Người cao tuổi Hà Nam làm giàu với nhiều mô hình hiệu quả
NCT làm kinh tế giỏi 01/09/2023 13:17
Ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh Hà Nam |
Đến nay, toàn tỉnh có hàng nghìn lượt NCT trực tiếp sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực, ngành nghề và sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh như: Chủ trang trại nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, trồng trọt, chăn nuôi, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cửa hàng, nghệ nhân, doanh nhân trên các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại… Ngoài ra, còn giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hàng hàng nghìn lao động, gương mẫu thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, hiến đất, hiến kế, tự nguyện đóng góp nhiều tỉ đồng xây dựng hạ tầng điện, đường, trường, trạm, tín ngưỡng tâm linh và các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động.
Tiêu biểu là bà Trần Thị Loan, Giám đốc Công ty Lương thực Hà Nam Ninh, kết hợp trồng hoa lan theo hướng công nghiệp, với kinh doanh chế biến lương thực bảo đảm chất lượng, thương hiệu. Giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập bình quân trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng. Với thu nhập hàng trăm tỉ đồng/năm, bà thường xuyên đóng góp ủng hộ công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo hàng trăm triệu đồng mỗi năm; ông Vũ Văn Chung, chủ trang trại đa canh thôn Tiêu Hạ Bắc, xã Tiêu Động; bà Nguyễn Thị Kim Đĩnh, chuyên kinh doanh cung ứng cây bóng mát ở Tổ dân phố (TDP) Bình Long, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục thu nhập đạt 400 – 600 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Quang, thôn Hạ Muồn Cao, xã Trần Hưng Đạo, hội viên NCT luôn gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cùng với lãnh đạo thôn làm tốt công tác xã hội hóa đã vận động được 24 triệu đồng lắp đặt 9 camera an ninh và đèn chiếu sáng 1 tuyến đường trị giá trên 150 triệu đồng.
Ngoài ra, ông còn tích cực đưa các tiến bộ khoa học kĩ thuật (KHKT), chuyển đổi mô hình từ sản xuất thuần nông sang sản xuất đa canh, chuyên canh nuôi thả cá Koi Nhật Bản, trồng cây cảnh, cây ăn quả, mỗi năm thu lãi trên 500 - 800 triệu đồng; bà Vũ Thị Hồng chủ doanh nghiệp, TDP số 12, phường Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý sản xuất, kinh doanh sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp thu nhập mỗi năm đạt trên 500 triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng…
Nhiều NCT đã chuyển đổi từ chỗ cấy kém hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản đạt kết quả cao |
Mặt khác, nhiều NCT còn mạnh dạn thay đổi tư duy chăn nuôi tự phát, phân tán để đầu tư chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại, công nghệ cao như: Mô hình nuôi cá lồng của ông Nguyễn Xuân Đô, xã Chuyên Ngoại, TX Duy Tiên; ông Lê Văn Thểu với trang trại nuôi cá trắm đen ở thôn 2, xã An Nội; ông Nuyễn Đức Tiễn làm trang trại chăn nuôi gia cầm ở thôn 2 Tiến Lý, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục; ông Nguyễn Hà Hoàn, thôn Tân Lang, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, xây dựng trang trại chăn nuôi gà, vịt, tạo việc làm cho người lao động, doanh thu mỗi năm hàng tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh Hà Nam cho biết: Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của NCT trong tỉnh được các cấp Hội NCT quan tâm, nhiều hội xã, phường thị trấn có phong trào mạnh. Tuy nhiên, NCT thường ít có cơ hội tiếp cận vốn vay Ngân hàng, chủ yếu bằng nội lực, sự giúp đỡ vốn sản xuất kinh doanh từ con cháu; việc tiếp cận KHKT trong thời điểm công nghệ thông tin bùng nổ mạnh chưa nhiều. Nhà nước chưa có ưu đãi về chế độ, chính sách khi NCT là chủ doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thu hút người lao động là NCT; một số nơi cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở cơ sở...
Vì vậy, để phong trào NCT làm kinh tế giỏi phát triển mạnh mẽ, sâu rộng rất cần các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm hơn về cơ chế, chính sách. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho NCT tham gia phát triển kinh tế, khởi nghiệp phù hợp, góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển KT-XH tại địa phương./..