Nghị lực phi thường của bà tôi
Tâm sự 16/02/2024 10:04
Tốt nghiệp cấp 3 loại khá, nhưng bà tôi không thi đại học mà ở nhà nuôi mẹ và em gái bị bệnh tâm thần. Năm 1977, bà xây dựng gia đình với ông tôi - ông Đoàn Văn Chiến rồi làm nghề rèn; cái nghề “Mồ hôi đổ, mẹ oằn lưng quai búa/ Mồ hôi cha ướt đẫm cả gọng kìm”, cực kì vất vả đối với phụ nữ.
Đất nước sau chiến tranh, kinh tế khó khăn, bà một lúc gánh trên vai nhiệm vụ của người con dâu nuôi bố mẹ chồng, phụ giúp mẹ đẻ và em gái; đồng thời phải hoàn thành trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Khó khăn là thế, nhưng bà quyết tâm nuôi con thành kĩ sư, bác sĩ. Bây giờ đã làm bà của 10 cháu ngoại nhưng bà tôi vẫn không quên những rủi ro ập đến, bà kể: “Năm 1982, bà bị đau ruột thừa cấp, nếu không có bạn bè, hàng xóm quyên góp tiền rồi cáng đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh mổ cấp cứu thì không bao giờ có cuộc sống như ngày hôm nay”. Nói rồi, bà lấy khăn lau những giọt nước mắt lăn trên đuôi mắt nhăn nheo. Nhưng khi ngước lên nhìn những tờ Giấy khen về thành tích học tập của 5 người con, bà thấy hài lòng, niềm vui như được nhân lên, át đi nỗi buồn quá khứ.
Bà Vui đang sửa máy mài kéo. |
Thấy hoàn cảnh của bà, nhiều người đã cảm thông sâu sắc với bà, khi bà sinh toàn con gái. Trong khi nhiều người thân của bà còn quan niệm “Nhất nam viết hữu/ Thập nữ viết vô”. Hơn thế, bố mẹ chồng bà chỉ sinh được một người con trai là chồng bà.
Nhưng ý tưởng: “Dù khó khăn đến mấy cũng nuôi con thành kĩ sư, bác sĩ đã giúp bà không ngã gục trước hoàn cảnh khó khăn chồng chất khó khăn cả về kinh tế và sự hắt hủi không “biết” sinh con trai của một số người thân, đôi khi trong cả cộng đồng nữa.
Để động viên an ủi chồng, bà dậy sớm một mình chân đạp bễ lò rèn, mắt đăm đăm nhìn vào những thanh sắt trong lò, khi phát hiện sắt đã chín đỏ thì dừng bễ, rút sắt ra đặt trên đe quai búa rèn thành những chiếc phôi kéo,… rồi nấu bữa sáng để các con ăn trước đi học.
Một người bạn đến nhà thấy bà ngồi khóc nức nở ở góc bếp. Từ chuyện của bà, người bạn đó đã trăn trở viết bài thơ: “Sinh đẻ kế hoạch”, trong đó có 2 câu: “Gái trai cũng mẹ sinh ra/ Con là của mẹ-mẹ là của con”; rồi đưa cho bà. Vừa đọc, bà vừa rưng rưng nước mắt, coi đây là cái phao để mọi người hiểu và giải cứu hoàn cảnh. Người bạn khuyên, nên viết vào tờ giấy rồi dán trên vỏ phích nước để mọi người trong nhà cùng đọc và suy ngẫm. Bà làm theo. Như mưa dầm thấm lâu, từ đó nhiều người trong nhà cũng bớt đi phần mặc cảm. Lúc ấy, người con gái lớn đang học THCS đọc và khóc.
Từ hôm đó, khi về đến nhà là người con cả hăng hái phụ giúp mẹ những công việc phù hợp. Noi theo chị cả, các em bắt chước làm theo tạo nên không khí lao động vui vẻ, gia đình trở nên ấm cúng hơn. Việc làm ấy có tác động đến bố mẹ chồng và cả chồng nữa.
Khi có điện lưới về làng, bà vay tiền ngân hàng mua chiếc máy đột để sản xuất kéo cho bớt sức lao động cơ bắp. Có máy, hàng ra đều, nhiều hơn, đời sống bớt khó khăn. Đặc biệt khi người con gái đầu lòng thi đỗ Trường Đại học sư phạm Kĩ thuật thì sự mặc cảm không còn. Đến người con gái thứ hai, thư ba đỗ đại học thì không ai nghĩ đến sự phân biệt trai gái nữa. Thế nhưng căn bệnh tim lại ập đến với bà. Sau nhiều lần chữa chạy, cuối cùng bác sĩ yêu cầu cắt giây thần kinh tim. Bà nghĩ “miễn là sống để nhìn thấy con cháu trưởng thành” nên đồng ý. Bệnh tim đỡ, nhưng lại tiếp đến căn bệnh tiền đình do thiếu máu não. Bà chia sẻ: “Bệnh tiền đình dễ khắc phục hơn. Được cái các cháu ngoan, chị em chúng nó thương nhau lắm. Đứa chị giúp đứa em, cứ thế 5 chị em đều tốt nghiệp đại học”.
Trong xóm ngoài làng ai cũng thán phục bà tôi từ hai bàn tay trắng nuôi 5 con. Không những thế, bà còn tích cực tham gia công tác của Chi hội NCT, Chi hội Phụ nữ. Đã bước sang tuổi 65 rồi, bà vẫn hăng say lao động, miệt mài bên chiếc máy mài kéo. Bạn bà bảo: “Các cháu gửi tiền về, bà sức lại yếu nên nghỉ ngơi thôi. “Bà với tay tắt cầu giao điện, trả lời: “Vâng, hằng tháng các cháu gửi tiền về đều đặn, nhưng tôi nghĩ: Mình là con nhà lao động, bây gờ nghỉ ngơi cũng buồn. Để không vướng vào cảnh “Nhàn cư vi lắm chuyện” tôi làm cho vui”. “Thế là niềm vui được nhân đôi rồi”- Tôi xen vào. Bà cười, rồi nói: “Với lại đồng tiền các cháu gửi về có ý nghĩa khác với đồng tiền mình làm ra”.
Quả thế, có đồng tiền tự làm ra là rất đáng quý, bà tích cực đóng góp các khoản hội phí đều và ủng hộ các cuộc vận động gây Quỹ Tình nghĩa, Quỹ vì người nghèo, Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT. Mỗi khi con cháu về chơi, bà lại dùng đồng tiền của mình mua sắm thức ăn, mừng tuổi vào dịp Tết, mua quà sinh nhật cho cháu. Nhìn nét mặt rạng rỡ của bà, tôi thấy tự hào là cháu của bà.