Ngăn chặn tiêu cực từ gốc
Cùng suy ngẫm 27/05/2023 08:01
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề xuất Trưởng ban Soạn thảo dự án luật là người ngoài ngành để tránh cài cắm lợi ích, kiểm soát quyền lực ngay từ khâu lập pháp. Vấn đề này đã được dư luận đề cập trong các hội thảo, báo chí cũng đã lên tiếng nhưng dường như chưa có chuyển biến tích cực khiến nóng lòng các đại biểu
Ông Lê Thanh Vân cho rằng, hiện nay ban soạn thảo là người của chính cơ quan đề xuất dự thảo luật nên có thể cách nhìn không khách quan. Cơ cấu ban soạn thảo cần thay đổi theo hướng có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, cơ quan chuyên môn và diện trực tiếp chịu điều chỉnh. Đồng thời kiến nghị sớm khôi phục việc xây dựng chương trình luật, pháp lệnh cho toàn khóa, bám vào nội dung nghị quyết đại hội Đảng các khóa để xác định chính sách lập pháp và thứ tự ưu tiên hằng năm. Việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm cần hạn chế ở mức thấp nhất vì thay đổi liên tục thể hiện tư duy lập pháp, tư duy chính sách thiếu nhất quán, tầm nhìn chưa xa. Điều quan trọng, theo ĐB Lê Thanh Vân, việc thay đổi thường xuyên các chương trình xây dựng luật hằng năm tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. “Đó là sự chưa chín muồi trong các kiến nghị lập pháp, không tránh khỏi lợi ích nhóm”, ĐB Lê Thanh Vân nhận định.
Về nội dung các luật, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) nhận xét: “Có nhiều đạo luật luôn dễ, thuận lợi cho cơ quan nhà nước; song lại có những nội dung khó cho người dân và doanh nghiệp”. ĐB đoàn Khánh Hòa kiến nghị ban soạn thảo luật không nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước chủ trì, mà chỉ tham gia với tư cách thành viên; ngoài ra có các nhà khoa học, đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật tham gia để có tiếng nói khách quan, phản biện nhiều chiều. QH mới là người lắng nghe và quyết định cuối cùng.
Theo ĐB Vũ Tiến Lộc (TP. Hà Nội), một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng luật là loại bỏ chồng chéo, xung đột, bất nhất trong các luật, nhất là luật chuyên ngành. Dẫn chứng từ thực tế cuộc đối chất giữa Trung ương và địa phương làm nóng dư luận gần đây, Ông Vũ Tiến Lộc cho biết : “Vừa rồi có tranh luận giữa Bộ KH&ĐT và UBND TP. Hồ Chí Minh cho thấy rất rõ những quy định pháp luật không rõ ràng. Đó là thể hiện nguyên nhân của tình trạng không dám làm, đùn đẩy trách nhiệm”.
Nói cho cùng, việc để cho ra đời và dễ dàng thông qua các dự án luật trách nhiệm một phần do các ĐB Quốc hội. Cho nên việc “tuýt còi” kiên quyết không cho qua các dự luật còn nhiều dấu hiệubbất cập cần phải được phát huy nhiều hơn. Hơn nữa cử tri cả nước mong các ĐB của Nhân dân nên soi xét kỹ hơn nội dung để phát hiện sự cài cắm lợi ích nhóm, đôi khi rất tinh vi trong các luật, nếu nó đuợc thông qua thì hệ lụy khó lường.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV |