Ngày Quốc tế NCT và Tháng hành động vì NCT ở Việt Nam
Năm nay, thế giới kỉ niệm 33 năm Ngày Quốc tế NCT (1/10) và là năm thứ 9 Việt Nam triển khai Quyết định số 544 ngày 25/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ lấy tháng 10 hằng năm là Tháng hành động vì NCT Việt Nam (Tháng hành động). Những năm qua, già hóa dân số được coi là vấn đề toàn cầu, được đặt lên bàn nghị sự, đưa vào nhiều chương trình của Liên Hợp Quốc và các quốc gia, trong đó có Việt Nam. |
Già hóa dân số - vấn đề toàn cầu và khuyến cáo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA)
Đến cuối năm 2022, dân số thế giới đạt khoảng 8 tỉ người. Theo dự báo, năm 2030 sẽ đạt 8,5 tỉ người, năm 2037 là 9 tỉ, 2050 khoảng 9,7 tỉ người, và 2080 sẽ có 10,4 tỉ người. Năm 2012, thế giới có 850 triệu NCT từ 60 tuổi trở lên (chiếm 11,5%), dự báo đạt 2 tỉ người vào 2050 (22%). Năm 2022 có khoảng 800 triệu NCT từ 65 tuổi trở lên (9,7%); dự báo năm 2030 sẽ tăng lên 11,7%, năm 2050 là 16,4%. Nhật Bản đang là quốc gia “siêu già”, có trên 30% dân số từ 60 tuổi trở lên. Đến 2050, có 64 quốc gia siêu già. Năm 2022, tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 73 tuổi; dự báo đến 2045-2050, tuổi thọ trung bình sẽ là 83 tuổi ở các nước phát triển, 74 tuổi ở các nước đang phát triển. Số người thọ trên 100 tuổi từ 316.000 năm 2011 lên 3,2 triệu người vào năm 2050. Theo các chuyên gia, già hóa là thành tựu của quá trình phát triển, tạo ra thị trường mới đáp ứng nhu cầu của NCT (bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, dược phẩm, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dưỡng lão...). Song cũng đặt ra thách thức về kinh tế, xã hội và văn hóa, lối sống cho các cá nhân, gia đình, xã hội (thiếu hụt lao động, an sinh xã hội, lương hưu, chi tiêu công, y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giao thông; thay đổi cấu trúc gia đình)… |
Trước vấn đề già hóa dân số đang tăng nhanh hiện nay, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đưa ra khuyến cáo 10 chính sách ưu tiên để các quốc gia tận dụng cơ hội của già hóa dân số. Đó là: (1) Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cấp quốc gia và địa phương; điều chỉnh chính sách kinh tế - xã hội để thích ứng với già hóa. (2) Đảm bảo NCT được tôn trọng và an sinh, tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, có thu nhập tối thiểu thông qua sàn an sinh xã hội; cần có tầm nhìn dài hạn, cam kết chính trị mạnh mẽ và nguồn ngân sách đảm bảo. (3) Hỗ trợ cộng đồng và gia đình xây dựng mạng lưới hỗ trợ để NCT già yếu được chăm sóc lâu dài. (4) Đầu tư cho giới trẻ - NCT trong tương lai thúc đẩy thói quen có lợi về sức khỏe, cơ hội giáo dục, việc làm, tham gia hệ thống an sinh. (5) Hỗ trợ các nghiên cứu so sánh về già hóa trong nước và quốc tế cung cấp cho xây dựng chính sách. (6) Lồng ghép vấn đề già hóa trong các nghiên cứu về giới và ngược lại. (7) Đảm bảo vấn đề già hóa và nhu cầu của NCT được tính đến trong các chính sách phát triển quốc gia. (8) Đảm bảo vấn đề già hóa và NCT được tính đến trong các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai. (9) Xây dựng các mục tiêu, chỉ số cụ thể về già hóa. (10) Xây dựng văn hóa về tuổi già, NCT là thành viên tích cực của cộng đồng; ngăn chặn, xử lí các hành vi phân biệt đối xử với NCT. |
Già hóa dân số và các chính sách thích ứng già hóa dân số ở Việt Nam
Theo số liệu tổng điều tra dân số, ngày 1/4/2021, dân số Việt Nam đạt 98,2 triệu người, trong đó có 12,5 triệu NCT từ 60 trở lên (12,8%); 8,1 triệu người từ 65 tuổi trở lên (8,3%); gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (2%). Giai đoạn 2009-2019, dân số tăng bình quân 1,14%/năm, trong khi dân số cao tuổi tăng bình quân 4,35%/năm, bình quân mỗi năm tăng 400 nghìn NCT; sang giai đoạn 2019 - 2021, bình quân tăng 600 nghìn NCT mỗi năm. Dự báo đến 2029, Việt Nam có 17,2 triệu NCT (16,5% dân số và năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn “dân số già”, khi có khoảng 15,46 triệu NCT từ 65 tuổi trở lên, đạt 14,17% dân số. Hiện tuổi thọ trung bình của nước ta đạt 73,6 tuổi; trong đó trung bình tuổi nam 71,1 và nữ 76,4 tuổi. Thông tin từ Hội NCT Việt Nam và các cơ quan chức năng, hằng năm có trên 1,1 triệu NCT được chúc thọ, mừng thọ; 3 triệu NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu NCT được khám sức khỏe định kì; trên 95% NCT có thẻ bảo hiểm y tế; cả nước có trên 77.000 CLB văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của NCT, thu hút 2,5 triệu NCT tham gia. Thực hiện Đề án 1533 và 1336 của Chính phủ, Hội NCT đã tham mưu, phối hợp thành lập hàng nghìn CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút hàng vạn người tham gia; mô hình này được quốc tế đánh giá cao, đoạt giải Nhất “Sáng kiến vì một Châu Á già hóa khỏe mạnh”. |
Tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hiện có 6,5 triệu NCT trực tiếp tham gia lao động, sản xuất; nhiều NCT làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh; hàng trăm nghìn NCT đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi; 656 nghìn NCT tham gia công tác đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở; 64% số hội viên Hội Khuyến học là NCT… Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành nhận thức sâu sắc về vai trò, vị thế, sự đóng góp quan trọng của NCT và dành sự quan tâm đặc biệt, có nhiều chính sách thiết thực nhằm bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò NCT; coi NCT là nền tảng của gia đình, nguồn lực quan trọng của sự phát triển xã hội, là lớp người có công lớn đối với gia đình, xã hội và đất nước, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc; khi tuổi cao vẫn tiếp tục đem trí tuệ, tài năng, kinh nghiệm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều 37, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “NCT được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Điều 59 “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp NCT, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”. Luật NCT năm 2009 quy định 5 nhóm chính sách đối với NCT bao gồm: Chăm sóc sức khỏe; hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, giao thông công cộng; bảo trợ xã hội; chúc thọ, mừng thọ và tổ chức tang lễ; phát huy vai trò NCT. Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Trợ giúp pháp lí đều quy định cụ thể chính sách với NCT. Nghị quyết số 21, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) ngày 25/10/2017 về công tác dân số nhấn mạnh: “Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số”; các mục tiêu “Đến năm 2030, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% NCT có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lí sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của NCT trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc NCT. Bảo trợ, giúp đỡ NCT gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa”. Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030 có Mục tiêu 8 về Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe NCT. Chương trình Hành động Quốc gia về NCT giai đoạn 2021 - 2030 gồm 13 mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Chương trình chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030 đề ra 14 mục tiêu… |
Tháng hành động vì NCT Việt Nam năm 2023
Ngày 25/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 544 lấy tháng 10 hằng năm là Tháng hành động vì NCT Việt Nam. Được giao nhiệm vụ là Cơ quan Thường trực Tháng hành động, Hội NCT Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu, phối hợp, triển khai các nội dung hoạt động. Hội NCT các cấp là nòng cốt trong bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò NCT; là tổ chức xã hội, đại diện cho nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của NCT. Trên cơ sở Quyết định số 544 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam phát động Tháng hành động vì NCT Việt Nam năm 2023 với chủ đề “NCT được phát huy và chăm sóc đầy đủ”. Đồng thời ban hành Kế hoạch triển khai đến các Bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó, từ tháng 10 đến cuối năm, tổ chức đợt cao điểm Tháng hành động vì NCT. |
Theo đó, Lễ phát động Tháng hành động vì NCT phù hợp, bảo đảm yêu cầu và phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền hình, kết hợp truyền thông trực quan như treo khẩu hiệu, tờ rơi, tư vấn tại cộng đồng) về pháp luật, chính sách cho NCT; những thuận lợi, khó khăn khi nước ta đang trong thời kì già hóa dân số... Phát triển và duy trì hoạt động các các loại hình CLB văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp với NCT; nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) theo Quyết định 1336 của Thủ tướng Chính phủ. |
Huy động nguồn lực, vận động xã hội chung tay chăm sóc, bảo vệ, phát huy vai trò NCT. Tổ chức thăm, tặng quà động viên giúp đỡ NCT nghèo, NCT hoàn cảnh khó khăn. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển Quỹ chăm sóc và Phát huy vai trò NCT ở cơ sở để hỗ trợ NCT khởi nghiệp và thực hiện tốt Chương trình Chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030. Hưởng ứng Tháng hành động vì NCT Việt Nam là việc làm có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu thảo của con cháu với bố mẹ, ông bà và tinh thần “Kính lão, trọng thọ”; đồng thời thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò NCT - nguồn lực quý của đất nước. |
Những hoạt động nổi bật trong Tháng hành động vì NCT Việt Nam năm 2023 1. Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì NCT Việt Nam và trao giải thưởng Liên hoan tiếng hát NCT khu vực 1, tối 30/9/2023 tại tỉnh Hà Tĩnh, được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh, tiếp sóng Đài các địa phương trong khu vực. Buổi lễ có các đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh dự, phát biểu chỉ đạo; tặng quà NCT nghèo, NCT hoàn cảnh khó khăn và vinh danh các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò NCT. 2. Liên hoan tiếng hát NCT toàn quốc dự kiến tổ chức cuối tháng 10/2023 tại TP Hà Nội. Chương trình trao thưởng và bế mạc Liên hoan toàn quốc sẽ được Đài Tiếng nói Việt Nam VOV truyền hình trực tiếp, tiếp sóng tới các đài địa phương. Liên hoan tiếng hát NCT khu vực 2, gồm các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, tổ chức từ ngày 4 - 6/10/2023 tại tỉnh Khánh Hòa. Liên hoan tiếng hát NCT khu vực 3, gồm các tỉnh phía Nam, tổ chức từ ngày 13 - 15/9/2023, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chương trình trao thưởng và Liên hoan được phát trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương đăng cai, tiếp sóng tới các đài địa phương trong khu vực. 3. Hội nghị toàn quốc biểu dương NCT làm kinh tế giỏi, dự kiến tổ chức cuối tháng 11/2023 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị đón khoảng 500 đại biểu, gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành, đại biểu cơ quan Trung ương, báo chí, đại biểu địa phương. 4. Các giải thể thao toàn quốc gồm: Giải bóng chuyền hơi người trung, cao tuổi các tỉnh phía Bắc tổ chức trong tháng 5/2023 tại tỉnh Bắc Kạn; khu vực phía Nam tổ chức vào tháng 10 tại tỉnh Trà Vinh. Giải cờ tướng người trung, cao tuổi toàn quốc tổ chức vào tháng 8 tại tỉnh Quảng Nam. Giải cầu lông trung cao tuổi toàn quốc tổ chức vào tháng 9 tại tỉnh Thanh Hóa. 5. Tại các địa phương, Hội NCT các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với MTTQ, các đoàn thể, các Sở, ngành, cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tọa đàm kỉ niệm Ngày Quốc tế NCT và phát động hưởng ứng Tháng hành động vì NCT Việt Nam; huy động nguồn lực thăm hỏi, tặng quà NCT nghèo, NCT cô đơn không nơi nương tựa, hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức sôi nổi các cuộc giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao NCT; Liên hoan tiếng hát NCT, Hội nghị biểu dương NCT làm kinh tế giỏi và thu hút sự quan tâm, vào cuộc của các cấp các ngành và toàn xã hội… |
Bài, ảnh: Thanh Hà Trình bày: Thanh Hà |