Người cao tuổi là F0 cần lưu ý những gì?
Chăm sóc NCT 22/02/2022 17:35
Để đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi, người chăm sóc cần theo dõi sát sao, phòng tránh nguy cơ bệnh diễn biến nặng, đặc biệt, khi nhận thấy những dấu cảnh báo khẩn cấp cần chuyển ngay người bệnh tới bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Người cao tuổi là F0 cần lưu ý những gì? Ảnh minh họa |
Người cao tuổi là F0 cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng bệnh lý và sử dụng thuốc đang điều trị bệnh sẵn có theo chỉ định của bác sĩ điều trị (không bỏ thuốc). Tăng cường luyện tập tại phòng cách ly, trên giường tuỳ theo điều kiện bằng các bài tập phục hồi chức năng, xoa bóp, hỗ trợ tập luyện để nâng cao sức khỏe.
Thực hiện nếp sống, sinh hoạt lành mạnh, khoa học. Tuân thủ chế độ ăn đủ dinh dưỡng 1.700-1.900 Kcal/ngày. Chú ý cân đối dinh dưỡng bữa ăn, lành mạnh, nhiều rau xanh để giúp việc tiêu hóa tốt hơn và tránh được táo bón. Bảo đảm ăn 3-4 bữa mỗi ngày, nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng từ 1-2 cốc mỗi ngày.
Hạn chế món ăn chứa nhiều mỡ động vật và chất béo no như đồ nguội, đồ chế biến sẵn, thịt đông, giò thủ, lạp xưởng, bánh chưng,… Hạn chế muối và các món ăn chứa nhiều muối, các loại đồ ngọt và đồ uống có cồn.
Tránh ăn quá no dễ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa, cũng như không nên kiêng khem quá mức. Bên cạnh đó, ưu tiên những thức ăn mềm, dễ nhai, dễ tiêu, ăn chậm, nhai kỹ. Đảm bảo lượng nước khoảng 1.5 - 2L nước/ngày, bao gồm nước lọc, nước canh, nước trong trái cây…
Người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mãn tính thuộc nhóm nguy cơ cần được ưu tiên bảo vệ nhằm hạn chế mắc COVID-19 cũng như giảm khả năng bệnh diễn tiến nặng và tử vong.
Dấu hiệu nguy hiểm cần báo ngay với nhân viên y tế:
- Khó thở, thở hụt hơi.
- Nhịp thở tăng trên 21 lần/phút.
- SpO2 dưới 95%. Khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.
- Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 lần/phút.
- Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
- Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả.
- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
- Bất kỳ tình trạng nào mà người bệnh cảm thấy không ổn, lo lắng.
Người cao tuổi bị hạ đường huyết nguy hiểm như thế nào? Khi lượng đường trong máu (glucose) thấp bất thường giảm xuống dưới mức 3.9 mmol/l thì đồng nghĩa với tình trạng bị hạ đường huyết. ... |
Hà Nội: Phấn đấu năm 2030, 100% người cao tuổi có thẻ BHYT UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi đến ... |