họ vẫn không chần chừ đặt mua. Trung bình mỗi tháng, tôi đưa vài chục bộ thổ cẩm đến tay khách hàng. Nếu có chính sách đầu tư hợp lí của Nhà nước, cùng những biện pháp thực tế tạo được đầu ra tốt cho sản phẩm, nghề dệt thổ cẩm mới thu hút được nhiều nghệ nhân, nhất là những người trẻ”, ông Hồi cho biết.
Để giữ cho thổ cẩm của đồng bào mình được lưu truyền, ông Hồi dành nhiều thời gian đi qua nhiều bản làng của huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa để dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con dân bản. Cũng từ đó, dệt thổ cẩm đã ăn sâu, bám rễ vào suy nghĩ của nhiều người như chính đứa con tinh thần được ông nuôi nấng, chăm chút mỗi ngày.
Không chỉ giỏi nghề dệt, ông Hồi cũng là một tay chơi các loại nhạc cụ dân tộc cự phách. Ông cùng với nhiều người già khác thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy kĩ năng biểu diễn cồng chiêng cũng như những loại nhạc cụ, điệu múa truyền thống phục vụ biểu diễn cồng chiêng; tạo môi trường giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống. Qua đó, từng bước khôi phục và hạn chế sự mai một của nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Giờ đây tập luyện văn nghệ không chỉ để gìn giữ bản sắc, mà còn biểu diễn nhân dịp diễn ra các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của quê hương, đất nước. Phần lời của các làn điệu: Oát, Xà Nớt, Tà Oải… có nội dung hướng đến ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng đất nước mạnh giàu. Các nghệ nhân chuyển tải tâm sự qua tiếng cồng chiêng, khèn bè, sáo Tirel… dường như ngọt ngào hơn. Nhiều điệu múa đặc trưng của người Vân Kiều được trai gái trong bản biến tấu hết sức độc đáo.
“Hiện nay ngành văn hóa đang nỗ lực khôi phục và bảo tồn dệt thổ cẩm của người Bru Vân Kiều. Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức mời những nghệ nhân lớn tuổi để truyền dạy cho các học viên trẻ người bản địa. Đã có nhiều người học được cách dệt truyền thống của dân tộc và đang từng bước mở rộng nghề dệt thổ cẩm này. Để gìn giữ và phát triển vốn văn hóa tốt đẹp của dân tộc, ông Hồ Văn Hồi đã nỗ lực trao truyền cho thế hệ trẻ, với mong ước bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa cho muôn đời sau”, ông Nguyễn Hưng, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết.